Ly kem Bud's đã đi nửa vòng trái đất từ San Francisco tới Hà Nội bằng một tinh thần doanh nhân kiểu Mỹ.
Năm 1932, hai người bạn Mỹ là Bud Scheideman và Alvin Edlin đi làm tại một tiệm kem sau khi ra trường. Sau đó hai người cùng nhau mở tiệm kem của mình tại San Fransisco với tên gọi Kem Bud's (nghĩa là: Kem của Bud).
Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, họ gia nhập quân ngũ. Đến năm 1946, họ trở về và mở lại tiệm kem ở góc đường 24 và Castro. Tiệm kem nhanh chóng nổi tiếng và đông đúc.
Năm 1952 Alvin Edlin trả cho Bud Scheideman 8.000 USD để sở hữu toàn bộ tiệm kem (nhưng vẫn giữ tên kem Bud's). Năm 1980 ông bán các tiệm kem Bud's để suốt ngày đi chơi golf.
Đến bây giờ kem Bud's là một thương hiệu toàn cầu và thuộc sở hữu của tập đoàn thực phẩm hàng đầu Mỹ Dean Foods, Berkeley Farms.
Thật ra, không phải nước nào cũng có thương hiệu kem nổi tiếng thế giới như Bud's. Đó là những trường hợp hiếm hoi, việc những doanh nghiệp kem Tràng Tiền không đi xa được khỏi địa chỉ của mình trên phố Tràng Tiền là phổ biến. Câu chuyện thành công của kem Bud's được xây dựng không chỉ bởi chất lượng mà còn bởi tinh thần doanh nhân, sự đam mê, tầm nhìn và tư duy thương hiệu của người chủ.
Alvin Edlin đã sống một cuộc đời chỉ có làm kem (trừ mấy năm đi lính) và để lại một thương hiệu kem nổi tiếng.
Nhưng khi còn thuộc sở hữu của Alvin Edlin thì kem Bud's cũng chưa vượt ra khỏi biên giới thành phố San Fransisco. Cái làm cho Bud's trở thành thương hiệu kem nổi tiếng thế giới chính là phương thức nhượng quyền (franchise) mà Tập đoàn thực phẩm Mỹ Berkeley Farms đã thực hiện sau khi mua lại Bud's vào đầu những năm 90.
Người Mỹ thực dụng và tư duy cụ thể. Họ biết cách đặt ra những mục tiêu cụ thể để đạt được thành công nhanh chóng nhất.
Trên trang web của Công ty cổ phần thực phẩm Bắc Mỹ (NAF) có viết: “NAF tự hào là công ty nhượng quyền hệ thống nhà hàng café kem Mỹ Bud's và là nhà phân phối độc quyền của nhãn hiệu kem Bud's tại Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư 1 triệu USD, NAF dự kiến trong vòng 5 năm sẽ xây dựng thành công hệ thống nhà hàng café kem Mỹ bao gồm 8 nhà hàng lớn và 20 tiệm tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Cần Thơ”.
Tất cả mục tiêu cho sự thành công tiếp theo của thương hiệu Mỹ đều rõ ràng: vốn đầu tư 1 triệu USD, địa điểm dự kiến, số lượng nhà hàng,... trong khi các thương hiệu Việt chưa làm được điều này.
Một trong những thương hiệu Việt có nhiều ưu thế cạnh tranh để trở thành thương hiệu toàn cầu là cà phê Trung Nguyên.
Cà phê Trung Nguyên đã có chất lượng tốt, hương vị khác biệt. Đây là điều quan trọng cho ước mơ toàn cầu hóa của Trung Nguyên. Hai yếu tố quan trọng nữa để Trung Nguyên trở thành một thương hiệu toàn cầu là cách làm thương hiệu và cách làm nhượng quyền. Trong hai lĩnh vực này, Trung Nguyên phải học hỏi kinh nghiệm thành công của kem Bud's hay Haagen-Dazs, thức ăn nhanh McDonald's hay KFC, gần gũi hơn nữa là của chuỗi cà phê Starbucks.
Một người định mở tiệm cà phê ở Singapore, Nhật Bản hay Mỹ chỉ làm nhượng quyền với Trung Nguyên thay vì làm với thương hiệu riêng hoặc làm nhượng quyền với các thương hiệu khác khi việc làm nhượng quyền với Trung Nguyên về hiệu quả kinh doanh có lợi hơn cho họ.
Nhiều người tự làm để không phải trả phí nhượng quyền và có cơ hội xây dựng thương hiệu riêng, cũng nhiều người khác làm nhượng quyền với Starbucks bởi vì Starbucks đã là một thương hiệu cà phê nổi tiếng toàn cầu có khả năng thu hút khách hàng mạnh.
Trung Nguyên muốn phát triển nhượng quyền trong khi chưa phải là một thương hiệu toàn cầu như Starbucks, nói đúng hơn - Trung Nguyên muốn thông qua nhượng quyền để trở thành một thương hiệu toàn cầu mạnh về cà phê như Starbucks thì phải có cách làm nhượng quyền phù hợp, mang lại hiệu quả kinh doanh thiết thực cho các đối tác của mình.
Một ngày nào đó khi đã già, Đặng Lê Nguyên Vũ có thể cũng sẽ bán cà phê Trung Nguyên cho người khác để đi chơi golf như ông già Alvin Edlin của kem Bud's, khi mà cà phê Trung Nguyên từ thủ phủ Buôn Ma Thuột đã có mặt ở khắp mọi nơi...
Theo Diễn đàn kinh tế Việt Nam