Rakuten có thể xem mẫu hình thành công điển hình nhờ việc am hiểu văn hóa địa phương và thói quen người tiêu dùng.
Năm 1996, một nhân viên ngân hàng Industrial Bank of Japan có tên Hiroshi Mikitani quyết định từ bỏ công việc có thu nhập và danh tiếng tốt tại Nhật Bản. Đây được xem là hành động phá lệ so với truyền thống người Nhật. Một năm sau đó, Mikitani thành lập nên Rakuten, sau này là một trong những công ty Internet, thương mại điện tử lớn nhất trên thế giới.
Nhà sáng lập kiêm CEO Rakuten Hiroshi Mikitani.
Cột trụ phương Đông
Xem xét ngành thương mại điện tử thế giới không thể không nhắc đến 4 cột trụ gồm: Amazon, eBay, Alibaba và Rakuten. Trong khi Amazon, eBay là hai cột trụ phương Tây thì Alibaba và Rakuten là cột đỡ phương Đông. Nhưng so với 3 gã khổng lồ kia, Rakuten được xem là tập đoàn khá kín tiếng như tính cách của người Nhật. Theo tạp chí danh tiếng Forbes, tính đến tháng 5/2014, giá trị thị trường Amazon đạt 157,52 tỷ USD, eBay là 71,01 tỷ USD còn Rakuten đạt 17,65 tỷ USD, Alibaba đạt mức 9,33 tỷ USD (số liệu tháng 5/2011).
Năm 1997, Rakuten ra đời cùng nền tảng trung tâm mua sắm trực tuyến Rakuten Ichiba. 3 năm sau, để thu hút đầu tư mở rộng kinh doanh, Rakuten tiến hành IPO trên sàn JASDAQ. Kể từ đây, không chỉ giới hạn trong hoạt động trung tâm thương mại trực tuyến, Rakuten còn vươn cánh tay sang dịch vụ khách sạn trực tuyến, chứng khoán, tiền điện tử, thể thao, truyền thông,... đồng thời mở rộng quy mô thông qua con đường M&A.
Không chỉ dừng lại ở thị trường Nhật Bản, Rakuten còn tiến thẳng tới đại bản doanh của hai gã không lồ Amazon, eBay bằng việc mua lại Buy.com với giá 250 triệu USD năm 2010 và đổi lại thành thương hiệu "Rakuten.com Shopping". Với chiến lược toàn cầu hóa, Rakuten còn thâu tóm Priceminister (Pháp), Ikeda (Brasil), Play.com (Anh),... để gia nhập các thị trường mới này.
Kiềng ba chân
Được coi là một trong tứ trụ của công nghiệp thương mại điện tử thế giới nhưng nếu nói Rakuten chỉ sống nhờ thương mại điện tử là chưa đủ.
Hiện Rakuten sở hữu cũng như góp vốn với hàng loạt công ty đủ các lĩnh vực như Rakuten Auction, Rakuten Logistics, Rakuten Travel, Rakuten Bank,... Hãng này xây dựng chiến lược phát triển dựa trên hệ sinh thái gồm 3 cột trụ: Thương mai điện tử, Tài chính và Nội dung số.
Hệ sinh thái Rakuten. (Nguồn: Báo cáo thường niên 2013)
Theo báo cáo thường niên năm 2013, mảng dịch vụ Internet đóng góp 57,1% doanh thu với sự góp mặt lớn nhất của Rakuten Ichiba, Rakuten Travel. Mảng tài chính Internet chiếm 36,5% đến từ Rakuten Card, Rakuten Securities,... Năm 2013, Rakuten chiếm hầu hết vị trí hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ internet Nhật Bản.
Xếp hạng trên thị trường liên quan tới IT nội địa. (Nguồn: Báo cáo thường niên 2013)
Với gốc rễ là thương mại điện tử, Rakuten khá mạnh tay khi đầu tư vào những thương vụ lớn nhằm tận dụng và phát triển mảng kinh doanh này. Năm 2013, Rakuten đầu tư 50 triệu USD vào Pinterest. Theo lời của CEO Mikitani, với ý tưởng cá nhân hóa và sáng tạo, Pinterest là mạng xã hội phù hợp nhất với công ty này.
Đầu năm 2014, Rakuten một lần nữa lại gây chú ý khi mua lại ứng dụng nhắn tin Viber. Tính đến thời điểm đó, Viber có 345 triệu người dùng trên khắp thế giới. Sau thương vụ này, lượng thành viên đăng ký dịch vụ của Rakuten tăng từ mức gần 200 triệu người dùng lên 500 triệu người dùng. Theo tiết lộ của Rakuten, hãng này mua Viber với nhắm tới 3 mục tiêu: Phát triển mô hình Viber độc lập như trò chơi, stickers; nắm lấy xu hướng phát triển công nghệ đầy tiềm năng hiện nay và tích hợp Viber vào hệ sinh thái nhằm gia tăng giá trị cho các dịch vụ internet hiện tại của Rakuten.
Rakuten có phải "Amazon phiên bản Nhật"?
Khi được báo chí quốc tế gọi Rakuten với cái tên "Amazon.com phiên bản Nhật", CEO Mikitani cho biết sự so sánh này có phần không chính xác. Mục tiêu của Amazon là luôn luôn chú trong vào sản phẩm và khách hàng bằng việc cải thiện phân phối và lựa chọn. Đối với Rakuten, mục tiêu lại thiên về trải nghiệm mua sắm của khách hàng với nền tảng của chính nó. Rakuten làm việc trên nguyên tắc "Omotenashi", vốn là cách tiếp cận theo hướng Nhật Bản trong việc mang tới chất lượng cao và dịch vụ mang tính cá nhân.
"Ở Nhật Bản, nếu bạn đến một quán cà phê, một cửa hàng hay bất kỳ doanh nghiệp địa phương nào, bạn sẽ nhận thấy một chuẩn mực rất cao trong dịch vụ cá nhân.", nhà sáng lập kiêm CEO Rakuten chia sẻ. "Internet nên được phát triển theo hướng này."
Mikitani cho biết Rakuten đang cố gắng để tạo ra trải nghiệm tiêu dùng mang tính cá nhân cho những người dùng của tập đoàn này bằng việc cho phép mỗi người bán hàng trên trên có thể tùy chỉnh trang của họ với cách bài trí độc đáo, hình ảnh và những chương trình khuyến mại. Những nhà cung cấp cũng có thể chỉnh sửa và cập nhận trang liên tục cũng như cách giao tiếp thẳng với khách hàng. "Chúng tôi muốn đem lại cho họ cảm giác được là một người thực tại đây", Mikitani nhấn mạnh.
Với mục tiêu theo đuổi là đề cao tính cá nhân, CEO Rakuten cho biết tập đoàn này tránh việc tiêu chuẩn hóa. "Chúng tôi đang tạo ra nhiều câu chuyện, trải nghiệm và liên lạc giữa người mua và người bán."
Một điểm khác biệt và tạo ra thành công của Rakuten so với Amazon trên xứ sở hoa anh đào chính là nhờ hệ thống sinh thái đa dạng. Với chiến lược sử dụng Rakuten Super Points trong đó kết nối tất cả những dịch chuyển trong hệ sinh thái của tập đoàn này tạo ra mạng lưới khách hàng trung thành lớn. Khi sử dụng dịch vụ của Rakuten, những người dùng được tính điểm chung, vì vậy một khách hàng có thể dùng điểm mua hàng trực tuyến từ Ichiba để đặt một kỳ nghỉ với mảng du lịch của tập đoàn này. Sự linh hoạt của hệ thống điểm này đã trở nên phổ biến với những thành viên khi con số tỷ lệ sử dụng chéo tới 55,4% năm 2013.
Hiện gần 90% người dùng internet tại Nhật Bản đã đăng ký tại Rakuten và tập đoàn này đang vận hành cho khoảng 40.000 doanh nghiệp và dịch vụ khác nhau tên khắp thế giới. Rakuten có thể xem hình mẫu thành công điển hình nhờ việc am hiểu văn hóa địa phương và thói quen người tiêu dùng đối với bất kỳ doanh nghiệp châu Á nào, đặc biệt trong ngành kinh doanh trực tuyến.
Kim Thủy
Theo Trí Thức Trẻ