Vượt qua hai tên tuổi sừng sỏ Apple và Microsoft, Bezos đưa Amazon đã đạt được danh hiệu thương hiệu có giá trị nhất trong danh sách 100 thương hiệu toàn cầu 2019 của BrandZ.

Sự thành công hôm nay của Amazon có công sức rất lớn của nhà sáng lập kiêm CEO Jeff Bezos với câu slogan nổi tiếng “bước đi một cách mạnh mẽ”. Theo những nghiên cứu, sự dũng cảm và tính tò mò cùng một vài quy tắc kỳ quái chính là điểm khác biệt tạo nên thành công của Jeff Bezos.

Kể từ sau cái chết của Steve Jobs, chẳng ai khác ngoài Jeff Bezos trở thành người lãnh đạo lớn nhất của thế giới công nghệ. Với xuất phát điểm chỉ là một công ty bán lẻ sách, Amazon của Jeff Bezos đã trở thành một trong những thương hiệu có giá trị nhất, cả về mặt vốn hóa thị trường, doanh thu và độ nhận diện.

Hiện tại, ngoài chức danh CEO kiêm chủ tịch Amazon, Jeff Bezos còn sở hữu công ty Blue Origin và tờ báo The Washington Post. Tài sản ròng ước tính của ông lên đến 110 tỷ USD.

Và đây là những điểm độc đáo trong phong cách lãnh đạo giúp Jeff Bezos trở thành một trong những người giàu có nhất thế giới.

14 quy tắc


Amazon có 14 quy tắc cực kỳ nổi tiếng, tạo thành phần khung cơ bản cho mọi hoạt động của công ty này, bao gồm những điều như “khách hàng là trên hết”, “sáng tạo và tinh giản”, “hướng về hành động”, “cơ bản, phản biện và cam kết”...

14 quy tắc này phản ánh sắc nét niềm tin của Bezos về việc một bộ nguyên tắc rõ ràng sẽ đạt được thành công về lâu về dài, và những người lãnh đạo cần đưa ra được bộ nguyên tắc tiêu chuẩn cao này. Trong thư gửi cổ đông năm 1998, ông viết rằng “đưa ra những tiêu chuẩn cao trong tuyển dụng đã, đang, và sẽ mãi là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự thành công của Amazon”.

Bản thân Jeff Bezos cho rằng quy tắc có lẽ gây ngạc nhiên nhất là quy tắc số 4 “người lãnh đạo tốt phải đúng nhiều lần”. Theo ông, một người lãnh đạo không cần lúc nào cũng đúng. Tuy nhiên kinh nghiệm và thực hành sẽ giúp họ quyết định đúng thường xuyên hơn.

Can đảm, tò mò, xem khách hàng là thượng đế


Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Business Insider năm ngoái, Bezos chia sẻ rằng bài học quan trọng nhất là sự tháo vát và nhiều ý tưởng. Nếu có vấn đề, thì sau đó phải có giải pháp. Chính cái đầu đầy ý tưởng và giải pháp của Jeff Bezos, cùng định hướng tập trung phát triển những ý tưởng mới hơn và tốt hơn đã hình thành nên văn hóa làm việc của Amazon.

Chẳng hạn, trong các cuộc họp, Bezos thường để một chiếc ghế trống. Theo ông, đây là chiếc ghế dành cho khách hàng, để nhắc nhở đội ngũ làm việc luôn phải lấy khách hàng làm tiêu chí sản xuất và hành động.

Hoặc Bezos đến tận bây giờ vẫn duy trì hòm thư điện tử This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. để nhận các phản hồi của khách hàng và chuyển tiếp đến những bộ phận liên quan. Hoặc trong một lần phỏng vấn với Forbes năm 2012, Bezos cho biết Amazon không tập trung quá nhiều vào những hoạt động trong thời gian ngắn. Họ sẵn sàng gieo mầm và đợi chờ để những hạt giống biến thành cây cao.

Đội ngũ thông minh và biết chấp nhận rủi ro


Theo nhiều người, một trong những thử thách lớn nhất của Amazon chính là sự xung đột trong việc đảm bảo doanh thu và phong cách “chia sẻ suy nghĩ” của CEO Jeff Bezos

Jeff Bezos quản lý lợi nhuận bằng cách trao quyền cho đội ngũ quản lý. Ông sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác, thậm chí ngay cả khi ông nghĩ ý kiến ấy không đúng. Nếu đủ thuyết phục, ông sẽ cho tiến hành. Và nếu có thất bại, thì đó cũng là sự thất bại trong tầm kiểm soát. Đây là một điều rất khác biệt trong việc lãnh đạo một công ty khổng lồ như Amazon.

Khả năng xây dựng một đội ngũ phù hợp với chuyên môn cao chính là một phần không nhỏ tạo nên sự thành công của Jeff Bezos. Điều này càng quan trọng hơn khi các đối thủ khác đang không ngừng “nhăm nhe” người tài của Amazon.

Một công ty khi trở nên lớn mạnh hơn thì họ sẽ trở nên thận trọng, bởi rủi ro khi thất bại là cực kỳ lớn. Đó cũng là lý do khiến nhiều công ty trở nên lụn bại, bởi họ sợ hãi việc đổi mới. Tuy nhiên với Amazon, dù đã ở một vị thế rất lớn trong ngành công nghệ, vẫn tiếp tục phát huy các cải tiến của mình.

Không ngừng sử dụng dữ liệu


Ngoài việc tập trung vào nhu cầu khách hàng, Bezos cũng rất chú ý đến số liệu trong việc đưa ra quyết định.

Theo thông tin, Amazon theo dõi hiệu suất của khoảng 500 mục tiêu đo lường được, trong đó 80% liên quan đến mục tiêu khách hàng. Cách sử dụng dữ liệu của Amazon đã được chuyển đổi và thiết lập thành chuẩn mực cho các công ty trong thời đại kỹ thuật số.

Từ chối các mô hình tiếp thị cổ điển, Amazon tập trung vào việc cá nhân hóa những trải nghiệm khách hàng cũng như chất lượng công nghệ. Chẳng hạn, các phân tích của Amazon cho biết cứ 0,1 giây chậm tải trang tương đương với việc sụt giảm 1% hoạt động của khách hàng. Chính vì vậy, các nhân viên cần làm việc hết mình để cải thiện tốc độ tải trang.

Tuy nhiên việc phân tích số liệu liên tục cũng có cái giá rất đắt. Trong thời gian gần đây, Amazon bị chỉ trích và cáo buộc bắt ép công nhân làm việc quá sức. Để đáp lại, Amazon đã tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD một giờ và thách thức các công ty khác thực hiện điều tương tự.

Nhân viên văn phòng của Amazon cũng phải đối mặt với cường độ công việc kinh khủng, thậm chí Bezos còn rào trước trong các cuộc phỏng vấn rằng “Làm việc ở Amazon không dễ dàng đâu”. Vì vậy, việc nhận hơn 50 trang in trước mỗi buổi họp hoặc các cuộc điện thoại kiểm tra kiến thức đã trở thành những điều thường xuất hiện ở Amazon. Các nhân viên than phiền rằng họ phải làm việc trong một môi trường mà các đánh giá hiệu suất bị đẩy đến mức cao nhất.

Một số người tự hỏi rằng, vấn đề này có phải xuất phát từ việc những lãnh đạo cấp dưới đã hiểu lầm và triển khai sai phương châm và triết lý của những cấp lãnh đạo cao hơn?

Cuộc họp ít người và những quy tắc hiệu quả khác


Bezos thường tránh việc họp hành. Tuy nhiên nếu bắt buộc phải họp, ông thường hạn chế tối đa số lượng người, bởi quan điểm cuộc họp càng nhiều người thì hiệu suất càng thấp.

Theo Bezos, những cuộc họp với ông sẽ không có slide PowerPoint. Chỉ có một bản giấy dài 6 trang với cấu trúc trần thuật. Phải là những câu nói, câu chuyện hoàn chỉnh, đầy chủ ngữ vị ngữ, không chỉ là các gạch đầu dòng. Tất cả mọi người đọc thầm bản ghi chép này để định hình được điều gì sẽ được thảo luận trong cuộc họp.

Điều làm nên sự khác biệt của Jeff Bezos chính là việc biết cân bằng giữa sự can đảm và tính tò mò. Trong một lá thư gửi cổ đông đầu năm nay, Bezos viết rằng: “Lang thang thơ thẩn là một đối trọng thiết yếu của sự hiệu quả”. Với những nhân viên ở trụ sở Amazon, điều này có nghĩa họ phải tiếp tục suy nghĩ sáng tạo. Một khi họ đã tin tưởng vào ý tưởng của mình, thì hoàn toàn có quyền đề xuất một buổi họp ít người với Bezos.

Sức mạnh của triết lý “những con hẻm khuất”


Một trong những yếu tố quan trọng trong văn hóa của Amazon chính là triết lý “những con hẻm khuất”. Tức là khi bạn nghĩ bạn đã đi vào ngõ cụt vì ý tưởng thất bại, thì sự chấp nhận của khách hàng sẽ biến con hẻm khuất trở thành đại lộ thênh thang.

Triết lý “những con hẻm khuất” của Bezos đến từ niềm tin nên tập trung vào những gì khách hàng muốn thay vì những gì những người xung quanh đang thực hiện. Hoặc theo như cách nói của Bezos: “nếu bạn luôn chăm chú quan sát đối thủ đang làm gì, thì bạn chẳng bao giờ phát minh ra được hàng đống thứ của riêng mình”.

Mặc dù triết lý “những con hẻm khuất” đôi lúc thất bại, chẳng hạn sản phẩm điện thoại thông tin Amazon Fire tiêu tốn của công ty khoảng 170 triệu USD, thì nó cũng đem đến một số thành tựu, điển hình nhất là nền tảng điện toán đám mây Amazon Web Service đã mang đến 25 triệu USD chỉ trong năm 2018.

Giữ vững tinh thần làm việc như ngày bắt đầu


Nhiều người thường nói rằng, Bezos là người bản địa trong thế giới kỹ thuật số, số còn lại chỉ là dân nhập cư.

Một điều quan trọng tạo nên thành công của Amazon chính là hệ tư tưởng “làm việc như ngày mới bắt đầu”. Bezos đã thành lập hệ thống và quy trình, xây dựng những cấu trúc và mọi công ty cần tuân theo để phát triển và thành công. Tuy nhiên vấn đề là khi bạn xây dựng được càng nhiều, thì khả năng làm việc như ngày mới bắt đầu càng khó.

Mặc dù vậy, Amazon vẫn giữ nguyên được quy tắc này, vẫn vận hành mọi thứ như một startup mới mở. Chẳng hạn công ty sẽ chẳng có chỗ nghỉ hoặc cung cấp bữa trưa cho nhân viên. Các quản lý không được đi vé máy bay hạng sang.

Trong suy nghĩ của mình, Bezos vẫn làm việc như thể đang vận hành một startup. Ông vẫn giữ vững tư tưởng cải tiến và khả năng lãnh đạo sáng tạo của mình, kể cả đã sau nhiều năm thành công vang dội.

* Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Pin It
Robert Heller (chủ bút Mỹ)

"Quản lý hiệu quả luôn luôn hàm nghĩa hỏi đúng câu cần hỏi".

User Menu