Cán mốc 20 triệu người dùng, ví điện tử MoMo chính thức khẳng định vị trí của mình trong ngành ứng dụng tài chính và thanh toán online tại Việt Nam sau chặn đường 10 năm không ngừng phát triển.
Theo danh sách Fintech100 – Leading Global Fintech Innovators được KPMG và H2 Ventures công bố, ví MoMo là đại diện Việt Nam duy nhất lọt top 50 công ty dẫn đầu ngành App Finance (Ứng dụng Tài chính). MoMo hiện có tốc độ phát triển lớn nhất thị trường Việt Nam với lượng giao dịch thanh toán di động cao nhất, theo số liệu báo cáo quý III/2020 của NHNN. Vậy động lực nào đã thúc đẩy “kẻ mở đường mộng mơ” trở thành “siêu ứng dụng” MoMo ngày nay?
Ví MoMo hình thành – hạt giống cần nơi ươm mầm
Công ty M_Service ra đời vào năm 2007 và chính thức ra mắt thương hiệu Ví điện tử MoMo vào năm 2010. MoMo ra mắt người dùng với vai trò là dịch vụ nạp tiền, chuyển tiền qua số điện thoại di động, được ứng dụng ngay trên thẻ sim điện thoại của Vinaphone.
Tuy nhiên, dịch vụ này gặp nhiều phản hồi tiêu cực vì không phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Việt Nam thời điểm đó. Bỏ sim/card vào quá khứ, Nhà lãnh đạo MoMo chọn đi theo nhu cầu của người dùng khi trở thành trung gian nhận và chuyển tiền mặt giữa các đại lý. Mô hình này phát triển tương đối ổn định nhưng khó phát triển trên quy mô lớn lúc bấy giờ. Thời điểm này, các nhà lãnh đạo ví MoMo đã phải đưa ra một quyết định mạo hiểm: Tập trung vào ứng dụng di động, thay vì website như thông thường mặc dù thời điểm đó thị trường Mobile App (thị trường ứng dụng Mobile) vẫn chưa phổ biến như hiện nay.
“Mua ứng dụng” hay “xây ứng dụng” cho người Việt?
Tự gọi mình là “kẻ mở đường mộng mơ”, các lãnh đạo của MoMo cho rằng, những đắn đo, tranh luận thời điểm đó của đội ngũ M_Service là một cuộc chiến hết sức “cân não”. Nhưng thời gian đã chứng minh, quyết định tự tạo nên sản phẩm của mình là hoàn toàn đúng đắn. “Lần đó mà quyết định mua công nghệ thì chắc hy sinh rồi. Vì quy trình xử lý app rất phức tạp”, một vị lãnh đạo cho hay. Nếu quyết định mua công nghệ từ nước ngoài, chắc chắn điều MoMo phải hy sinh chính là thời gian. Chính việc chủ động “xây” nên ví MoMo khiến việc chỉnh sửa, tuỳ chỉnh, sáng tạo trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Cho đến thời điểm hiện tại, người dùng có thể nhận ra rằng, MoMo luôn là ứng dụng cực kỳ chủ động để thay đổi từ giao diện cho đến tính năng. “Ứng dụng do người Việt tạo ra, được đo ni đóng giày cho người Việt” cũng được coi là một yếu tố cốt lõi làm nên sự thành công của ví điện tử MoMo trên sân nhà so với các “ông lớn” đến từ quốc tế.
“Nằm gai nếm mật”
Với những vấn đề tài chính, lòng tin luôn là một phạm trù khó nắm bắt và chạm đến người dùng. MoMo đã mất 10 năm để thuyết phục khách hàng tin tưởng vào dịch vụ, để thuyết phục các ngân hàng cùng đưa thanh toán online trở nên phổ biến tại Việt Nam. Trong quá khứ, các ngân hàng thậm chí còn nhìn nhận MoMo như là đối thủ thay vì một đối tác, phải mất 2-3 năm để có thể kết nối với một ngân hàng. Nhưng đến nay, MoMo trở thành đối tác của 27 ngân hàng, từ Vietcombank, VPBank, ACB, TPBank... tới các ngân hàng nước ngoài như Shinhan Bank, Woori Bank của Hàn Quốc hay UOB của Singapore. Hiện tại, người dùng ví MoMo có thể an tâm do MoMo đã đạt Chứng chỉ Bảo mật quốc tế PCI DSS (Payment Card Industry Data Security Standard).
Đây thực sự là một cuộc cách mạng Fintech (tài chính công nghệ cao) mà ví MoMo đã dám thử nghiệm, dám hy sinh để nhận được quả ngọt. Thanh toán phi tiền mặt đang trở nên phổ biến trên thế giới, Việt Nam chắc chắn cũng không nằm ngoài xu hướng đó khi smartphone ngày càng phát triển và thế hệ trẻ ngày càng tân tiến. Nhìn nhận Việt Nam là một thị trường thuận lợi để phát triển dịch vụ thanh toán online trước khi các công ty công nghệ nước ngoài kịp nhảy vào, MoMo đã triển khai hàng loạt ưu đãi như tặng nhiều coupon hấp dẫn cho người dùng mới, các chương trình ưu đãi chiết khấu khi thanh toán qua MoMo tại các cửa hàng... Tính đến thời điểm hiện tại, người dùng MoMo nay đã có thể thực hiện thanh toán trong nhiều lĩnh vực dịch vụ công như điện, nước, Internet, điện thoại…; thanh toán tiền viện phí, học phí… tại hàng trăm bệnh viện, trường học.
Với những nỗ lực bền bỉ không ngừng nghỉ, ví điện tử MoMo đã xây dựng nên một hệ sinh thái lớn với gần 20 triệu người sử dụng, hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán, 12.000 đối tác cung cấp mọi dịch vụ trên khắp Việt Nam. Ví MoMo đáp ứng hầu hết các nhu cầu thiết yếu của người dùng trong các lĩnh vực như mua sắm online, mua vé máy bay, thanh toán dịch vụ ăn uống, bảo hiểm, chuyển tiền… Nhưng dừng lại ở đó là không đủ, MoMo đang bước vào hành trình mới với định hình trở thành một Siêu ứng dụng ra mắt vào QIV/2020 này.
Sau cùng, ví điện tử MoMo hứa hẹn sẽ giúp các đối tác và người dùng mobile giải bài toán về tăng trưởng, doanh thu và chi phí thông qua công nghệ. MoMo đã và đang tạo điều kiện cho các đối tác nhỏ lẻ (tiểu thương, bán hàng rong, startup…) có thể mua bán và thanh toán trực tuyến trên nền tảng ví điện tử của mình. Ứng dụng cũng hỗ trợ các doanh nghiệp đối tác tham gia vào quá trình chuyển đổi số dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều lần. Đội ngũ ví MoMo đã công bố sẽ tối ưu hoá việc sử dụng công nghệ Big Data (nền tảng dữ liệu lớn) và AI (trí thông minh nhân tạo) vào sản phẩm của mình trong tương lại.
* Ảnh: Internet