Có đến 80% nhà lãnh đạo đều có ít nhất một điểm mù trong tư duy lãnh đạo, 20% còn lại có khả năng tự nhận thức rất cao, họ biết rõ những hành vi không hiệu quả của mình nhưng không biết cách hoặc đã cố gắng thay đổi hành vi nhưng không hiệu quả.

Tư duy lãnh đạo là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của một tổ chức. Bởi tư duy lãnh đạo chuẩn mực, đúng đắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Một nghiên cứu của Zenger Folkman cho rằng người lãnh đạo kiệt xuất có thể giúp doanh nghiệp tăng 200% lợi nhuận, nâng mức độ hài lòng của khách hàng thêm 40%, mức độ gắn kết và năng suất của người lao động thêm 70%. Ngược lại, tư duy lãnh đạo hạn hẹp sẽ vô tình biến người đứng đầu trở thành “nút cổ chai”, triệt tiêu đi sự phát triển của tổ chức. Cụ thể, có đến 80% nhà lãnh đạo đều có ít nhất một điểm mù trong tư duy lãnh đạo, 20% còn lại có khả năng tự nhận thức rất cao, họ biết rõ những hành vi không hiệu quả của mình nhưng không biết cách hoặc đã cố gắng thay đổi hành vi nhưng không hiệu quả.

Nhiều người nghĩ lãnh đạo là một kỹ năng. Thế nên họ dành thời gian để nghiên cứu, dành những khoản phí không nhỏ để học các khoá đào tạo kỹ năng. Điều đó không sai. Nhưng mọi kỹ năng sẽ “đổ sông đổ biển” khi không được sử dụng bởi tư duy lãnh đạo đúng đắn. Vậy những vấn đề cần thay đổi trong tư duy lãnh đạo là gì và làm thế nào để loại bỏ? Trong bài viết này, sẽ giới thiệu sơ lược về một vài tư duy cố hữu mà lãnh đạo cần phải thay đổi để cải thiện bản thân, phát triển doanh nghiệp.

1. Tư duy “không phẳng”

Nếu nhà lãnh đạo vẫn nghĩ: “Bao nhiêu năm qua, tôi kinh doanh thị trường trong nước mà doanh thu vẫn ổn định, doanh nghiệp vẫn phát triển” thì lãnh đạo đang tự đặt mình vào tư duy giới hạn, trói mình vào khuôn khổ địa lý.

Việt Nam đang ngày càng đẩy nhanh tốc độ toàn cầu hoá. Con đường đưa nền kinh tế Việt Nam vươn ra thế giới đã được mở rộng thông qua Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA và IPA) được ký kết trong năm 2019. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường ngày nay không chỉ phát triển theo chiều sâu, mà còn theo chiều rộng, tạo nên một “thị trường phẳng”.

Z1

Theo đó, các doanh nghiệp Việt có cơ hội vươn ra thị trường thế giới, nhưng ngược lại, các doanh nghiệp ở quốc gia khác cũng sẵn sàng bước vào, chia sẻ “miếng bánh” thị trường trong nước. Bằng chứng là ngày càng nhiều các thương hiệu quốc tế phổ biến và phát triển tại Việt Nam, hàng loạt các cuộc M&A diễn ra trong giai đoạn gần đây. Như vậy, khi người đứng đầu doanh nghiệp không trang bị tư duy lãnh đạo toàn cầu, doanh nghiệp khó lòng thích ứng được với bối cảnh kinh tế toàn cầu hoá. Lúc này, dù sở hữu được sản phẩm độc đáo và tiềm năng cũng bị chính người lãnh đạo giới hạn ở thị trường nhỏ hẹp. Hay dù doanh nghiệp có nhân rộng quy mô, đưa được sản phẩm ra thị trường quốc tế, thì người lãnh đạo cũng không đủ năng lực để điều hành và làm chủ sự phát triển, dẫn tới khủng hoảng, thậm chí thất bại. Nếu không trang bị tư duy lãnh đạo toàn toàn cầu để gia nhập vào cuộc đua của “thị trường phẳng”, doanh nghiệp sẽ đứng ở đâu trên bản đồ kinh tế không biên giới này?

2. Tập trung vào vấn đề thay vì giải pháp

Khổng Tử từng nói: “Sự nghiệp đừng mong không bị chông gai, vì không bị chông gai thì chí nguyện không kiên cường”. Sự xuất hiện của những vấn đề chính là cách để tôi luyện năng lực và tư duy lãnh đạo. Trên thực tế, những nhà lãnh đạo rất ít khi né tránh khó khăn, nhưng họ lại thường mắc phải sai lầm khi dành quá nhiều sự tập trung để phân tích vấn đề, làm cho khó khăn chồng chéo khó khăn.

Trong bối cảnh kinh tế quá nhiều biến động như hiện nay, khó tránh việc những người đứng đầu doanh nghiệp rơi vào trạng thái căng thẳng. Những yếu tố khách quan (chẳng hạn như ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, tài chính…) chi phối một cách mạnh mẽ đến tư duy lãnh đạo. Sự căng thẳng quá mức đôi khi khiến họ thường quên mất rằng việc tập trung vào vấn đề không giúp họ giải quyết được chúng.

Z2

Khi nhận thức rằng những vấn đề hay khó khăn, thử thách cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa bản thân mình lên một tầm cao mới, lãnh đạo cần xoay chuyển được góc nhìn, thay đổi thái độ và tư duy lãnh đạo. Chính thái độ của chúng ta khi bắt đầu một việc khó khăn sẽ ảnh hưởng lên kết quả thành công nhiều hơn bất cứ điều gì khác (“It is our attitude at the beginning of a difficult task which, more than anything else, will affect its successful outcome” – theo nhà tâm lý học William James).

3. Dùng quyền lực để giải quyết vấn đề

Chúng ta không nhất thiết phải triệt tiêu quyền lực, nhưng nhất thiết phải suy xét để sử dụng quyền lực một cách hợp lý.

Thực chất, những nhà lãnh đạo xuất sắc luôn biết cách thay đổi phong cách lãnh đạo sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Tuy nhiên, không ít người sử dụng quyền lực một cách cực đoan. Điều đó biểu hiện rõ nét khi lãnh đạo có dấu hiệu dùng quyền hạn để áp đặt cấp dưới làm theo. Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, người đứng đầu cần sử dụng quyền lực để định hình bộ máy, định hướng phát triển. Tuy nhiên đến một giai đoạn nhất định, tư duy lãnh đạo bằng quyền lực một cách cứng nhắc sẽ khiến nhà lãnh đạo rơi vào trạng thái độc đoán.

4. Tư duy lãnh đạo cố định

Rất nhiều nhà lãnh đạo khi đạt được một sự thành công nào đó trong cuộc đời và sự nghiệp sẽ vướng vào tư duy cố định. Tư duy lãnh đạo này tạo ra một sức ì to lớn, khiến bản thân họ và “con thuyền” doanh nghiệp mà họ đang lèo lái trở nên chậm chạp, nặng nề.

Z3

Bởi họ luôn tin rằng khi đã chinh phục được nấc thang thành công đầu tiên, họ hẳn đã là người thành công và không gì có thể đánh gục được. Chính tư duy ấy ru ngủ họ trên chiến thắng đã qua. Để rồi khi đối diện những thách thức mới, họ không còn đủ kiên cường, dẫn đến nghi ngờ bản thân. Thành tích cũ khi ấy vô tình trở thành rào cản tâm lý, cố định tư duy lãnh đạo trong khuôn khổ, trong khi đối thủ và cả những thế hệ sau đã không ngừng tiến xa.

Nếu xem thành tích của ngày hôm qua là vĩnh viễn, nhà lãnh đạo đồng thời cũng sẽ dừng sự nghiệp của mình ở đó. Bởi nền kinh tế luôn thay đổi từng ngày với những xu thế khác, chúng ta không thể dùng tư duy, cách làm cũ để ứng dụng trong bối cảnh mới. Khi tư duy lãnh đạo không phát triển, làm cách nào để họ có thể thúc đẩy doanh nghiệp phát triển?

5. Làm lãnh đạo là phải luôn khắt khe với bản thân

Những nhà lãnh đạo cầu toàn thường nhận được sự tín nhiệm rất lớn từ cấp dưới cũng như đối tác. Bởi cầu toàn, họ luôn khắt khe với bản thân, chỉn chu và trách nhiệm trong mọi việc. Tư duy lãnh đạo bằng trách nhiệm và kỷ luật như thế sẽ mang lại cho bản thân nhà lãnh đạo thành công đáng kể trong giai đoạn đầu lập nghiệp.

Tuy nhiên, khi đã có được thành tựu cho riêng mình thì sự chuẩn mực, khắt khe đến mức cực đoan sẽ khiến nhà lãnh đạo không còn cảm nhận được sự hứng thú trên hành trình chinh phục mục tiêu. Thay vào đó, họ thường có tư duy lãnh đạo theo kiểu “bệnh thành tích” dắt mũi. Khi không đạt được bất cứ mục tiêu nào, dù là lớn hay nhỏ, họ đều không cảm thấy hài lòng. Kể cả khi đã đạt được, họ vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Theo giáo sư tâm lý học Serena Chen và Marian E. và Daniel E. Koshland Jr – Chủ tịch danh dự trung tâm nghiên cứu và giáo dục sáng tạo tại đại học California, Berkeley (Mỹ): “Chính lòng tự trắc ẩn, tự vị tha (self-compassion) với bản thân mới là chìa khoá giải phóng chúng ta khỏi cảm giác chán nản và thất vọng bởi công việc”.

Z4

6. Công việc là tất cả

Một trong những căn bệnh rất phổ biến hiện nay mà đa số các nhà lãnh đạo đều mắc phải chính là “nghiện việc”. Căn bệnh này thường trầm trọng hơn ở những doanh nhân thành đạt. Với những người mắc phải căn bệnh này, họ không ngừng suy nghĩ về công việc và cho rằng sự thành công trong sự nghiệp sẽ mang lại cho họ tất cả. Những người có tư duy lãnh đạo như thế thường đặt công việc lên hàng đầu mà quên mất rằng ngoài công việc, họ còn có trách nhiệm khác, đặc biệt là gia đình.

Xem trọng công việc là một trong những tư duy lãnh đạo tích cực. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với công việc là tất cả. Thực chất, những doanh nhân thành đạt và giàu có trên thế giới cũng thừa nhận rằng họ không hề bận rộn cả ngày. Doanh nhân công nghệ, tỷ phú Bill Gates từng nói: “Bận rộn cả ngày chỉ chứng tỏ năng lực của bạn yếu kém, có ngày tôi chỉ ngồi không”. Bạn của ông, nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett cũng cùng chung quan điểm.

Z5

Trên đây là 6 tư duy quan trọng trong số rất nhiều những tư duy lãnh đạo cố hữu cần phải thay đổi. Với tư cách là người dẫn dắt đội ngũ, nếu bản thân nhà lãnh đạo không thay đổi tư duy để phát triển, sẽ không thể nào tạo ra được bất kỳ sự thành công đột phá nào. Mọi công cụ hỗ trợ chỉ phát huy tác dụng khi bản thân lãnh đạo có được nền tảng tư duy phù hợp.

Wayne Calloway – Cựu Chủ Tịch của Pepsico từng nói: “Tôi cá rằng những công ty đang phải vật lộn với chuyện sinh tồn là bởi vì họ đã không quan tâm đến phát triển năng lực lãnh đạo cho đội ngũ”. Chính vì thế, đừng mải mê tìm kiếm những trợ lực từ bên ngoài mà bỏ qua tầm quan trọng của việc phát triển tư duy lãnh đạo. Sẽ không có sự thay đổi nào cả nếu tư duy lãnh đạo chưa thay đổi.

* Nguồn: TOPPION GROUP

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Yếu tố hiệu nghiệm trong marketing cũng hiệu nghiệm trong quân đội: yếu tố bất ngờ."

User Menu