Hai anh em Kelly và Keith Toppazzini là chủ của thương hiệu Topper’s Pizza tại Canada. Qua 33 năm, DN gia đình này đã phát triển với 35 cửa hàng pizza và 1 cửa hàng truyền thống.
Từ khi còn nhỏ, cả Kelly và Keith đều đã tham gia vào quy trình lên kế hoạch, xây dựng và vận hành một trong những cửa hàng đầu tiên.
Dưới đây là những chia sẻ của họ về những tập quán giúp công ty gia đình họ phát triển và ngày càng lớn mạnh.
Đặt ra những quy tắc để xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp
“Để có được đội ngũ nhân viên vui vẻ, thành công, đam mê công việc và luôn tràn đầy năng lượng, tất cả các thành viên cần phải được đồng chỉnh và có cùng suy nghĩ với nhau”, Kelly giải thích.
Kelly đã thuê những cố vấn giúp họ phát triển “Bộ quy tắc Toppazzini”, một bộ chỉ dẫn được tạo ra để đảm bảo quyền lợi của tất cả nhân viên cũng như bảo vệ văn hoá doanh nghiệp.
Một trong những quy tắc được thiết kế là đảm bảo sự công bằng và tuyệt đối tránh việc thiên vị người nhà. “Chúng tôi không bao giờ cho phép việc có ngoại lệ” Kelly cho biết.
Con gái của Kelly sắp tốt nghiệp năm nay, và cô bé cũng sẽ phải làm việc ở một vị trí nào đó trong chuỗi nhà hàng trong vòng 2 năm trước khi có thể ứng tuyển vào vị trí cao cấp trong doanh nghiệp của gia đình.
Nuôi dưỡng mọi thành viên trong doanh nghiệp
Giúp các thành viên xác định được định hướng và mục tiêu nghề nghiệp họ sẽ theo đuổi là một trong những việc quan trọng của lãnh đạo công ty. Kelly chia sẻ: “Tôi luôn hỏi nhân viên của mình những câu hỏi như: Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì? Bạn có muốn phát triển cùng công ty hay không? Và bạn muốn cùng phát triển như thế nào? Bạn nhìn thấy hình ảnh của mình như thế nào trong vòng 10 năm tới?...”.
Anh em nhà Toppazzini luôn cố gắng để vận hành doanh nghiệp của gia đình họ với 100% sự minh bạch, điều này giúp họ gây dựng được lòng tin trong lòng nhân viên cũng như giúp nhân viên thấy rằng mình hoàn toàn có cơ hội phát triển và thăng tiến trong doanh nghiệp này.
Ở Toppar Pizza, mọi nhân viên đều có cơ hội thăng tiến
Thăng chức cho những thành viên không phải người nhà
Kelly giải thích rằng một trong những nhân tố quyết định thành công của một hệ thống nhượng quyền chính là bạn cần thăng chức cho những nhân viên không phải người nhà và đặt họ vào những vị trí cấp cao.
Việc thuê những nhân viên cấp cao như giám đốc chính là một chiến lược cốt lõi được Topper’s áp dụng để đưa doanh nghiệp gia đình phát triển lên những tầm cao mới.
“Tôi phát hiện ra rằng, bên cạnh việc đem đến những cái nhìn mới mẻ, những lãnh đạo không phải người trong nội bộ gia đình sẽ giảm thiểu việc chúng ta đưa ra những quyết định dựa trên cảm xúc”, Kelly nói.
Coi khách hàng như người thân
Các doanh nghiệp gia đình có một lợi thế cạnh tranh rất khác biệt mà các doanh nghiệp khác không có được. Bởi khi kinh doanh, tất cả các doanh nghiệp gia đình đều muốn gây dựng danh tiếng cũng như nỗ lực để có thể để lại một di sản cho gia đình mình. Điều này hoàn toàn khác so với việc phát triển doanh nghiệp để bán.
“Việc không ngừng quan tâm đến thanh danh của gia đình thực sự tạo ra sự khác biệt, bởi bạn sẽ luôn phải chú tâm xem dịch vụ khách hàng của mình có được nhân viên thực hiện một cách tích cực không”, Kelly chia sẻ, “Những thành viên trong gia đình cũng sẽ luôn tậm tâm với khách hàng, điều này tạo ra thiện cảm trong lòng khách hàng, từ đó gây dựng lòng trung thành của họ với thương hiệu, và cuối cùng, tăng doanh thu bán hàng cho chính bạn”.
Đội ngũ của Toppers’ không chỉ thực hành sự quan tâm của họ tới khách hàng, mà cả cộng đồng khi họ trở thành đối tác với một số tổ chức từ thiện trong khu vực.
Làm việc trước khi trở thành chỉ huy
Những đứa con của Kelly, đều làm việc cho công ty với vai trò nhân viên bán thời gian khi còn đang đi học.
Theo Kelly, những chủ doanh nghiệp, thay vì chỉ huy, hãy tham gia vào công việc cụ thể nhiều nhất có thể, ở mọi khâu. Người chủ doanh nghiệp gia đình cần phải là người dành nhiều thời gian hình thành văn hóa của công ty và liên tục giao tiếp với bộ phận vận hành.
Các ông chủ của Topper's Pizza - Keith (trái) và Kelly Toppazzini - tham gia vào công việc ở mọi khâu
Khi lên các chiến lược kinh doanh, người chủ doanh nghiệp cũng cần phải dành hết tâm sức của mình, và đừng lên những con số dựa trên phỏng đoán hay cảm tính. Hãy tìm hiểu mọi ngóc ngách, chi tiết trong doanh nghiệp để có thể thu thập thông tin về sản phẩm, khách hàng, dịch vụ nhân viên mình đang cung cấp, cũng như tìm kiếm mọi cách để cải thiện sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp mình.
TRẦN HUYÊN (theo Entrepreneur)