Những tác động của toàn cầu hóa và cách mạng kỹ thuật số đang khiến khách hàng ngày càng thông thái hơn và không cần dựa dẫm vào thương hiệu nữa.
Abercrombie & Fitch, hãng bán lẻ quần áo nổi tiếng của Mỹ mới đây đã quyết định loại bỏ logo của mình ra khỏi hầu hết các sản phẩm quần áo. Quyết định được đưa ra khi doanh số của hãng rơi tự do trong năm nay, và càng bết bát nếu so sánh trong vòng 3 năm qua.
Các nghiên cứu cho thấy nhóm đối tượng trẻ không thích mặc những bộ quần áo có logo gắn lên. Thay vào đó, theo tờ Wall Street Journal, chúng thích những "bộ quần áo không nhãn, có thể được kết hợp với nhau để tạo ra phong cách riêng".
Đó là lý do CEO Mike Jeffries của Abercrombie & Fitch quyết định loại bỏ logo ra khỏi những bộ quần áo được bán trên khắp nước Mỹ. Một số chuyên gia trong ngành thì cho rằng quyết định của Abercrombie thật điên rồ. Thay vì loại bỏ logo, lẽ ra Abercombie cần tìm cách tái tạo hay làm mới lại nó.
Ý kiến này có thể đúng. Mặc dù vậy, liệu có phải người ta đang dần không cần tới thương hiệu nữa?
Có nhiều cách để định nghĩa thương hiệu. Theo lý giải của tạp chí Economist, thương hiệu là thứ "đảm bảo cho khách hàng về chất lượng của một dịch vụ".
Tuy nhiên, theo quan điểm của Itamar Simonson và Emanuel Rosen trong cuốn sách "Giá trị tuyệt đối: Điều gì thực sự ảnh hưởng tới khách hàng trong thời đại (gần như) thông tin hoàn hảo", các thương hiệu đang chết dần.
Những tác động của toàn cầu hóa và cách mạng kỹ thuật số đang khiến khách hàng ngày càng thông thái hơn, lý trí hơn và không cần dựa dẫm vào thương hiệu nữa. Ngày nay, khách hàng có thể dễ dàng giải quyết việc này thông qua những website so sánh, hay các trang review, đánh giá chất lượng nổi tiếng trên truyền thông xã hội
Chẳng hạn, thông qua trang web uSwitch, người dùng có thể dễ dàng tìm chọn những cửa hàng tốt bán năng lượng (gas, điện,...). Thông qua website, mọi người sẵn sàng trả tiền cho những thương hiệu mà họ còn chẳng biết tên là gì.
Hay Aldi và Lidi, 2 thương hiệu "lạ hoắc" lại đang ăn mòn Tesco nhờ cạnh tranh giá bán thấp. Hoặc với website Money Supermarket, người dùng ô tô của Mỹ có thể thay đổi hãng bảo hiểm của mình thường xuyên (và thường quên luôn tên của hãng bảo hiểm đó).
Ngay cả với Apple, mọi người chọn quả táo vì họ "yêu Apple", hay bởi họ đang mắc kẹt trong hệ sinh thái do Apple tạo ra?
Trong thế giới của Internet, vai trò của thương hiệu đang ngày càng ít quan trọng. Simonson và Rosen đi tới kết luận rằng thương hiệu đang "giảm một cách rõ rệt vai trò của mình. Giá trị thương hiệu không còn được như nó đã từng.
Hiện tại thì các thương hiệu vẫn đang sống. Tuy nhiên, nó đang sống ngày một khó khăn. Thương hiệu đang bị "tấn công" từ một thế lực mạnh mẽ. Một thế lực khiến khách hàng thay đổi thói quen tiêu dùng của mình. Và các thương hiệu cần phải đối mặt với thực tế này.
Hoàng Vân
Theo Infonet