DN chăn nuôi: Thế “ngàn cân treo sợi tóc”

Không có nhiều ưu thế trong chăn nuôi công nghiệp, không được hỗ trợ cải thiện con giống, kỹ thuật..., các DN chăn nuôi VN đang trong thế "ngàn cân treo sợi tóc" trước sức ép của hội nhập và mở cửa...

Theo thống kê của Cục Thú y, từ đầu năm 2013 đến nay, VN nhập khẩu khoảng 81.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Dự kiến cả năm 2013 nhập tổng cộng 90.000 tấn. Lượng thịt gia cầm nhập khẩu chiếm khoảng 70%, tương đương 57.000 tấn. Tổng số trâu bò nhập khẩu để giết mổ làm thực phẩm trong năm nay ước khoảng 151.611 con.

Sức ép từ... thịt ngoại

Bà Trương Thị Đồng - Giám đốc Cty TNHH Trung Đồng tại TP. Biên Hoà tỉnh Đồng Nai cho biết, ngày 9/10, công ty đã nhập 1.500 con bò Australia về Việt Nam bằng tàu biển, thông quan tại cảng Gò Dầu (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), số bò này sẽ cung cấp cho thị trường trên 600 tấn thịt hơi. Theo bà Đồng, đây là chuyến hàng bò Australia thứ 10 do công ty NK trong vòng 1 năm qua nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường và trong thời gian tới công ty sẽ tăng gấp đôi số lượng bò NK.

Ngoài Cty Trung Đồng trực tiếp nhập khẩu bò Úc, giết mổ và phân phối ra thị trường, từ tháng 9, Cty Vissan cũng giết mổ và bán ra thị trường một lượng lớn bò Úc. Trung bình mỗi tháng Vissan giết mổ khoảng 1.500 con bò Úc (trọng lượng 500 kg/con).

Theo khảo sát của phóng viên, thịt bò Úc hiện đã phủ khắp hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TP HCM như Co.opmart, Co.opFood, SatraMart, SatraFood, Maximark, Vinatex, hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Vissan... và được tiêu thụ rất mạnh với giá chỉ nhỉnh hơn thịt bò nội từ 2% - 3%.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, ông Nguyễn Đăng Vang cho biết, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Úc, từ đầu năm đến nay, nước này xuất sang VN khoảng 36.000 con bò sống, trị giá tương đương 24 triệu USD, trọng lượng trung bình từ 350 - 500 kg/con, với giá bò hơi khoảng 2 USD/kg. "Nếu cộng các chi phí vận chuyển, thuế, hao hụt..., giá thành khoảng 2,4 USD/kg thì giá bán lẻ trên thị trường là phù hợp, không có dấu hiệu bán phá giá. Bởi Úc, Mỹ, Canada đặc biệt có lợi thế trong chăn nuôi bò nên giá thành thấp" - ông Nguyễn Đăng Vang cho biết.

Theo các chuyên gia của Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bò Australia được DN chế biến nông súc sản NK ngày càng nhiều do Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia và New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực từ năm 2010 quy định thuế NK bò sống nguyên con rất thấp là 5%, so với mức thuế NK thịt bò khá cao từ 14%. Số liệu của Cơ quan Thú y vùng 6 (Bộ NN & PTNN) cũng cho biết trong 9 tháng năm 2013, số lượng bò Australia NK vào VN lên đến 32.500 con.

Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ Súc sản Việt Nam (VISSAN) kiêm Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM nhận định, trong các nước tham gia TPP, 3 nước có ảnh hưởng nhiều nhất đến ngành chăn nuôi VN là: Australia, New Zealand và Mỹ. Dự kiến khi chính thức là thành viên của TPP, thuế NK thịt bò từ các quốc gia trên vào VN sẽ ở mức 0%. Australia và New Zealand là 2 nước có năng lực cạnh tranh vào hàng cao nhất thế giới ở các sản phẩm ngành chăn nuôi bò như thịt và sữa. Trong khi đó, khả năng tiếp cận thị trường hai nước này của sản phẩm chăn nuôi VN hầu như không đáng kể do dung lượng thị trường hạn chế, các yêu cầu kỹ thuật cao và khả năng cạnh tranh nội địa về nông sản thuộc loại cao nhất trên thế giới.

"Còn với Mỹ là nước có thế mạnh trong các sản phẩm như sữa, thịt bò, thịt gia cầm, thịt heo và với mức thuế suất hiện tại, VN cũng đang nhập khá nhiều các mặt hàng này từ Mỹ. Nếu mở cửa, nguy cơ sản phẩm tương tự của VN gặp khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm NK từ Mỹ là rất lớn" - ông Mười cho biết.

Thua, lỗ là tất yếu

Theo ông Mười, hiện tổng đàn bò vàng trong nước khoảng 6 triệu con, được chăn nuôi theo hộ gia đình rải rác từ cao nguyên đến đồng bằng, không đủ sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hằng ngày, nhất là tại các đô thị lớn. Lâu nay, các DN vẫn nhập khẩu bò sống từ Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar qua đường cửa khẩu biên mậu với số lượng lớn nhưng bị "nội địa hóa nhanh" nên nhiều người không nhận ra bò nhập. Nguồn hàng này có giá không ổn định và thường xuyên bị thương lái bơm nước nên không bảo đảm chất lượng. Do đó, việc chuyển sang nhập bò chính ngạch từ Úc thay thế dần bò nhập qua đường mậu biên là điều tất yếu. Bò Úc được nhập khẩu chính ngạch là bò sạch. Một lợi thế khác là bò Úc trọng lượng lớn, khoảng 500 kg/con, tỉ lệ thịt sau giết mổ là 55% trong khi bò vàng trọng lượng chỉ khoảng 250 kg và tỉ lệ thịt sau giết mổ chỉ 50%.

Còn Giám đốc một nhà máy chế biến thực phẩm ở Đồng Nai cho biết, trước đây đơn vị ông cũng đầu tư nuôi gà nhưng giá gà lên xuống bấp bênh nên đã dẹp chuồng trại, tập trung nuôi heo. Vị này cho biết thêm tại một số nước có ngành công nghiệp chăn nuôi tiên tiến, tỉ lệ tiêu tốn thức ăn chỉ từ 1,2 - 1,6 kg/kg tăng trọng nên giảm được giá thành đáng kể, trong khi ở VN là từ 2 kg thức ăn/kg tăng trọng trở lên.

Gỡ cách nào ?

Trước thực trạng ngành chăn nuôi trong nước đứng trước nguy cơ phá sản và rơi vào tay DN ngoại, mới đây Cục Chăn nuôi đã đưa ra mục tiêu phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013-2015.

Theo đó, ngành chăn nuôi được tổ chức lại theo hướng phát triển các trang trại quy mô vừa và lớn, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, gắn kết các trang trại với nhau để cân bằng cung cầu, kiểm soát giá thành, nâng cao lợi nhuận cho DN, hộ chăn nuôi.

Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại nhà nước cho ngành chăn nuôi vay ưu đãi lãi suất 10%/năm để tái hoạt động. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn bị từ chối cho vay vì không có khả năng trả nợ cũ và không có phương án kinh doanh tốt. Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Việt Nam nên đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức công tư.

Theo đó, Nhà nước giao khoán một phần dịch vụ, công trình cho lĩnh vực tư nhân quản lý với những thỏa thuận về mục tiêu, chiến lược, kết quả nhằm giải tỏa áp lực về vốn và công nghệ, đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng chuyên nghiệp, có kiểm soát, bảo đảm an toàn sinh học và môi trường.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng Nhà nước nên mở ra các chính sách thu hút DN đầu tư vào những lĩnh vực còn trống như con giống, giết mổ, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; hỗ trợ các DN chăn nuôi đầu tư sản xuất thức ăn, hình thành một chuỗi khép kín nhằm giảm sức ép cạnh tranh của DN ngoại.

Ông Phạm Thanh Hùng - Phó Giám đốc Cty Ba Huân:

Lẽ ra trước lộ trình cắt giảm thuế, từ những năm trước, nhà nước phải có tầm nhìn và ủng hộ phát triển nông nghiệp trong nước thông qua các giải pháp như hạ lãi suất, quy hoạch vùng chăn nuôi, hỗ trợ đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật... Trong điều kiện Việt Nam chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu giá cao, lãi suất chưa hạ, doanh nghiệp không đủ lực để đầu tư nên khó có thể giảm giá thành chăn nuôi để cạnh tranh.

Ông Phạm Đức Bình - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ:

VN không có ưu thế do phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, giá thành cao, không có công nghệ chế biến (gà) và không có đồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò quy mô lớn. Hiện tại, bò, gà ngoại nhập vào VN phải chịu thuế nhưng sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh lại về giá, sắp tới, các hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực và có thể thêm TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) thì ngành chăn nuôi VN chắc chắn thua.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó GĐ Văn phòng Vệ sinh dịch tễ VN (Bộ NN&PTNT):

Cần xây dựng các rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ (TBT, SPS) đối với sản phẩm chăn nuôi NK. Tuy nhiên, cần lưu ý một số biện pháp TBT, SPS nếu tiêu chuẩn quá cao sẽ gây khó cho nông sản nội địa do VN chưa có đủ nguồn nhân lực, phương tiện và kỹ năng để thực hiện việc đảm bảo tuân thủ các biện pháp này. Vì vậy trong quá trình đàm phán TPP, phương án tốt hơn cả là đề nghị các nước đối tác phát triển trong TPP có cam kết hỗ trợ kỹ thuật theo các hình thức cụ thể, khả thi và hiệu quả để thực hiện các biện pháp TBT, SPS. Ví dụ thời gian vừa qua, khi VN NK bò sống từ Australia để về giết thịt, nhưng điều kiện giết mổ của VN không đảm bảo điều kiện giết mổ của Australia. Ở Australia sử dụng phương pháp gây sốc điện nhưng ở VN dùng búa đập, và họ nói là vi phạm quyền động vật nên đã điều hẳn một đoàn công tác sang để làm việc với VN nhằm giúp tăng cường năng lực của DN trong vấn đề giết mổ, làm sao đảm bảo quyền động vật và không gây đau đớn trong quá trình giết mổ.

Theo Mỹ Liên

Diễn đàn doanh nghiệp.

Comments powered by CComment