Theo thống kê của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) đầu tư có phương pháp, kỹ năng để xây dựng thương hiệu mới đạt 20%. Xây dựng và bảo vệ thương hiệu là quá trình liên tục, bền bỉ, đòi hỏi sự quan tâm thích đáng và có những chiến lược cụ thể cho từng DN.
Theo một số liệu của Bộ Công thương, trong số gần 500.000 DN Việt Nam đang hoạt động, mới có 10% DN có ý thức tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm. DN thờ ơ với việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu vì nhiều lý do khác nhau. Đa số DN Việt Nam có vốn hoạt động khá nhỏ, chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay nên e ngại tốn kém chi phí khi xây dựng, bảo vệ thương hiệu, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài. Nhiều DN có tâm lý ngại đăng ký thương hiệu vì thủ tục rườm rà, rắc rối, chồng chéo. Ví dụ, đặc thù của hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thường xuyên phải cải tiến mẫu mã. Mỗi lần thay đổi mẫu mã, DN lại phải đăng ký lại kiểu dáng cho từng sản phẩm rất tốn kém thời gian và chi phí. Vì vậy, nhiều DN phải chấp nhận xuất khẩu sản phẩm dưới một thương hiệu của DN khác. Đối với những sản phẩm đã có thương hiệu, khi thâm nhập vào thị trường nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn bởi các nhãn hiệu khó đọc, khó nhớ, logo không hấp dẫn, chưa gây được ấn tượng cho người tiêu dùng. Thậm chí còn gặp trường hợp trùng thương hiệu đã bảo hộ… Cũng phải nói thêm rằng, mỗi năm có hàng chục nghìn vụ vi phạm sở hữu trí tuệ liên quan đến thương hiệu. Số tiền các cơ quan chức năng xử phạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Thường thì, chỉ khi nào thương hiệu bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại từ phía thứ ba, DN mới tính đến việc làm thủ tục đăng ký bảo hộ.