Chủ tịch kiêm CEO Nokia tự tin về khả năng công ty sẽ sống sót trong một thế giới đầy các thiết bị kết nối dù họ không còn sản xuất bất kỳ thiết bị nào. Samuli Simojoki luôn muốn những lời nói của ông không phải “dưới tư cách là một cổ đông của Nokia mà như một người Phần Lan”.
Simojoki - luật sư tại Helsinki là một trong 3.200 người tham dự buổi họp thường niên của công ty vào ngày 19/11. Ông đã bỏ phiếu phản đối việc bán mảng kinh doanh di động của Nokia cho Microsoft với giá 3,8 tỷ euro bằng tiền mặt. Trong khi đó, có tới hơn 99% phiếu bầu lại ủng hộ quan điểm này. Khi thoả thuận kết thúc vào năm 2014, Nokia - một trong những nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới sẽ ngừng kinh doanh.
Trước đó Nokia đã nỗ lực tự đổi mới và bắt đầu thay đổi trong năm 1865. Họ chuyển thành nhà sản xuất cáp điện thoại và cao su, thậm chí cả tivi vào những năm 1980 (tivi của Nokia từng trở thành một trong những sản phẩm bán chạy nhất tại châu Âu). Tuy nhiên, mảng kinh doanh thiết bị tiêu dùng điện tử của hãng lại thất bại, gây thiệt hại lớn cho công ty và cuối cùng phải bán đi vào năm 1990. Điện thoại di động lúc đó là tương lai của Nokia. Tuy nhiên, nó đã nhanh chóng trở thành quá khứ khi vào năm ngoái, hơn 32.000 “Nokian” (bao gồm cả giám đốc Stephen Elop) trở thành người của Microsoft.
Hình hài tiếp theo của Nokia ngày cảng trở nên “teo tóp” sau khi công ty mất đi mảng sản xuất thiết bị. Họ vẫn có 56.000 nhân viên và hơn 6.000 trong số đó là người Phần Lan. Nhờ vào thương vụ mua bán, họ có thêm được 1,65 tỷ euro từ thoả thuận bằng sáng chế 10 năm với Microsoft và 1,5 tỷ euro tiền vay từ các công ty Mỹ, Nokia sẽ có bảng cân đối tài chính tốt hơn và có nhiều tiền mặt hơn để bắt đầu lại. Kể từ khi thương vụ mua bán được tuyên bố vào tháng 9, giá cổ phiếu của Nokia đã tăng gần gấp đôi lên mức 6 euro.
Bán mảng sản xuất điện thoại Nokia còn lại gì?
Nokia mới sẽ có 3 bộ phận. Lớn nhất là Nokia Solutions and Network (NSN) bán các thiết bị, phần mềm và dịch vụ cho các nhà mạng. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của NSN là Ericsson của Thụy Điển, Huawei, ZTE của Trung Quốc và Alcatel-Lucent của Pháp. NSN tạo ra 90% doanh thu của Nokia. Dưới sự lãnh đạo của Rajeev Suri, họ đã chuyển từ thua lỗ thành công ty làm ăn có lãi. Doanh số bán hàng của họ trong 9 tháng đầu tiên (của Nokia mới) đạt 8,2 tỷ euro - lớn bằng với mảng kinh doanh thiết bị cầm tay. Dù đến nay doanh thu của NSN đang có đấu hiệu giảm nhưng nó vẫn giúp công ty thoát ra khỏi chuỗi thời kỳ kinh doanh không lợi nhuận trước đó.
Doanh thu của các nhà cung cấp hạ tầng di động lớn trên thế giới.
Ông Suri nói rằng kinh doanh mạng có ít biến đổi hơn so với thiết bị cầm tay bởi vì “bạn không thể chỉ bán cho khách hàng và ra đi” mà phải xây dựng được “mối liên kết chặt chẽ” với các nhà mạng. Suri cũng chỉ hướng NSN thiên về và chuyên biệt trong 1 lĩnh vực di động băng thông rộng - thứ mà các nhà cung cấp chắc chắn phải đầu tư. NSN cũng đạt những thoả thuận chắc chắn tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.... Họ cũng cắt giảm 26.000 việc làm và hơn 1,5 tỷ euro chi phí trong 2 năm.
Hiện còn nhiều cơ hội cho NSN. Alcatel-Lucent đang làm ăn thua lỗ. Trong tháng 6, họ đã tiết lộ kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ công ty. Chính vì vậy, nếu tương lai của Alcatel-Lucent trở nên xám xịt, NSN sẽ được hưởng lợi 1 phần.
Pierre Ferragu - một chuyên gia phân tích tại Sanford C. Bernstein nói rằng Ericsson và Alcatel cùng chiếm khoảng 40% thị phần mạng không dây tại Mỹ còn Huawei là mạng lưới bên ngoài nước Mỹ. Chính vì vậy Ferragu nghĩ rất có thể NSN sẽ thâu tóm một trong những nhà mạng kể trên nhưng phương án mà Bernstein cho rằng có thể xảy ra cao hơn là Alcatel-Lucent sẽ tiếp tục sống trong vài năm nữa.
Stephane Teral đến từ công ty nghiên cứu Infonetic nói rằng nếu có một thỏa thuận mua bán thành công thì NSN có thể nâng cao thị phần tại Mỹ và Trung Quốc, giúp họ vượt qua Huawei và gần bằng Ericsson. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng “sự kết hợp sẽ rất khó” và “bất kỳ thoả thuận nào cũng sẽ là một rắc rối”.
2 mảng kinh doanh còn lại của Nokia gồm HERE – hoạt động trong lĩnh vực bản đồ hiện đang chiếm thị phần đáng kể hệ thống định vị trong xe ô tô. Một bộ phận nhỏ hơn là Advanced Technologies có khoảng vài nghìn nhân viên chuyên tạo ra những ý tưởng cải tiến sáng tạo. Risto Siilasmaa - chủ tịch và CEO Nokia gọi đây là “cỗ máy đổi mới của chúng tôi”. Có thể nói tương lai của Nokia phụ thuộc vào nhiều vào hiệu quả hoạt động của bộ phận này. Doanh thu của cả HERE và Advanced Technologies hiện đạt khoảng 500 triệu euro 1 năm.
Siilasmaa tỏ ra tự tin về khả năng Nokia mới sẽ sống sót trong một thế giới đầy các thiết bị kết nối dù họ không còn sản xuất bất kỳ thiết bị nào. Ông ám chỉ rằng một ngày nào đó công ty có thể quay lại sản xuất hàng tiêu dùng. Có thể đây là viễn cảnh kỳ cục nếu nói ở thời điểm hiện tại nhưng với một công ty đi từ sản xuất cáp, ti vi, thiết bị viễn thông cầm tay, bản đồ cho tới cấp bằng sáng chế thì không gì là không thể!
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ/Economist