Thị trưởng Mỹ sở hữu thương hiệu cà phê PhinDeli đang làm ăn ra sao tại Việt Nam?

Ông Phạm Đình Nguyên từng mua lại một thị trấn nhỏ ở nước Mỹ với giá gần 1 triệu USD, sau đó đổi tên thành PhinDeli để quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam.

Trong thị trường cà phê Việt Nam cạnh tranh khốc liệt, ông Phạm Đình Nguyên - ông chủ của thương hiệu PhinDeli lựa chọn cho mình mô hình take-away (mang đi) làm điểm khác biệt.

Được đưa vào thử nghiệm từ năm 2015 với 5 điểm bán đầu tiên tại TP HCM, PhinDeli nhắm đến đối tượng khách hàng với nhu cầu hương vị cà phê phin, chất lượng cao, tiện dụng, an toàn và giá cả hợp với số đông.

Mô hình của PhinDeli phát triển nhanh chóng sau đó nhờ triển khai nhượng quyền tại các cửa hàng tiện lợi (B’mart, Ministop, VinMart+), điểm giải khát, trường học, bệnh viện, trạm dừng…

Đầu năm 2018, ông Phạm Đình Nguyên thông tin đã phát triển hơn 2.000 điểm bán PhinDeli tại 40 tỉnh, thành trên cả nước, trung bình bán khoảng 50.000 ly mỗi ngày. Ngoài cà phê take-away, PhinDeli còn kinh doanh một số sản phẩm cà phê hòa tan.

Tuy vậy CTCP PhinDeli, đơn vị vận hành hoạt động kinh doanh cà phê mang thương hiệu cùng tên lại ghi nhận kết quả kinh doanh khá khiêm tốn. Doanh thu thuần trong hai năm 2018, 2019 lần lượt đạt 20 tỷ đồng và 16 tỷ đồng, lỗ lần lượt 2 tỷ đồng và 1 tỷ đồng.

Điểm sáng với PhinDeli là hiệu quả hoạt động tăng lên, biên lợi nhuận gộp từ 26% cải thiện lên 40% và lỗ ròng ngày càng giảm.

R2

Cái tên PhinDeli từng thu hút sự chú ý của truyền thông nước Mỹ. Năm 2013, ông Phạm Đình Nguyên chi ra khoảng 900.000 USD để sở hữu một thị trấn nhỏ của nước Mỹ - Buford. Ông Nguyên sau đó đổi tên thị trấn thành PhinDeli nhằm quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam. Tại thị trấn PhinDeli, ông Nguyên là thị trưởng, cũng là công dân duy nhất. Toàn thị trấn có một bưu điện, một trường học, một trạm xăng và một tiệm tạp hóa.

Thực tế ông Nguyên cho biết đã phải tập trung vào làm PhinDeli tại thị trường Việt Nam nhiều năm nay, trước sự giam gia ngày càng đông đảo của các ông lớn trong ngành đồ uống. Tình hình hiện tại cũng sẽ có nhiều thách thức nhất là khi các sản phẩm cà phê lon, mô hình đồ uống take-away ngày càng đa dạng - tiện lợi, cùng với đó các ứng dụng giao hàng phát triển khiến khách hàng có thể ngồi tại chỗ và vẫn có cho mình một ly cà phê thơm ngon.

Giữa năm 2014, ĐHĐCĐ của Kinh Đô công bố thương vụ hợp tác cùng PhinDeli với kế hoạch bước chân vào thị trường cà phê, khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, hợp tác này sau đó không trở thành hiện thực, nguyên nhân do Kinh Đô đang bận triển khai thương vụ với Mondelēz, do đó PhinDeli không còn là ưu tiên.

Đông A

Theo Nhịp sống kinh tế

Comments powered by CComment