sloCác doanh nghiệp thường thích có những slogan thật hay để nhanh chóng lưu hình ảnh doanh nghiệp vào tâm trí khách hàng. Nhưng đôi khi, những slogan được dày công sáng tạo đó lại dẫn đến những... suy diễn khác mà doanh nghiệp nên lưu ý.

Một công ty thực phẩm tươi sống đã chọn slogan cho cửa hàng của mình " Tươi ngon - tiện lợi - giá rẻ". Đây là dạng cửa hàng tiện lợi đáp ứng nhu cầu "đi chợ tại chỗ' cho một khu chung cư đông đúc. Câu slogan nói trên xem ra rất trúng ý các bà nội trợ, thế nên thời gian đầu cửa hàng luôn đông khách. Nhưng rồi lượng khách cứ thưa dần và sau một thời gian thì cửa hàng phải đóng cửa.

Giám đốc công ty đã làm  một cuộc điều tra bỏ túi đối với khách hàng tại khu chung cư. Kết quả thật bất ngờ: khách hàng không hài lòng với dịch vụ của cửa hàng! Nói cách khác, ba thành tố tạo nên câu slogan rất ưng ý nói trên đã vô tình mâu thuẫn nhau. Để bảo đảm thực phẩm luôn tươi ngon, cửa hàng phải lấy hàng mới mỗi ngày, hàng thừa hôm trước phải đổ bỏ. Để việc mua sắm của khách hàng được tiện lợi, cửa hàng có chính sách chăm sóc khách khách mua sắm ờ từng "ngóc ngách" : khách cần thêm túi đựng hàng, cửa hàng đáp ứng ngay; khách gọi điện đặt hàng; cửa hàng cho nhân viên mang đến tận nhà... Các hoạt động này đã làm cho chi phí kinh doanh tăng lên nên sau một thời gian, giá hàng hóa nơi đây không còn rẻ nữa. Nếu cố giữ giá thì chất lượng sẽ giảm hoặc phải bỏ đi các tiện ích mua sắm.

Qua câu slogan trên, doanh nghiệp hẳn muốn mang lại cho khách hàng thật nhiều giá trị trong sản phẩm, dịch vụ. Điều này hóa ra lại là...không thể, bởi các giá trị trong câu slogan này - cũng là lời cam kết của doanh nghiệp với khách hàng - lại hướng đến các đối tượng tiêu dùng khác nhau. Khách thuộc giới bình dân hiển nhiên sẽ quan tâm đến yếu tố giá rẻ. Người thuộc tầng lớp trung lưu, do quan tâm nhiều đến sức khỏe, nên sẽ chỉ thích yếu tố tươi ngon. Dân công chức ít thời gian nên sẽ chỉ chuộng mua hàng với yếu tố tiện lợi. Cố phục vụ thật nhiều người nhưng rốt cuộc chẳng phục vụ được ai là vậy!

Một doanh nghiệp khác đã chọn slogan " Bánh mì ngon của mẹ" cho cửa hàng thức ăn nhanh của mình. Trên thị trường quảng cáo, những slogan, hình ảnh minh họa...về bữa cơm gia đình, mẹ chăm sóc con, con nhớ về kỉ niệm tuổi thơ... thường có sức lay động lòng người nên qua đó, sản phẫm cũng dễ đi vào..."miền thương nhớ" của công chúng tiêu dùng. Tuy nhiên, slogan trên dù chuyển tải được yếu tố tình cảm gia đình nhưng lại không thực sự gắn kết tình mẹ con.

Cửa hàng thức ăn này phục vụ học sinh của hai trường cấp 2 và cấp 3 gần đó. Những khách hàng trẻ tuổi ở đây hầu hết còn sống phụ thuộc gia đình, nên cửa hàng nêu khẩu hiệu khơi gợi tình mẫu tử trong họ là hợp lý. Chỉ tiếc một điều, các bà mẹ Việt Nam hiện đại , ít thời gian chăm sóc gia đình, thường... ra tiệm mua bánh mì cho con ăn vào bữa sáng. Các bữa ăn khác trong ngày, nếu có dùng bánh mì, thường là bữa ăn vặt hoặc ăn tiệc. Lúc đó thì bánh mì cũng được mua ở tiệm, ít có bà mẹ nào kì công làm bánh mì tại nhà. Các bà mẹ Việt Nam thời trước phần lớn là làm nội trợ nên quỹ thời gian không bị eo hẹp, nhưng thời đó công nghệ, trang thiết bị... làm bánh còn thiếu nên cũng chẳng mấy ai làm bánh mì tại nhà. Thế nên câu khẩu hiệu "Bánh mì ngon của mẹ" nghe qua thì thật tình cảm nhưng  lại chẳng có chút gắn kết nào với tuổi thơ, hay liên hệ với thực tế cuộc sống của các khách hàng tuổi teen tại đây. Có lẽ đây là một trong nhiều lý do khiến việc kinh doanh dần không được suôn sẻ, dẫn đến việc cửa hàng phải... rời bỏ địa bàn cách đây ít lâu.

Thị trường gần đây lại đón nhận một sản phẫm cháo ăn liền với slogan "ngon như cháo mẹ nấu". Slogan này chẳng có gì đáng chê, trừ việc nếu đem liên hệ với thực tế cuộc sống thì bộc lộ...chút sơ hở. Cháo của mẹ nấu thì nhất rồi, nhưng để có món cháo ngon thì hẳn các bà mẹ phải rất kiên nhẫn, nếu không thì cháo sẽ khê (mất vị ngọt của gạo). Thời buổi tất bật thế này thì có mấy bà mẹ đủ thời gian và kiên trì cho món cháo. Thế nên các diễn đàn trên mạng mới truyền bí quyết nấu cháo bằng cách ủ gạo qua đêm trong bình thủy. Các bà mẹ mà đồng loạt sử dụng "công thức" này thì cháo của ai sẽ ngon?

Khách hàng sẽ nghĩ sao nếu một doanh nghiệp bán lẻ nêu slogan "Danh tiếng cao hơn doanh số"? Hiển nhiên tinh thần "trọng danh", cho thấy doanh nghiệp sẽ không vì lợi nhuận mà bất chấp uy tín trên thị trường. Nhưng ở đây có điểm không ổn là khi quá chú trọng việc đạt được danh tiếng có thể khiến doanh nghiệp chạy theo...danh hão, bỏ lơ việc chăm sóc khách hàng. Mất khách hàng thì chẳng còn doanh thu và lợi nhuận. Doanh nghiệp muốn tồn tại cũng khó, nói chi đến việc tạo dựng danh tiếng!

Đặt những slogan thật hay để lưu vào tâm trí khách hàng là điều doanh nghiệp nào cũng muốn, nhưng xin đừng quên cẩn thận suy xét mọi nghĩa trước khi công bố.

Theo TBKTSG.

Pin It
Napoleon Bonaparte

"Vài mươi người nói ồn ào hơn ngàn người im lặng."

User Menu