Trong câu chuyện kinh doanh ngành hàng không, có một sự đối lập khá thú vị giữa hãng bay Nhà nước tiêu chuẩn (Vietnam Airlines) với hãng bay tư nhân giá rẻ (Vietjet Air).
1 trong 7 thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới
Trong năm 2014, theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là thị trường hàng không đang phát triển nhanh và năng động.
Theo dự báo của IATA, trong giai đoạn từ 2013 - 2017, Việt Nam sẽ xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tỷ lệ vận chuyển hành khách quốc tế đạt 6,9%; vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 6,6%.
Hàng không đóng góp 6 tỷ USD cho GDP hàng năm của Việt Nam và tạo ra hơn 230.000 việc làm cho người dân trong giai đoạn 2008-2013. Trong 5 năm qua, lượng khách đi lại bằng đường hàng không của Việt Nam đã tăng thêm 96%.
Sự phát triển nhanh chóng này đang khiến những cảng hàng không trở nên quá tải
Ước tính năm 2015, Tân Sơn Nhất tiếp 26 triệu lượt khách, đã vượt qua công suất phục vụ của cảng hàng không này là 25 triệu lượt.
Việc các cảng hàng không nhanh chóng lâm vào tình trạng quá tải nhanh hơn dự đoán (trước đó bộ GTVT dự đoán đến năm 2020, các cảng hàng không tại Việt Nam mới quá tải) có sự đóng góp không nhỏ của các hãng hàng không giá rẻ.
Việc đẩy giá vé máy bay xuống ngang với giá vé tàu hỏa đã khiến nhu cầu đi lại bằng máy bay trong nước gia tăng rất nhanh những năm gần đây.
Hiện tại, Việt Nam có 7 hãng hàng không tham gia vận chuyển trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, chỉ có 2 cái tên nổi bật nhất trên thị trường hiện nay: Đó là Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Cuộc đấu song mã
Nếu như trước đây Vietnam Airlines "xưng vương" trong thị trường hàng không Việt thì sự xuất hiện của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air vào năm 2011 đã thay đổi cuộc chơi rất nhanh.
Hiện tại, tính cả hãng hàng không truyền thống và giá rẻ, Việt Nam có 3 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar. Mới đây nhất, một tên tuổi mới là Vietstar Airlines cũng tuyên bố xin được giấy phép bay thường xuyên và sẽ tham gia vào thị trường này.
Với 3 cái tên đang vận hành trên thị trường, Jetstar là "con lai" giữa Vietnam Airlines với và Tập đoàn Qantas (Úc), trong đó, Vietnam Airlines nắm 70% cổ phần. Mặc dù vậy, sự kết hợp này không hiệu quả khi Jetstar không thể mở rộng thị phần sau nhiều năm có mặt tại Việt Nam, thậm chí là "gánh nặng" đối với ông lớn Vietnam Airlines bởi liên tục thua lỗ.
Cuộc đua chỉ còn lại giữa 2 đối thủ Vietnam Airlines và Vietjet Air. Đây là sự đối lập khá thú vị giữa một hãng bay Nhà nước tiêu chuẩn (Vietnam Airlines) với hãng bay tư nhân giá rẻ (Vietjet Air).
Sự đối lập còn thể hiện trên nhiều khía cạnh.Đó là chiến lược định vị thương hiệu với hình ảnh tươi trẻ, sáng tạo, tràn đầy sức sống cùng hình ảnh những tiếp viên hàng không mặc bikini đã khiến Vietjet tạo dựng được một thương hiệu riêng, hoàn toàn khác biệt với hình ảnh duyên dáng, chuẩn mực với áo dài của Vietnam Airlines.
Câu chuyện “hãng hàng không bikini” gây xôn xao dư luận vào năm ngoái là một thành công lớn của Vietjet, trên một khía cạnh nào đó, định vị tính cách Vietjet đã được làm nổi bật hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, trong khi Vietnam Airlines liên tục bổ sung vào đội bay những dòng máy bay cỡ lớn mới như Boeing 787, A350 XWB thì ngay từ đầu Vietjet chỉ chọn đầu tư vào máy bay nhỏ như A320, A321.
Đây đều là những dòng máy bay phù hợp với sân bay nhỏ nội địa và chặng bay ngắn trong khu vực. Máy bay nhỏ kết hợp với giá vé rẻ, cùng chương trình săn vé rẻ trước nhiều tháng giúp tỉ lệ lấp đầy của Vietjet cao hơn hẳn đối thủ và tạo dòng tiền ra vào đều đặn hơn.
"Hàng không Bikini" trỗi dậy
Khởi đầu với 3 chiếc Airbus A320 đi thuê tới 2 điểm đến là TP HCM và Đà Nẵng, hãng bay này có những bước phát triển thần kỳ chỉ sau 4 năm. Tính đến tháng 7/2014, VietJet đã khai thác đội bay với 15 chiếc Airbus A320 mới, vận chuyển gần 3 triệu hành khách, tăng 182% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm nhấn cho sự bùng nổ của Vietjet Air là bản hợp đồng mua 100 máy bay A320 có giá trị tới 9 tỉ USD.
Chiến lược giá rẻ giúp Vietjet Air tăng tốc rất nhanh. Theo cục hàng không dân dụng Việt Nam, thị phần nội địa của hãng này đạt khoảng 36,3% trong năm 2015, tăng gần 7% so với năm trước.
Trong khi đó, Vietnam Airlines tiếp tục đánh mất khoảng 9% thị phần. Hiện ông lớn này chỉ còn nắm giữ 47,1% thị phần nội địa.
Thị phần vận chuyển hàng khách nội địa.
Trước đó vào năm 2014, tỷ lệ thị phần của Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt là 56% và 29,4%. Như vậy, Vietjet đã kéo Vietnam Airlines xuống tuột khỏi vị trí chiếm hơn nửa thị phần nội địa.
Thống kê của Trung tâm Hàng không (CAPA) cho thấy, trong năm 2015 Vietjet Air đã chuyên trở 10 triệu hành khách, chênh lệch không nhiều so với với con số 17,4 triệu người của Vietnam Airlines. Trong năm 2016, Vietjet còn lên kế hoạch sẽ tăng số lượng hành khách 50%, lên 15 triệu người.
Cùng với việc mở dồn dập mở đường bay mới, Vietjet không ngừng nhập về máy bay Airbus A320/A321 theo hợp đồng thuê và thuê mua 100 chiếc từ nhà sản xuất Airbus.
Trong khi đó, vận chuyển hàng không nội địa toàn ngành đã tăng trưởng hơn 26% và Vietjet đóng góp tới 70% vào mức tăng trưởng ấn tượng này.
Bản thân Vietnam Airlines cũng nhận thức được sức nóng cạnh tranh của thị trường. Chính vì vậy trong 3 năm tới, Vietnam Airlines chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 16,1% mỗi năm, riêng năm 2016 giữ được thị phần nội địa ở mức 40,8% (chưa tính thị phần của 2 công ty có vốn góp khác là JPA và VASCO).
Trong khi đó, Vietjet Air đặt mục tiêu tăng trưởng 50% trong năm 2016, tức là có thể đạt trên 42% thị phần trong năm 2016.
Kỳ vọng IPO
Tăng trưởng nhanh mới chỉ là bước đầu tiên của Vietjet. Áp dụng mô hình giá rẻ, việc Vietjet Air nhanh chóng mở rộng được thị phần là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, lợi nhuận của Vietjet Air đến nay vẫn còn là một ẩn số.
Cho đến nay, Vietjet Air mới chỉ úp mở việc họ "đạt lợi nhuận theo kế hoạch" và từ chối công bố con số cụ thể.
Một điểm đáng quan tâm nữa, đó là mô hình của Vietjet Air với đa phần là máy bay đi thuê, chắc chắn sẽ tạo ra áp lực tài chính rất lớn. Vì vậy, đợt IPO tới đây rất được Vietjet Air kỳ vọng. Nếu IPO thành công, Vietjet sẽ có đủ tiền để giải tỏa áp lực tài chính đang đè nặng.
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ