Hàng hóa siêu thị sau các cuộc đổi chủ

Sau các cuộc mua bán, sáp nhập (M&A) siêu thị, doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa phải nỗ lực hơn để tiếp tục giành được một vị trí trên kệ hàng. Nhưng nếu đã có thương hiệu, họ hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn ra đi hay ở lại.

Nhiều siêu thị đang ngày càng gia tăng sản lượng và chủng loại sản phẩm gắn mác siêu thị mình, từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến đến hàng tiêu dùng nhanh. Lợi thế của các sản phẩm này là giá rẻ từ 20-40% so với sản phẩm cùng loại do nhà sản xuất cung ứng.

sieuthi

Tự cắt hàng và bị cắt hàng

“Từ 1-1-2016, chúng tôi sẽ chính thức kết thúc làm gia công sản phẩm cho chuỗi siêu thị Metro”, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, thông báo. Lý do, theo bà Lâm, chính là việc giá mà hệ thống siêu thị đưa ra không còn phù hợp với tình hình thị trường trong khi sản lượng lại sụt giảm mạnh (hơn 50%), đặc biệt là “sau chuyển giao không biết như thế nào”. Hệ thống siêu thị Metro đã chính thức công bố chuyển giao xong (từ nhà đầu tư Đức sang nhà đầu tư Thái Lan).

Không chỉ hàng gia công (Sài Gòn Food sản xuất nhưng siêu thị Metro đứng tên trên bao bì, tức là hàng nhãn riêng của siêu thị) bị sụt giảm sản lượng dẫn đến phải chấm dứt hợp đồng hợp tác, tình hình cung ứng hàng “chính hãng” trong thời gian siêu thị Metro chuyển đổi cũng bị ảnh hưởng lớn. Có những thời điểm, sản lượng sụt giảm đến 30%. “Dù đã chính thức công bố chuyển đổi xong nhưng tình hình đến nay vẫn chưa cải thiện”, bà Lâm nói thêm.

Phó giám đốc của một doanh nghiệp sản xuất gạo đặc sản cho biết, sau khi chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart (cũ) được chuyển giao sang nhà đầu tư Thái Lan và đổi tên thành B’s mart, công ty ông vẫn tiếp tục tái ký hợp đồng cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, ông đã quyết định dừng hợp tác vì không cảm thấy phù hợp với chính sách thanh toán, số lượng đơn hàng của nhà đầu tư mới.

Bà Nguyễn Bùi Châu Hoàng, quản lý thực phẩm và phi thực phẩm của hệ thống siêu thị AEON Citimart, chia sẻ sau khi nhà bán lẻ AEON của Nhật Bản tham gia điều hành chuỗi Citimart, cơ cấu hàng hóa ở ngành hàng thực phẩm đã thay đổi khá nhiều. Khoảng 50% nhà cung cấp cũ đã “ra đi”, tương ứng với đó là thêm nhiều nhà cung ứng mới tham gia. Theo bà Hoàng, một số trong số này là các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của AEON và được nhà bán lẻ này lựa chọn, ưu tiên để cung ứng cho chuỗi mới. Số còn lại là những nhà cung ứng cũ đáp ứng được tiêu chí mà nhà bán lẻ đề ra. “Nhà bán lẻ đề ra tiêu chí và những nhà cung ứng nào đáp ứng được thì tiếp tục hợp tác. Nguyên tắc của chúng tôi là tôn trọng các nhà sản xuất bản xứ. Chúng tôi đưa ra thời gian để các nhà cung ứng hiện có hoàn thiện. Có nhiều nhà sản xuất đã nỗ lực nâng chất, còn một số thì không thể nên cuối cùng không thể tiếp tục”, bà Hoàng nói.

Điều quan trọng là năng lực của các nhà sản xuất có đáp ứng được các tiêu chí ngày càng cao của thị trường, của người tiêu dùng hay không.

Đại diện của tập đoàn đa ngành vừa mua lại hai chuỗi siêu thị trong nước cho biết, sau khi tiếp quản hệ thống họ đã sắp xếp lại các nhà cung cấp theo hướng giữ lại những gì tốt nhất. Tất nhiên, trong quá trình đó, những nhà cung cấp không đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng hàng hóa, quy trình sản xuất, giao nhận và giá cả thì chắc chắn sẽ bị thay thế.

Tùy thuộc vào vị thế của nhà sản xuất

Bà Lê Thị Thanh Lâm cho biết, nhiều chuỗi siêu thị khác như Vinatexmart, Maximark cũng có vấn đề chuyển đổi chủ sở hữu nhưng việc gián đoạn cung cấp hàng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi đi vào quỹ đạo trở lại. Trong một số trường hợp, làm việc với chủ mới còn tốt hơn chủ cũ, chẳng hạn về chính sách thanh toán hoặc số lượng đơn hàng. Vấn đề chủ yếu trong việc cung ứng hàng hiện nay, theo bà Lâm, không chỉ nằm ở việc M&A - thay đổi chủ sở hữu của nhà bán lẻ - mà ở giá trị, sức mạnh thương hiệu của nhà cung ứng. Nếu sản phẩm của nhà sản xuất đã được người tiêu dùng ưa chuộng thì nhà bán lẻ dù mới hay cũ đều phải tìm cách giữ.

Một ví dụ khác, theo chia sẻ của bà Lâm, hệ thống siêu thị B đang nổi lên là nhà bán lẻ có rất nhiều yêu sách và chính sách ép nhà cung ứng. “Tháng 10-2015, nhà bán lẻ này đòi chúng tôi phải hạ doanh số đã ký từ đầu năm. Tức là, đầu năm hai bên ký thỏa thuận rằng năm nay nếu siêu thị phân phối đạt mức doanh số nhất định thì sẽ được thưởng phần trăm doanh số. Họ nhắm không đạt nổi nên ép chúng tôi phải hạ doanh số thưởng. Cứ mời lên mời xuống làm việc, dọa không tái ký hợp đồng. Cuối cùng, câu lạc bộ doanh nghiệp thủy hải sản chúng tôi đồng lòng phản đối thì mọi chuyện mới êm”, bà Lâm kể.

Đại diện của tập đoàn vừa mua lại hai chuỗi siêu thị cũng nhận định, điều quan trọng là năng lực của các nhà sản xuất có đáp ứng được các tiêu chí ngày càng cao của thị trường, của người tiêu dùng hay không.
Kẻ gây khó mang tên nhãn hàng riêng, và...

Tuy nhiên, theo quan sát của TBKTSG, có một thực tế là cơ hội cho các nhà sản xuất, nhất là doanh nghiệp nhỏ đang ngày càng ít hoặc chí ít là giảm về chủng loại và sản lượng khi các nhà bán lẻ ngày càng tham gia sâu vào khâu sản xuất. Thường thì họ có sản phẩm mang nhãn hàng riêng (gắn mác siêu thị) thông qua việc đặt các doanh nghiệp làm gia công cho mình. Cũng có nơi tự sản xuất hàng mang thương hiệu của mình.

Hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Big C, LOTTE Mart... đang ngày càng gia tăng sản lượng và chủng loại sản phẩm gắn mác siêu thị mình, từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến đến hàng tiêu dùng nhanh. Lợi thế của các sản phẩm này là giá rẻ từ 20-40% so với sản phẩm cùng loại do nhà sản xuất cung ứng. Đó là chưa kể việc chúng được trưng bày ở các vị trí bắt mắt, quầy kệ rộng.

Vingroup thì tự sản xuất rau Eco để phân phối ở chuỗi siêu thị, cửa hàng Vinmart, Vinmart +, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của các nhà cung ứng rau khác.

Nhiều tập đoàn đa ngành, như PAN Group, khi công bố tham gia thị trường bán lẻ, khẳng định đã xây dựng được chuỗi cung ứng hoàn thiện khi nắm trong tay nhiều công ty liên kết, công ty con là các nhà sản xuất bánh kẹo, nông sản... để đảm bảo sản phẩm đi từ nông trại đến bàn ăn, từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng theo một chu trình khép kín.

Bên cạnh đó, sau các cuộc M&A siêu thị, theo chia sẻ của một số nhà cung cấp, điều họ phải đối mặt là những người thu mua mới. Trong một số trường hợp, những người này đòi hỏi quá nhiều, thậm chí còn đòi “chung chi” dưới nhiều hình thức mới chịu đồng ý tái ký hợp đồng.

Ở một khía cạnh đáng quan tâm khác, sau những cuộc M&A, cơ cấu hàng hóa tại các hệ thống siêu thị cũng đã bắt đầu thay đổi, nhất là tại các hệ thống siêu thị có nước ngoài tham gia. Chuỗi cửa hàng B’s mart sau khi về tay ông chủ người Thái đã bày bán sản phẩm của Thái Lan nhiều hơn. Tập đoàn BJC sở hữu B’s mart cũng chính là chủ sở hữu mới của Metro đã không hề giấu tham vọng quyết đưa hàng Thái vào Việt Nam nhưng ở thời điểm hiện tại, tham vọng này chưa được hiện thực hóa rõ nét tại Metro vừa qua giai đoạn chuyển đổi, đang cần thời gian để sắp xếp và ổn định trở lại... Trong khi đó, hàng ngoại nhập, nhất là hàng có nguồn gốc Nhật Bản đang ngày càng nhiều trong hệ thống siêu thị AEON, AEON Citimart...

Minh Tâm (Theo TBKTSG)

Comments powered by CComment