Mua bán, thu thập, chia sẻ số điện thoại để “khủng bố”, dội bom tiếp thị sản phẩm đến người dân là hành vi phạm pháp, nhẹ thì phạt hành chính, nặng phải khởi tố đi tù.
Người dùng điện thoại vẫn hằng ngày bị tra tấn bởi những “cuộc gọi rác”. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhưng đến nay tình trạng này vẫn xảy ra như cơm bữa mà không thấy công ty hay cá nhân nào bị xử lý.
“Phát điên với ông bảo hiểm”
Sau bài Đau đầu vì “cuộc gọi rác”, Báo Thanh Niên tiếp tục nhận được hàng loạt phản ánh của bạn đọc. Trong vô số loại dịch vụ như chúng tôi đã liệt kê: mua nhà, mua xe, tập gym, thuốc thang bổ dưỡng, vay tiền, thẻ thành viên khách sạn... thì người dân điên đầu nhất là các công ty bảo hiểm.
"Bán hàng như thế vừa mất lịch sự, vừa phạm pháp, vừa làm hại thương hiệu của công ty. Bởi ở một số nước, tự tiện gọi điện thoại đến số riêng của khách hàng là phạm pháp. Vậy mà các công ty, ngân hàng đa quốc gia vào VN lại ngang nhiên cho nhân viên gọi điện thoại vô tội vạ cho khách"
Ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Công ty đầu tư LMC, đồng sáng lập Câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp
Độc giả N.Châu (TP.HCM) chỉ đích danh công ty Dai-ichi Life thường xuyên gọi điện với tần suất như... súng liên thanh. Bạn đọc Thùy Linh (Bắc Giang) sau nhiều lần bị tra tấn nghĩ ra cách trả đũa: “Có ngày 4 người khác nhau gọi. Họ xưng là nhân viên bảo hiểm Dai-ichi Life chào mời đủ thứ nhức hết cả đầu. Bây giờ cứ nhân viên nào gọi đến là tôi cho ăn “cục đá” vào tai (cúp máy không cần phép lịch sự). Hoặc để điện thoại sang một bên để họ tự nói cho thỏa lòng, đến khi nào mệt không nói được nữa thì cúp máy”.
Anh Thân Văn Tuấn (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, có lần đang lái xe đưa con đi học, chuông điện thoại reo liên hồi. Nghĩ có chuyện gấp ai đó gọi trao đổi công việc nên tạt vào lề đường. Vừa mở điện thoại a lô thì đầu dây bên kia đã vang lên “em ở Dai-ichi Life”. “Tôi bực quá mắng té tát, rồi cấm lần sau không được gọi điện. Nhưng đùng một cái đến trưa đang nghỉ, lại cái giọng ỏn ẻn xưng Dai-ichi Life đổ vào tai. Chiều đi làm về đón con cũng lại Dai-ichi Life. Đến mức có bữa cả cơ quan đang họp, đồng nghiệp của tôi bị tra tấn nhiều quá không chịu nổi, văng tục giữa cơ quan. Đến phát điên với các ông bán bảo hiểm...”, anh Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều người tiếp tục lo ngại vì số điện thoại và thông tin con cái, người thân của mình bị các công ty bảo hiểm lấy, mua bán, trao đổi. “Vợ chồng tôi mới sinh con được 3 tháng. Chỉ có lên phường làm giấy khai sinh với khai thông tin để làm giảm trừ thuế thu nhập cá nhân. Thế nào mà đùng một cái có cô ở đâu đã gọi xưng làm cho một công ty bảo hiểm, mời mua bảo hiểm cho con. Thật sự cũng có nhu cầu nên mình cũng ráng nghe để tìm hiểu. Mà cô ta cứ gọi suốt ngày. Mình bảo đang bị làm phiền và không muốn mua bảo hiểm nữa. Nhưng rồi nhân viên này dở quẻ, lên giọng là anh phải cám ơn phía công ty đã quan tâm gọi điện. Anh có con anh phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cho cháu. Anh suy nghĩ như vậy là không được. Nói chuyện dạy dỗ như bố người ta ấy”, anh Bình (Hà Nội) kể lại.
Phân tích về thực trạng trên, ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Công ty đầu tư LMC, đồng sáng lập Câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp, cho rằng nguyên tắc đầu tiên của phương pháp bán hàng qua điện thoại (telesales) là phải có nguồn số điện thoại hợp lý như: đang là khách hàng của công ty; thu thập được số điện thoại của khách hàng từ một cuộc thi, rút thăm trúng thưởng của công ty; số điện thoại của khách có đăng ký trên danh bạ, hoặc để trên cửa hàng, Facebook; khách là bạn bè, người quen của nhân viên... Chỉ trong những trường hợp đó thì mới được xem là nguồn số điện thoại hợp lý, khi đó nhân viên các công ty mới được gọi điện thoại cho khách hàng. Ngược lại, nếu các công ty đi mua số, hay xin số đưa cho nhân viên, rồi dạy cho nhân viên trả lời “số do phòng marketing thu thập”, “số trên hệ thống của công ty”… thì đó là dịch vụ telesales theo kiểu mất lịch sự, thậm chí vi phạm pháp luật.
Theo ông Chánh, không chỉ vi phạm nguyên tắc số điện thoại hợp lệ, nhân viên telesales của các công ty còn vi phạm nguyên tắc: bán những món hàng không thích hợp trên điện thoại. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên telesales mắc tật nói quá tự tin hoặc ngược lại, thậm chí nói cho xong, và tranh cãi, mất lịch sự với khách hàng. Hơn nữa, công ty không có hệ thống quản lý chung dẫn đến các chi nhánh, trung tâm, nhân viên cứ thế mua số và tự động gọi cho khách. Thế mới có trường hợp, một ngày khách hàng phải tiếp 4, 5 cuộc gọi của một dịch vụ. “Bán hàng như thế vừa mất lịch sự, vừa phạm pháp, vừa làm hại thương hiệu của công ty. Bởi ở một số nước, tự tiện gọi điện thoại đến số riêng của khách hàng là phạm pháp. Vậy mà các công ty, ngân hàng đa quốc gia vào VN lại ngang nhiên cho nhân viên gọi điện thoại vô tội vạ cho khách”, ông Lâm Minh Chánh nhấn mạnh.
Vi phạm luật
Trong làn sóng “dội bom” điện thoại đến khách hàng, một trong những nguyên nhân chính hiện nay là các danh sách khách hàng được rao bán công khai. Chỉ cần vài trăm ngàn đồng đã dễ dàng mua được một danh sách hàng chục ngàn khách hàng với đầy đủ thông tin cá nhân. Chính điều đó đã khiến khách hàng bị làm phiền từ sáng đến đêm khuya với các dịch vụ bảo hiểm, cho vay, giới thiệu bất động sản. Hay nguy hiểm hơn là có những cuộc gọi với hành vi tống tiền hoặc lừa đảo sẽ ngày càng gia tăng. Theo TS Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía nam, thật khó để ngăn chặn hoàn toàn vấn nạn này vì đó là một phương pháp marketing và bán hàng trên thị trường. Do đó, người dùng cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ thông tin cá nhân của mình và gia đình. Hạn chế việc khai báo thông tin của mình qua các loại dịch vụ khác nhau là hạn chế được nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân cũng như các loại “bom rác” từ điện thoại và tin nhắn.
Tuy nhiên, luật sư Phan Thanh Bình (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích, ngoài các quy định tại luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật Dân sự thì điều 226 bộ luật Hình sự có chế định xử phạt về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” cũng nêu rõ: “Người nào thực hiện một trong các hành vi xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân; mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó… sẽ bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Là nạn nhân của các cuộc “khủng bố” điện thoại, bà Bình cho rằng luật pháp cũng có đủ các chế tài, quy định để xử lý nhưng để chứng minh được mình bị quấy nhiễu làm phiền, bị khủng hoảng tinh thần, nguy hiểm đến tính mạng lại không hề đơn giản. “Việc có thể làm là phản ánh tới báo chí để công khai tên của công ty, doanh nghiệp đó. Thứ nữa gửi đơn đến các hiệp hội, cơ quan có chức năng bảo vệ người tiêu dùng”, luật sư Bình khuyến nghị.
Anh Vũ - Mai Phương
(Theo Thanh Niên)