Có một cách khá đơn giản để quảng bá cho sản phẩm, thương hiệu là đưa “nhân ảnh” của bà chủ, ông chủ lên bảng hiệu. Như mọi thứ khác trên đời, nếu đặt đúng chỗ, “nhân ảnh” cũng có tác dụng, còn ngược lại - sẽ phản tác dụng.
Đã từ lâu, việc kinh doanh, bán buôn luôn đi kèm với quảng cáo, nhà kinh doanh tìm mọi cách đưa sản phẩm và thương hiệu của mình đến với mọi người. Quảng cáo cũng có năm bảy đường, thương hiệu được hình thành từ nhiều cách.
Có một cách khá đơn giản để quảng bá cho sản phẩm, thương hiệu là đưa “nhân ảnh” của bà chủ, ông chủ lên bảng hiệu. Như mọi thứ khác trên đời, nếu đặt đúng chỗ, “nhân ảnh” cũng có tác dụng, còn ngược lại - sẽ phản tác dụng.
Hai bà già chào đón du khách
Trước đây, khi chưa có cầu Rạch Miễu, lần đầu tiên đi Bến Tre, khi vừa rời khỏi phà, hình ảnh ấn tượng nhất đập vào mắt tôi không phải là những vườn dừa bạt ngàn, mà là... chân dung của 2 người phụ nữ dựng san sát 2 bên đường kéo dài từ bến phà đến ngã ba Tân Thành, như chào đón du khách. Bây giờ đã có cầu Rạch Miễu, hình ảnh của 2 người phụ nữ ấy xuất hiện ngày càng dày đặc từ chân cầu Rạch Miễu về tới TP.Bến Tre.
Có thể nói, ở Bến Tre đi tới đâu cũng bắt gặp hình ảnh 2 bà. Trong 2 bà, có 1 người mà khi nhắc đến thì ai cũng nhớ, bởi vì bà đã giành chiến thắng vang dội trong 1 vụ kiện về nhãn hiệu hàng hóa ở tận bên Trung Quốc vào năm 1999. Đó là bà Phạm Thị Tỏ, mọi người thường gọi thân mật là bà Hai Tỏ.
Nhãn hiệu “Kẹo dừa Bến Tre” của bà vốn đã nổi tiếng, sau vụ thắng kiện càng nổi tiếng hơn. Ngày nay, phía dưới tấm hình “bà già mang mắt kiếng” bên cạnh thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre”, chủ nhân của sản phẩm này còn ghi hẳn tên mình “Bà Hai Tỏ”. Ở trụ sở chính của hãng, phía dưới hình ảnh của bà, còn có câu “Thương hiệu thắng kiện...”.
Sở dĩ bà Hai Tỏ phải ghi đầy đủ như vậy, có lẽ để cho không có sự nhầm lẫn với “bà già mang kiếng” khác – nhãn hiệu của “Kẹo dừa Thanh Long”. Nghe đâu ngày trước, người phụ nữ của “Kẹo dừa Thanh Long” không mang kiếng, về sau này mới có. Cùng là phụ nữ Bến Tre, trạc tuổi nhau, cùng mang kiếng, nên tôi nhìn mãi mà không phân biệt bà nào của “Bến Tre” và bà nào của “Thanh Long”, nếu không nhìn dòng chữ bên cạnh.
Trông có vẻ khá “căng” trong cạnh tranh thương hiệu, nhưng thực ra 2 thương hiệu này từ lâu “chung sống hòa bình”, và trở thành 2 trong số những thương hiệu thành đạt nhất tỉnh Bến Tre. Sản phẩm của họ nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước.
Khi đàn ông “leo” lên... bảng hiệu
Trên đoạn QL1A ngang qua huyện Cái Bè (Tiền Giang) có 1 quán ăn mang tên Ông Mập. Trên bảng hiệu của quán có hình ảnh của chủ quán – một người đàn ông khoảng 60 tuổi rất... mập. Trước đây chủ quan trương hình thời trai trẻ khá “phong độ”, nay ông thay hình khi đã về già, có vẻ điềm đạm hơn. Không biết có phải do hình ảnh của ông không còn sức hấp dẫn hay không, mà lượng khách ghé vào quán của ông ngày càng thua xa những quán ăn khác trên địa bàn như Vân Mập, Tám Ri, Minh Phát...
Tại TP.Tân An có 1 khách sạn cao nhất và thuộc loại sang trọng nhất nhì thành phố, tên là P.N. Chủ nhân của nó là người đàn ông tuổi ngũ tuần. Tại khu vực tiếp tân và phòng ăn của khách sạn, người chủ không phải cho treo tranh của các danh họa hay ảnh phong cảnh nổi tiếng trên thế giới, mà cho treo chân dung của chính mình. Dù đã lớn tuổi, nhưng nhờ ảnh kỹ thuật số và “photoshop”, nên hình ảnh của ông vẫn còn “phong độ” và sang trọng.
Thế nhưng, những bức chân dung “vương giả” của ông không giúp được khách sạn P.N trở nên đắt khách hơn. Cũng là đưa hình ảnh phái mày râu lên thương hiệu sản phẩm, nhưng người chủ trẻ tuổi đẹp trai của Cty Bánh kẹo Thiên Long (Bến Tre) lại không lấy hình ảnh của chính mình, mà nhờ hình của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. Người nghệ sĩ tài hoa mà bạc mệnh này đã không đòi hỏi bất cứ điều gì cho việc sử dụng hình ảnh của mình. Lê Vũ Cầu qua đời, Cty Thiên Long làm ăn càng khấm khá, nhiều người cho rằng người nghệ sĩ tốt bụng dù đã qua đời vẫn giúp cho Cty.
Thuốc thử thời gian
Có những chân dung dùng làm nhãn hiệu sản phẩm mang lại hiệu quả rất cao, dù sau này vì lý do nào đó mà sản phẩm đó không còn tồn tại. Nhớ thuở nhỏ khi mới tập tành đánh răng, tôi rất sợ cay miệng. Dì của tôi dỗ dành: “Con phải đánh răng bằng kem, răng mới trắng như ông Chà Và”.
Quả thật, hàm răng trắng nổi bật trên khuôn mặt... đen sì của ông Chà Và đã chinh phục được cậu bé là tôi và góp phần làm cho nhãn hiệu Hynos nổi tiếng. Hình ảnh người phụ nữ hiền dịu tóc đen nhung, bới cao trên bao bì “xà bông Cô Ba” một thời giúp cho sản phẩm này là “sự lựa chọn số một” của những phụ nữ nông thôn, những cô gái miệt vườn.
Thời gian gần đây, trào lưu đưa hình ảnh chủ nhân lên bảng hiệu như càng phát triển, nó dần trở thành cái cách để phô trương (nhan sắc và tên tuổi) chủ nhân hơn là 1 cách để khuếch trương thương hiệu, sản phẩm. Theo xu hướng ấy, hình ảnh của các cô gái, những bà chủ “sồn sồn” tân trang lại cho trẻ đẹp, xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt tiền các doanh nghiệp, cửa hàng...
Đối với chủ tiệm chụp hình – dịch vụ đám cưới Nguyễn Hà (TP.Tân An), việc trương hình bà chủ tiệm lên bảng hiệu còn có lý do khác: Một cách ga - lăng “bà xã” nhân dịp kỷ niệm ngày cưới... Đối với những “thú chơi” ấy, hình ảnh hiện diện trên thương hiệu thường không lâu, bởi vì nó không giúp ích được gì cho chủ nhân. Shop quần áo Hà Linh, rồi Thẩm mỹ Như Huyền (TP.Tân An) một thời trương hình chủ nhân phủ kín cả tầng lầu, nay đã bị tháo bỏ cùng với việc làm ăn không mấy khấm khá của chủ.
Cửa hàng đồng hồ mắt kính Ba Quen, Thẩm mỹ Ngọc Cẩm (TP.Tân An) tuy “nhân ảnh” vẫn còn che kín cả mặt tiền, nhưng màu sắc đã nhạt nhòa mà chủ tiệm không buồn “tân trang” lại, chứng tỏ khách hàng đến với những thương hiệu này là nhờ chất lượng sản phẩm, dịch vụ chứ không phải nhờ vào các hình ảnh “hoành tráng” bên ngoài.
Theo Lao Động