Câu chuyện thương hiệu đã rẽ sang một hướng khác trong thời kỳ bùng nổ internet và mạng xã hội. Giờ đây, các thương hiệu cá nhân mới là yếu tố quyết định trong việc tạo dựng một cái tên.
Đối với doanh nghiệp, thương hiệu có tầm quan trọng rất lớn đối với sự sinh tồn. Các công ty thường đầu tư rất nhiều vào logo, tên thương hiệu và thông điệp của thương hiệu. Câu chuyện về việc làm thế nào để một cái tên đi vào lòng người tiêu dùng đã được nói đến rất nhiều.
Tuy nhiên, Forbes trong bài viết gần đây đã nêu một thực tế rằng: Cái nhìn của người tiêu dùng vào thương hiệu công ty đã thay đổi. Sự phát triển của dịch vụ quảng cáo dường như đang ở mức cực điểm và quay lại... phản tác dụng.
Jayson Demers - tác giả bài báo, là một chuyên gia tiếp thị trực tuyến, hiện giảng dạy tại Đại học Washington - lập luận rằng các công ty không còn đáng tin cậy như trước. Trong thời đại thông tin internet bùng nổ, người tiêu dùng bắt đầu hoài nghi về những gì họ nghe và thấy từ quảng cáo.
Những vấn đề về niềm tin theo đó đã được giải quyết theo cách rất đơn giản: Sử dụng thương hiệu cá nhân.
Người tiêu dùng ngày xưa thường tin lời giới thiệu của đồng nghiệp, bạn bè về sản phẩm, sau đó mới mua và sử dụng. Ngày nay, những nhân vật nổi tiếng đang trở thành “người hàng xóm” của người tiêu dùng nói chung. Có nghĩa là, họ lấy uy tín cá nhân ra đảm bảo cho sự thành công của sản phẩm.
Có rất nhiều yếu tố cấu thành một thương hiệu cá nhân. Nhưng theo Jayson, điểm cốt lõi nằm ở vị thế và vị trí của cá nhân ấy trong các mối quan hệ.
Đơn giản nhất, nếu bạn đại diện cho một sản phẩm thể thao, bạn phải là một chuyên gia của lĩnh vực ấy và được nhiều người biết đến. Ví dụ điển hình là việc Michael Jordan bất chấp đã giã từ sự nghiệp bóng rổ lẫy lừng, song vẫn là nhân tố cực kỳ quan trọng trong các chiến dịch tiếp thị dụng cụ thể thao của hãng Nike. Người tiêu dùng mua hàng vì họ yêu mến, tin tưởng Michael Jordan, trước khi nhìn thấy Nike là một trong những hãng thể thao lớn nhất thế giới.
Chính sự tương tác giữa thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu cá nhân đã tạo ra những “nghề nghiệp” mới ở thời đại internet và mạng xã hội. Những người nổi tiếng có thể đại diện quảng cáo rất đơn giản cho doanh nghiệp chỉ bằng việc treo một dòng trạng thái có nhắc đến tên doanh nghiệp, đổi lại doanh nghiệp sẽ trả tiền cho điều này.
Theo chiều ngược lại, một vận động viên thể thao hay một diễn viên điện ảnh cũng có thể đánh bóng tên tuổi của họ bằng việc “được” các nhãn hiệu lớn chọn làm gương mặt đại diện. Các công ty giờ đây có chiến lược “nuôi ngôi sao” theo cách Nike đã làm với Michael Jordan. Một sự tương tác tốt từ hai phía sẽ mang lại hiệu quả tiếp thị cao nhất.
GIANG LANG/DNSG