Tuần vừa qua, thị trường chứng khoán đón nhận một thông tin quan trọng khi Vinamilk, một trong những mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất trên sàn chứng khoán, có Chủ tịch HĐQT mới. 

Việc bổ nhiệm một thành viên HĐQT độc lập vào ghế Chủ tịch thường ít khi xảy ra, đặc biệt lại là trong nhiệm kỳ đầu tiên của người đó, nhưng tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), công ty có 45% vốn nhà nước, đã thành hiện thực.

Tuy nhiên, điều gì đã dẫn tới quyết định này. Tập hợp các thông tin quá khứ, người viết tin rằng việc bà Lê Thị Băng Tâm được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vinamilk là lựa chọn phù hợp cho Vinamilk trong giai đoạn này.

mai kiều liên

Bà Mai Kiều Liên

Mâu thuẫn SCIC vs Vinamilk ...

Tháng 8/2006, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thành lập với chức năng cơ bản là quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.

Vinamilk, một đơn vị sở hữu chi phối của Nhà nước, đã chuyển việc quản lý phần vốn nhà nước từ Bộ Công thương sang SCIC từ những ngày đầu.

Từ đó tới nay, Vinamilk luôn được xem như con gà đẻ trứng vàng của SCIC khi nhiều năm liền đóng góp tới hơn phân nửa lợi nhuận cho Tổng công ty.

Đây là lý do dễ hiểu cho việc SCIC liên tục phủ quyết các chương trình tăng vốn cho các đối tượng không phải cổ đông hiện hữu của Vinamilk trong các năm qua và cũng không giảm tỷ lệ sở hữu mặc dù Vinamilk đã hơn một lần đánh tiếng mua lại một phần vốn nhà nước.

Nhưng mâu thuẫn của SCIC với Vinamilk không chỉ dừng lại vấn đề sở hữu hay pha loãng cổ phiếu.

Ngày 1/10/2014, Hội đồng thành viên SCIC ban hành Quy chế người đại diện vốn kèm theo Quyết định số 22/QĐ.HĐTV trong đó nêu rõ “Người đại diện (SCIC) phải đủ tuổi đảm nhiệm đến hết thời hạn (nhiệm kỳ 5 năm)”.

Và “Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng công ty xem xét uỷ quyền Người đại diện khi không đủ tuổi đảm nhiệm hết thời hạn hoặc kéo dài thời gian uỷ quyền đối với Người đại diện đến tuổi nghỉ hưu trong các trường hợp sau: Các doanh nghiệp đang triển khai bán vốn theo kế hoạch; Các doanh nghiệp chưa triển khai bán vốn nhưng Người đại diện là lãnh đạo doanh nghiệp đã phối hợp tốt với Tổng công ty, điều hành kinh doanh hiệu quả và hiện tại chưa bố trí được người thay thế".

Với quy định như vậy, bà Mai Kiều Liên (sinh năm 1953) có thể không còn phù hợp với vai trò đại diện phần vốn nhà nước khi bà đã quá tuổi nghỉ hưu theo quy định pháp luật.

Tại ĐHĐCĐ thường niên của Vinamilk vào 27/4/2015, SCIC (với tư cách cổ đông lớn) đã đi thêm một bước xa hơn khi trực tiếp đề xuất ĐHĐCĐ thông qua nội dung “trường hợp đương nhiệm mất tư cách của thành viên HĐQT, BKS trong trường hợp thành viên đó không còn được cử làm đại diện của cổ đông là tổ chức” và bị ĐHĐCĐ phủ quyết.

Giới quan sát và những cổ đông lớn của VNM đều hiểu những nội dung SCIC đề xuất thực ra nhằm vào bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk, một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (theo bình chọn của Forbes) người có ảnh hưởng lớn nhất tại Vinamilk.

Bà Liên hiện đang là 1 trong 3 người đại diện vốn Nhà nước tại VNM, tức phần vốn mà SCIC đang quản lý.

Khi đưa ra đề xuất trên, có lẽ SCIC muốn rằng, khi bà Liên không còn đại diện cho phần vốn Nhà nước, SCIC sẽ cử người khác thay thế. Trong trường hợp đó, bà Liên đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT.

...và lời giải

Trong suốt giai đoạn 2013-2015, trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp khó, giới đầu tư chứng kiến vô số các bài báo, phỏng vấn về khả năng thoái vốn của SCIC tại Vinamilk, về tầm nhìn của nhà nước đối với vấn đề quản lý vốn nhà nước (nhắc tới thoái vốn tại Vinamilk)....

Nhưng có lẽ không mấy người để ý tới Quyết định 2344/QĐ-TTg ngày 2/12/2013 của Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu SCIC, trong đó nêu rõ Vinamilk nằm trong danh mục nắm giữ, đầu tư dài hạn của SCIC (cùng với Dược Hậu Giang - DHG, Vinare và FPT Telecom).

Từ đây, có thể thấy rằng, trong tương lai gần, SCIC chắc chắn vẫn duy trì sở hữu tại Vinamilk, và không có chuyện bán bớt, dù chỉ một phần nhỏ cổ phiếu sở hữu của nhà nước tại đây.

Như vậy, dù muốn, dù không, bà Liên, các cổ đông khác của Vinamilk và bản thân Vinamilk vẫn sẽ song hành với cổ đông nhà nước trong thời gian sắp tới.

Và để duy trì các mối quan hệ, điều hòa các mâu thuẫn, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng có lợi cho toàn bộ các cổ đông, việc bầu bà Lê Thị Băng Tâm (nguyên Chủ tịch HĐTV SCIC giai đoạn 2006-2008, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính), một trong những người có công sáng lập SCIC, cũng là “sếp” cũ của ông Lại Văn Đạo (Tổng Giám đốc SCIC), ông Lê Song Lai (Thành viên HĐQT Vinamilk) là một nước cờ được xem là dung hòa hợp lý, thể hiện tầm nhìn của Ban lãnh đạo Vinamilk nói chung, và của bà Mai Kiều Liên nói riêng.

NHẬT THỦY

Theo Bizlive

Pin It
P. F. Drucker

"Marketing ... bao phủ toàn bộ họat động kinh doanh. Là tất cả họat động kinh doanh nhìn từ kết quả cuối cùng, tức là từ quan điểm của người tiêu dùng."

User Menu