Từ một cửa hàng nhỏ chuyên sản xuất yên cương thời trang cho… ngựa, công ty gia đình Hermès sau 2 thế kỷ đã trở thành một trong những hãng thời trang cao cấp và lâu đời nhất thế giới. Chất quý tộc thuần Pháp của Hermès làm người ta quên mất gia tộc này thực chất là dân Đức di cư.

 Hermes

Người Đức tiến vào "Kinh đô ánh sáng"
Hermès giành được giải thưởng đầu tiên tại Triển lãm Toàn cầu danh giá (Exposition Universelle) 1855 ở Paris, và đến Exposition 1867, ông Thierry được vinh danh huy chương hạng nhất dành riêng cho cá nhân.

Các tín đồ Tin lành trong nhà Hermès đến Pháp định cư vào năm 1828. Mười năm sau đó, ông Thierry Hermès khởi đầu công ty gia đình với nghề làm yên cương trong khu phố Grands Boulevards, chuyên sản xuất các dây cương thuộc da tốt nhất cho xe ngựa phục vụ giới quý tộc.

Hermes

Từ yên ngựa đến thời trang xa xỉ bậc nhất thế giới, gia tộc gốc Đức Hermès xây dựng đế chế kinh doanh tại đất Pháp

Ảnh: Internet

Các khách hàng của Thierry đều là những quý ông phong cách và có "máu mặt" ở Pháp, hay người thuộc dòng tộc Hoàng gia châu Âu, như Napoléon III và Hoàng hậu Eugénie.

Không lâu sau triển lãm Exposition 1867, ông Thierry trao quyền điều hành công ty lại cho con trai Charles-Émile.

Vị chủ tịch mới đánh dấu thêm một cột mốc trong lịch sử Hermès khi quyết định chuyển cửa hàng về trung tâm sang trọng nhất kinh đô ánh sáng, tại số 24 Rue Faubourg Saint-Honoré, kế Điện Elysée - nay vẫn tự hào cửa hàng đầu tàu của đế chế Hermès.

Với sự trợ giúp của 2 con trai - Adolphe và Émile-Maurice, ông Charles-Émile trình làng một loạt sản phẩm yên ngựa mới và mở rộng bán lẻ cho tầng lớp thượng lưu khắp thế giới, từ Bắc Mỹ, đến Nga và châu Á.

Thế hệ thứ III của Hermès - Émile-Maurice gây tiếng vang khi trở thành người được độc quyền sử dụng phát minh "dây kéo" trong các sản phẩm da và quần áo của hãng, và là người đầu tiên đưa công nghệ này vào Pháp.

Bí quyết từ những chiếc khăn choàng
Trong 20 năm điều hành, Émile-Maurice (không có con trai nối dõi) đã "tranh thủ" dạy cho 3 người con rể Robert Dumas, Jean-René Guerrand và Francis Puech trở thành các đối tác kinh doanh của Hermès.

Hermes

Hermès chỉ thực sự tỏa sáng khi bước sang tuổi 31, với việc giới thiệu mẫu khăn vuông 90 phân tay Jeu des Ombinus et Dames Blanches làm mưa làm gió sau này.

Hãng cẩn thận phụ trách mọi khâu sản xuất, từ mua lụa thô Trung Quốc đến quay sợi, dệt ra chất liệu may khăn dày và nặng gấp đôi các mẫu khăn có sẵn tại thời điểm đó.

Các nhà thiết kế đặc biệt của Hermès khi đó chỉ làm một việc duy nhất là sáng tạo ra các mẫu họa tiết họa tiết mới - là cảnh phụ nữ đua ngựa, đánh golf.

Phải mất nhiều năm sau đó, Hermès mới hoàn thiện được các lưới in trích xuất từ thực vật. Mỗi màu sắc thêm vào khăn đòi hỏi 1 tháng sấy khô trước khi in màu khác.

Do đó, một chiếc khăn 40 màu tinh xảo nhất cần đến 3 năm mới hoàn tất. Đáp lại, sản phẩm này nhanh chóng trở thành phụ kiện không thể thiếu đại diện cho phong cách quý tộc nước Pháp. Đến nay, Hermès đã xây dựng được bảng palette gồm 200 nghìn màu!

Trong lịch sử tồn tại của mình, Hermès cũng có thời gian hợp tác với bộ lạc Tuareg để sản xuất một dòng trang sức bạc, vì thế người ta có thể bắt gặp các họa tiết truyền thống du mục của sa mạc Sahara trên một số sản phẩm của Hermès, đặc biệt là trên các mẫu khăn lụa.

Những tín đồ trung thành có tiếng của Hermès còn có Nữ hoàng Elizabeth II - bà từng chụp ảnh chân dung cùng khăn choàng Hermès in trên tem thư những năm 50, Grace Kelly, Audrey Hepbur, Jackie O hay Sharon Stone từng trưng dụng chiếc khăn Hermès trong bộ phim Basic Instinct.

Ngay cả những tên tuổi mới hơn như Sharon Stone, Sarah Jessica Parker, Hillary Clinton, Mariah Carey, Madonna, Oprah Winfrey cũng đặc biệt yêu thích khăn choàng của hãng.

Sau khi Émile-Maurice qua đời năm 1951, con rể Robert Dumas-Hermès trở thành Chủ tịch đầu tiên không thuộc gia tộc và đặc biệt quan tâm phát triển dòng sản phẩm khăn choàng.

Đến năm 1978, ông trao lại quyền điều hành cho con trai Jean-Louis - người đem lại doanh thu lớn cho hãng trong những năm 1990 nhờ kết hợp với nhà thiết kế Jean-Louis để cho ra đời những sản phẩm lạ, như áo jacket dành cho biker hay quần jeans da đà điểu.

Hermès còn nổi danh với các bộ sưu tập túi xách xa xỉ. Để xứng tầm với tiêu chuẩn sang trọng, hãng không sử dụng một dây chuyền lắp ráp, mà mỗi sản phẩm đều được các nghệ nhân bậc thầy chăm chút toàn bộ.

Với phương pháp sản xuất thâm dụng lao động, cùng với việc tận dụng các chất liệu hiếm có, đắt đỏ, một túi da độc đáo đòi hỏi 24 giờ tác tạo thủ công.

Ví dụ như một chiếc túi Kelly cần 18 giờ làm việc liên tục của duy nhất 1 thợ thủ công tay nghề cao. Chất liệu da lạ Hermès trưng dụng gồm da thằn lằn Malaysia, cá sấu Florida, bò Pakistan, cá sấu Úc, hay đà điểu, dê và bò từ khắp nơi trên thế giới.

Ngày nay, dòng sản phẩm đặc trưng nhất của hãng là túi Hermès Kelly (đặt theo tên của Grace Kelly), túi Hermès Birkin (vinh danh Jane Birkin) và túi đeo vai Constance - những sản phẩm luôn có danh sách khách hàng chờ đợi xếp dài.

Victoria Beckham là "fan ruột" của dòng túi Birkin khi sở hữu bộ sưu tập có giá trị đồn đại lên đến 1,5 triệu bảng Anh. Hay "chịu chơi" như Lady Gaga sắm hẳn cho mình chiếc túi Birkin thiết kế riêng với họa tiết chữ Nhật cách điệu.

"Bóng hồng" nước Anh Jane Birkin - chủ nhân tinh thần của dòng túi Birkin huyền thoại - cũng sở hữu một chiếc túi Birkin có 1 không 2 với chuỗi hạt lo âu và bùa may mắn.

Theo: Châu Luân
Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Pin It
Ẩn danh

"Nếu bạn chỉ luôn luôn làm những gì bạn vẫn thường làm, bạn sẽ luôn luôn nhận được những kết quả mà bạn đã luôn nhận được... nếu bạn MAY MẮN."

User Menu