Là một trong những người đi tiên phong nghiên cứu marketing từ khi Việt Nam mở cửa hội nhập với thế giới, chúng tôi hơn ai hết hiểu được vai trò của marketing trong hoạt động doanh nghiệp, đồng thời cũng hiểu được vị trí của marketing Việt Nam ở đâu so với mặt bằng chung của thế giới.

Từ những nhận thức trên, tháng 12 năm 2002, nền tảng đầu tiên của trang web marketingchienluoc.com được phát triển với sứ mệnh được xác định là góp phần phổ biến kiến thức, phát triển kỹ năng marketing trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với niềm tin một ngày không xa, Việt Nam sẽ có các thương hiệu tầm cỡ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ quốc tế.

 DSC02814sTại sao cùng nguồn nguyên liệu, thậm chí cùng một công nghệ và thiết bị chế biến mà nhiều sản phẩm sữa Việt Nam không thể cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài về cả mặt giá và thị phần? Tại sao Việt Nam xuất khẩu hàng triệu sản phẩm may mặc ra thế giới, nhưng lại chúng ta lại không có một thương hiệu thời trang nào trên thị trường quốc tế? Tại sao sản phẩm Việt Nam khi xuất ra nước ngoài cũng như khi phân phối trong nước thường phải chấp nhận mức giá thấp hơn rất nhiều so vói các sản phẩm cùng loại từ các nước khác?

Theo chúng tôi, vấn đề của các doanh nghiệp·Việt Nam chúng ta nói chung là trong khi đối với một số sản phẩm, chúng ta có thể tìm mua được cùng loại nguyên liệu, nhập về những thiết bị hiện đại để làm ra những sản phẩm không thua kém các sản phẩm hàng đầu thế giới về mặt chất lượng và tính năng, thì có một thứ mà chúng ta không thể bỏ tiền ra mua được, đó là một thương hiệu tầm cỡ.

Để có những thương hiệu tầm cỡ, chúng ta không thể làm thương hiệu theo kiểu chờ nước đến chân mới nhảy, chờ khi sắp thua mới nhận ra mình cần phải xây dựng thương hiệu. Chúng ta cũng không nên nghĩ rằng kỹ năng marketing là thứ mà mình có thể dễ dàng bỏ tiền ra là mua được ngay như khi ta mua một thiết bị sản xuất. Mọi người cần ý thức rằng đây là vấn đề kiến thức, là know-hows, và đây là loại kiến thức làm nên sự khác biệt, làm nên lợi thế cạnh tranh bền vững. Và chúng ta cũng cần ý thức rằng kiến thức còn đòi hỏi phải được nghiên cứu, trãi nghiệm nhiều năm thì mới hình thành năng lực.
Cũng thật sai lầm khi nghĩ rằng chỉ bằng cách thuê một marketing manager thuộc hàng sao là mình có thể yên tâm về năng lực marketing của doanh nghiệp. Vì để cho marketing và thương hiệu trở thành lợi thế của công ty thì trách nhiệm marketing và xây dựng thương hiệu không chỉ là công việc của marketing manager, cũng không phải là công việc chỉ của phòng marketing. Marketing và xây dựng thương hiệu là trách nhiệm của tất cả mọi người trong công ty.

Với mức độ hội nhập ngày càng sâu, thị trường Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều sự cạnh tranh đến từ các nước trong khu vực và từ các công ty/tập đoàn đa quốc gia. Theo tin từ báo TT ngày 08/10/2009, tỉ lệ hàng Việt Nam trong các hệ thống bán lẻ chỉ đạt từ 18-20%. Một tỉ lệ rất đáng quan tâm. Tỉ lệ ấy nói lên rằng các doanh nghiệp Việt Nam đang nhường sân nhà lại cho các thương hiệu nước ngoài.

Thách thức càng lớn đối với Việt Nam nói chung khi chúng ta có một xuất phát điểm thấp so với các nước chung quanh. Mặt bằng kiến thức và ý thức của cộng đồng doanh nhân Việt Nam nói chung về marketing là còn khá thấp. Nhiều doanh nghiệp không có người chuyên trách về marketing. Nhiều doanh nghiệp ý thức được sự thua thiệt của doanh nghiệp mình về mặt marketing so với các đối thủ nước ngoài, nhưng chỉ dừng lại ở chỗ hô hào chung chung theo kiểu duy ý chí, chứ chưa chuyển biến thành hành động cụ thể, thiết thực hơn. Nhiều doanh nghiệp quay trở lại kêu gọi nhà nước dùng biện pháp hành chính để bảo vệ.

Theo chúng tôi, muốn hay không muốn, để khỏi phải cạnh tranh bằng giá rẻ, để cạnh tranh sòng phẳng trên thương trường về lâu về dài chúng ta không có sự lựa chọn nào khác hơn là phải đầu tư vào marketing, phải xây dựng thương hiệu.

Đỗ Hòa
Marketing Chiến Lược

Charles C. Noble

"Để khỏi bị nhụt chí bởi những thất bại trước mắt, bạn cần phải có một mục tiêu lâu dài."

User Menu