Xe chở bia Tiger mất lái, bia rơi đầy đường. Lòng tham của phần "con" trỗi dậy, đám đông lao vào hôi của (nói đúng hơn là cướp của). Ban đầu "selling point" (điểm hấp dẫn) cho truyền thông chỉ là vấn đề đạo đức một bộ phận người dân.
Sau đó đến lượt hãng bia Tiger lọt vào tầm ngắm với các chỉ trích về tin đồn họ phạt đòi tài xế bồi thường gần 400 triệu đồng. Báo chí ở đâu trên hành tinh này cũng thích viết về "người xấu việc xấu" hơn là "người tốt việc tốt". Bài viết này không có ý định tiếp tục "theo dòng sự kiện" đang làm độc giả "say bia" này.
Tiger bia làm gì để tận dụng cơ hội khuếch trương thương hiệu?
Có ý kiến gợi ý rằng VBL Việt Nam (chủ thương hiệu Tiger) nên sử dụng ý tưởng "làm điều tốt – đón lộc đầu năm" thông qua các chương trình như: "Xóa tiền bồi thường cho anh lái xe vụ đổ xe bia tại Biên Hòa", hay "Chuyển ngay vào quỹ 2 tỷ chẳng hạn và chương trình ai uống 1 lon Tiger thì chuyển 10 đồng Việt Nam vào trong quỹ "Làm điều tốt và đón lộc đầu năm". Tất nhiên một thương hiệu quốc tế như Tiger chả bao giờ mất thời gian cho những ý tưởng "siêu sáng tạo" kiểu thế này.
Thời buổi kinh tế khó khăn. Ngân sách marketing ngày càng bị cắt giảm. Bỗng dưng bia Tiger thấy mình đang đứng dưới ánh đèn sân khấu với bao ánh mắt ghen tị nhìn vào (chắc giờ này khối nhãn hiệu bia đang ước giá như bia của họ cũng đổ tung toé ở Biên Hoà !). Chả lẽ Tiger lại bỏ lỡ cơ hội vàng này để quảng bá thương hiệu? Viết bài PR để ngầm thanh minh rằng sự kiện đổ bia ra đường là tình cờ chứ không phải cố ý? Chả cần. Dân tình cứ việc đồn thổi. Có đạo diễn hay không thì câu chuyện đã xảy ra rồi. Cứ để nửa kín nửa hở, hư hư thực thực nó mới hay. Mà nói thật, cho dù Tiger không "dựng chuyện" thì thanh minh cũng chẳng ai tin. Đám đông nó là như vậy. Làm gì có lý trí mà dùng lý lẽ giải thích.
Trên các báo mạng, không ít bài viết đang tích cực gợi ý cho Tiger áp dụng chiêu "Running man" của Arsenal đã làm. Có đôi chút liên quan đấy nhỉ. Tiger vốn là nhà tài trợ cứng cho giải ngoại hạng Anh cơ mà. Người ta là "Running man", mình giật phát "Running Tiger" biết đâu bia Tết này bán ùn ùn không kịp sản xuất cũng nên.
Lại tiếp tục siêu sáng tạo!
Đâu phải thấy người ta "chạy" thấy hay, mình cũng a dua a tòng "chạy" theo. Running man chạy đến đâu Arsenal "thơm" đến đó. Running Tiger mà chạy, dân tình có khi cũng chạy, nhưng mà chạy mất dép vì sợ. Số khác có khi bực quá tẩy chay thì có mà tiền mất tật mang.
Câu chuyện của Running man là xây dựng hình ảnh thương hiệu. Chất liệu của câu chuyện mang dáng dấp tự nhiên và đẹp. Chàng trai khoẻ mạnh "bụng sáu múi" chạy 5km. Các ngôi sao Arsenal thân thiện dễ thương. Những nụ cười sáng ngời và những cái ôm, cái bắt tay nồng nàn. Từ cốt chuyện, kịch bản và các nhân vật đều là những "nguyên liệu" rất xịn rất đoàn chuẩn cho một câu chuyện rất hay.
Câu chuyện của bia Tiger (nếu có) cũng chỉ là bảo vệ uy tín. Lòng tham, hôi của và cướp bóc. Thiếu trách nhiệm và dựng chuyện để PR. Anh tài xế và khoản tiền đền bù gần 400 triệu. Từ cốt chuyện, kịch bản và các nhân vật đều là những "nguyên liệu bẩn" như vậy thì bói đâu cơ hội xây nên câu chuyện đẹp.
Vậy bia Tiger nên làm gì lúc này?
Chả lẽ Tiger bỗng dưng được ném lên sân khấu chỉ để diễn kịch câm? Thực ra cái Tiger cần làm nhất lúc này là ... chả làm gì cả. Tiger cần gì phải "hát" khi đã có rất nhiều người (từ chuyên đến không chuyên) thay nhau cất lời giúp họ. Cứ cho là Tiger cố tình đạo diễn vở hài kịch "cướp bia giữa ban ngày" này (cá nhân tôi thì cho rằng tai nạn đổ xe chở bia là thật) thì câu chuyện thực chất đã hạ màn với các bức ảnh dân cướp bia tràn ngập trên báo rồi. Đến dịp Tết các nhãn hàng FMCG và ngành bia rượu dù có đổ tiền tấn, tiền tỉ quảng cáo may ra cũng được một góc hiệu ứng truyền thông đã và đang xảy ra với bia Tiger mà thôi.
Do vậy đừng hy vọng mai kia trên báo lại có cái tít "Running Tiger xin chào người hâm mộ Việt Nam".
Nhưng biết đâu đấy nhỉ. Chả biết ai biết chắc chuyện gì xảy ra cho đến khi nó xảy ra. Cứ chờ xem thôi.
Theo Nguyễn Đức Sơn.
BrandDance.