Để có được một câu slogan hay và ý nghĩa, đòi hỏi rất nhiều sự sáng tạo và khả năng của người viết. Việc áp dụng 5 “mẹo nhỏ” sau đây sẽ giúp bạn tiến nhanh hơn đến việc tạo ra một slogan hay và hấp dẫn.
1. Mang vần điệu vào slogan
Làm thế nào để slogan của bạn dễ đi vào tâm trí người đọc? Không có con đường nào dễ dàng hơn tạo ra âm điệu cho nó. Có thể là bắt chước một điệu nhạc, hoặc cách gieo vần thuận tiện và dễ nghe. Những cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu bài học được thiết kế thành bài hát, học sinh sẽ dễ dàng tiếp thu hơn.
Slogan hay: “Càng nghe càng đắm càng ngắm càng say” (Samsung)
2. Tập trung vào điểm chính yếu
Một slogan hay phải chỉ ra được lợi ích, đặc trưng, điểm mạnh hoặc vượt trội của sản phẩm. Đơn giản hơn, đó có thể là một tính chất dễ nhận biết của sản phẩm, để khách hàng dễ dàng nhận ra và ghi nhớ. Slogan là sự tương tác đầu tiên với khách hàng, nên rất cần thiết cho họ thấy được sự vượt trội của sản phẩm.
Slogan hay: “Ngọt ngào như vòng tay âu yếm.” (Alpenliebe)
3. Giải thích sứ mệnh của công ty
Slogan phải tạo nên sự khác biệt trong sứ mệnh công ty thực hiện cho khách hàng, so với các đối thủ khác. Những slogan chiến thắng thường mang lại cảm giác an tâm, rõ ràng, giúp khách hàng hiểu được lợi ích mà sản phẩm mang đến cho họ. Nếu những công ty khác bán sản phẩm giống bạn, chẳng sao cả. Bạn hãy bán cho khách hàng niềm tin và sự quan tâm của bạn.
Slogan hay: “Chúng tôi là số 2, nên chúng tôi luôn cố gắng hơn nữa” (Avis)
4. Hãy trung thực
Khi viết slogan, rất dễ dàng để đưa vào đó những câu “đao to búa lớn”, tuy nhiên, điều bắt buộc là slogan phải phản ánh đúng tình hình kinh doanh. Những lời nói cường điệu thường dễ bị phản tác dụng. Những câu kiểu như “… là số 1” hay “… là xuất sắc nhất” không chỉ sai sự thật mà còn quá chung chung, dễ khiến khách hàng quay lưng.
Thay vào đó, hãy thành thật, nhưng tìm một cách thông minh và khéo léo để nhấn mạnh thế mạnh của sản phẩm.
Slogan hay: “Bất cứ nơi nào bạn đến” (Thẻ Visa)
5. Ngắn thôi
Một câu slogan không nên dài quá một câu, và tốt nhất nên nằm vào khoảng từ 6-8 chữ. Dài hơn khoảng đó sẽ dễ dàng bị đầu óc khách hàng xóa đi ngay lập tức, trừ khi nó có vần điệu dễ nhớ hoặc hài hước. Cắt ngắn độ dài sẽ cắt ngắn con đường vào tiềm thức khách hàng, đó là mục tiêu tối thượng của một câu slogan hiệu quả.
Slogan hay: “Hãy khác biệt” (Apple)
Nguồn ICT News