Trước đây, quảng bá thương hiệu là “lãnh địa” độc quyền của phòng Marketing. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi khái niệm thương hiệu tuyển dụng dần trở nên phổ biến, phòng Nhân sự ngày càng khẳng định vai trò trong cuộc chơi quảng bá thương hiệu doanh nghiệp.

Là một chuyên gia Marketing với gần 18 năm kinh nghiệm và đang làm việc trong lĩnh vực tư vấn nhân sự, bà Nguyễn Thị An Hà – Giám đốc Marketing kiêm Hợp tác Chiến lược Công ty Tư vấn nhân sự Talentnet – đã có những đúc kết quan trọng khi nhận xét về vai trò của phòng Nhân sự trong việc quảng bá thương hiệu doanh nghiệp giữa hiện thực mới.

Khi phòng Nhân sự làm thương hiệu

Bà Nguyễn Thị An Hà – Giám đốc Marketing kiêm Hợp tác Chiến lược Công ty Tư vấn nhân sự Talentnet

“Đại dịch COVID-19 là minh chứng cho những bất định trong thời đại này khi bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra và không ngừng biến đổi. Điều này tạo áp lực cho phòng Marketing khi phải liên tục ứng biến để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Rất may, trong lúc này, phòng Nhân sự đã tham gia cuộc chơi, trở thành người đồng đội kề vai sát cánh cùng phòng Marketing xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp từ trong ra ngoài” – bà An Hà nhận định.

Nếu phòng Marketing hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng, sử dụng các kênh truyền thông đại chúng và xây dựng chiến dịch truyền thông để quảng bá dịch vụ, xây dựng thương hiệu trong lòng công chúng, thì phòng Nhân sự chú tâm xây dựng mỗi nhân viên trở thành một đại sứ đích thực thông qua từng chiến lược nhân sự, từ đó quảng bá thương hiệu một cách tự nhiên đến người lao động.

Nhắc đến vai trò của 2 phòng ban này, bà An Hà đã có một sự ví von thú vị: “Nếu ví doanh nghiệp là một triều đình với vua là những nhà lãnh đạo, thì Marketing sẽ là vị quan đối ngoại, giúp ‘triều đại’ được nhiều người biết đến thông qua việc quảng bá ra bên ngoài. Trong khi đó, Nhân sự sẽ là vị quan đối nội giúp lan toả giá trị và tinh thần đến từng thành viên. Đặc biệt, trong bối cảnh biến động như hiện tại, nếu chỉ dựa vào phòng Marketing để quảng bá thương hiệu có thể khiến doanh nghiệp đuối sức. Việc tận dụng thêm nguồn lực của phòng Nhân sự có thể đem đến hiệu quả bất ngờ, giúp thương hiệu được quảng bá một cách tự nhiên, khéo léo thông qua các đại sứ ‘người lao động’. Điều này cũng phù hợp với xu hướng quản trị con người hiện nay khi lấy nhân viên làm trọng tâm”.

 

Nuôi dưỡng “đại sứ thương hiệu” nhân viên: Bắt đầu từ đâu?

Vậy làm sao để phòng Nhân sự có thể đảm đương tốt trọng trách mới này? Từ góc nhìn của chuyên gia có chuyên môn kép trong cả hai lĩnh vực Marketing và Nhân sự, bà An Hà đưa ra lời khuyên: “Hãy quan sát cách làm của phòng Marketing: để người tiêu dùng có thể chia sẻ thông tin về sản phẩm, trước tiên phải có ‘food’ – tức thông tin để họ lan truyền. Với nhân sự nội bộ, ‘food’ chính là những điều họ có thể ‘khoe‘ về công ty với cộng đồng xung quanh. Tuy nhiên, không giống Marketing có thể ‘book’ (trả tiền) để những người có ảnh hưởng quảng bá thương hiệu, người lao động chỉ đi ‘khoe’ về công ty mình nếu phòng Nhân sự và lãnh đạo có thể mang đến cho họ niềm vui, sự tự hào và cảm giác được trân trọng”. Để làm được điều đó, bà An Hà gợi ý 3 khía cạnh sau:

  • Nhân viên hạnh phúc khi được thấu hiểu: Một khảo sát gần đây của Talentnet với 483 người tham gia cho thấy, sếp thiếu tâm lý và thấu hiểu là một trong hai nguyên nhân chính khiến nhân viên không hào hứng khi làm việc. Có thể thấy, niềm vui của nhân viên không chỉ phụ thuộc vào chính sách lương thưởng, phúc lợi cạnh tranh… mà còn cần được thấu hiểu và quan tâm. “Cũng giống như phòng Marketing tung ra thông điệp chạm đúng tâm lý khách hàng, phòng Nhân sự cũng cần tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động để hiểu họ thật sự cần gì, từ đó có những chính sách nhân sự ‘đắc nhân tâm’, chạm đúng tâm lý nhân viên”, Giám đốc Marketing kiêm Hợp tác chiến lược Talentnet gợi ý.

  • “Nở mày nở mặt” khi sếp làm việc tốt: bà An Hà khẳng định, việc công ty sở hữu nhiều giải thưởng uy tín, sản phẩm dịch vụ được cộng đồng đánh giá cao là những “food” ngon lành khiến nhân viên cảm thấy tự hào và sẵn sàng chia sẻ. Bà bổ sung: “Không dừng lại ở tiếng tăm công ty và uy tín của sản phẩm/dịch vụ trên thị trường, việc các lãnh đạo thể hiện tốt trách nhiệm xã hội – ví dụ như tương trợ người dân khó khăn do tác động của dịch bệnh – sẽ khiến lòng tự hào, niềm tin yêu của nhân viên tăng lên đáng kể. Đó cũng là những thông tin tích cực mà bất kỳ ai cũng muốn lan toả giữa thời buổi này”.
  • Cảm thấy được trân trọng, người cũ cũng trở thành “đại sứ thương hiệu”: Người làm Nhân sự cần hiểu rằng quy luật đào thải cũng là một phần trong việc quảng bá thương hiệu. Bà An Hà cho rằng, mỗi cá thể trong công ty đều được xem như một “người tiêu dùng” của doanh nghiệp. Nhiệm vụ của HR là xây dựng nhóm “khách hàng trung thành” và thu hút các ứng viên – nhóm “khách hàng mới”. Đặc biệt, nhóm “khách hàng cũ” – những người rời đi để đến với một nơi phù hợp hơn, cũng có thể trở thành “đại sứ thương hiệu” cho doanh nghiệp, nếu trong thời gian hợp tác và đặc biệt ở khoảnh khắc quyết định rời đi, họ được đối đãi bằng sự trân trọng.
    Có thể nói, việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi người làm Marketing phải nắm bắt tâm lý khách hàng mục tiêu, trong khi thương hiệu tuyển dụng yêu cầu người làm Nhân sự cần thấu hiểu tâm lý lực lượng lao động. Nếu như làm tốt, mỗi nhân viên, dù là mới hay cũ, đều có thể trở thành các kênh truyền thông hiệu quả để quảng bá thương hiệu tuyển dụng.

“Giữa bối cảnh hiện thực mới, khi COVID-19 đã tái định nghĩa nhiều thói quen của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần có sự phối hợp của hai phòng ban Marketing và Nhân sự để đạt được hiệu quả tối ưu trong quảng bá thương hiệu. Sự ‘liên minh’ này không những giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực sẵn có mà còn giúp xây dựng thương hiệu doanh nghiệp vững mạnh từ trong ra ngoài, đảm bảo thương hiệu có thể tồn tại bền vững hơn trong một hiện thực mới đầy biến động” – bà An Hà tổng kết.

* Nguồn: Talentnet

Elias Canetty

"Ta không biết điều gì sẽ xãy ra nếu mọi thứ đột ngột thay đổi. Nhưng liệu ta có biết điều gì sẽ xãy ra nếu không có gì thay đổi?"

User Menu