“Đế chế”Kinh Đô khi không còn bánh kẹo, bánh trung thu

Tên gọi Kido dần được sử dụng phổ biến để chỉ một "Kinh Đô không bánh kẹo". Kinh Đô ngày nay là công ty kinh doanh kem, dầu ăn - gia vị và mì ăn liền.

Ngày 30/6/2015, Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) chính thức chia tay mảng bánh kẹo khi công ty hoàn tất chuyển nhượng 80% cổ phần của CTCP Kinh Đô Bình Dương cho tập đoàn Mondelez. Kinh Đô Bình Dương là công ty phụ trách toàn bộ mảng kinh doanh bánh kẹo của Kinh Đô, bao gồm cả công ty Kinh Đô Miền Bắc và mảng kinh doanh bánh trung thu.

kido

Với tỷ lệ sở hữu lên đến 80%, Mondelez nắm toàn quyền quyết định đối với Kinh Đô Bình Dương và công ty này cũng trở thành doanh nghiệp FDI.

Phía Kinh Đô sẽ không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bánh kẹo kể từ ngày 1/7 mà chỉ ghi nhận lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ sở hữu 20%. Với tỷ lợi này, Kinh Đô sẽ không còn tiếng nói đáng kể với định hướng hoạt động của Kinh Đô Bình Dương.

Song song với kế hoạch bán mảng bánh kẹo, Kinh Đô đã dự định đổi tên thành CTCP Tập đoàn Kido – Kido Group nhằm tách biệt với thương hiệu “Kinh Đô” vốn gắn liền với hoạt động kinh doanh bánh kẹo. Đến thời điểm hiện tại, tên gọi chính thức của công ty vẫn là Công ty cổ phần Kinh Đô, dù vậy, tên gọi Kido dần được sử dụng phổ biến để chỉ một "Kinh Đô không bánh kẹo".

kinh đô

Ba nhóm sản phẩm chính của Kido: Kem, dầu ăn - gia vị và mì ăn liền.

Sau khi hoàn tất bán cổ phần chi phối của Kinh Đô Bình Dương và sáp nhập Vinabico vào công ty mẹ, về cơ cấu tổ chức, Kinh Đô chỉ còn 3 công ty con trực tiếp là Công ty Tân An Phước, Công ty TNHH Một thành viên Kido và Công ty HTIC.

Trong đó, Công ty TNHH MTV KiDo là công ty phụ trách hoạt động kinh doanh kem, sữa chua của Kinh Đô với các thương hiệu chính là Merino, Celano, Wel.

Với những sản phẩm mới như dầu ăn và mì ăn liền thì Kinh Đô không trực tiếp sản xuất. Dầu ăn của Kinh Đô được sản xuất bởi Vocarimex còn mì ăn liền được sản xuất bởi Saigon Ve Wong. Các sản phẩm dầu ăn và mì ăn liền của Kinh Đô đều được sử dụng chung thương hiệu Đại Gia Đình.

kinh đô

Những thành viên chính trong hệ thống Kido Group

Hồi tháng 5/2015, Kinh Đô đã công bố thành lập liên doanh sản xuất mì ăn liền với Saigon Ve Wong tại khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, tỷ lệ sở hữu tương ứng là 49%-51%. Tuy nhiên, trên báo cáo tài chính nửa đầu năm 2015 của Kinh Đô chưa thể hiện khoản đầu tư này.

Đối với Vocarimex, hiện Kinh Đô đang nắm giữ 24% và có kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 51%. Việc Kinh Đô chính thức nắm quyền kiểm soát đối với Vocarimex chỉ là vấn đề thời gian khi mà đại diện của Kinh Đô đã nắm hầu hết các vị trí quan trọng trong HĐQT và ban điều hành.

Việc nắm quyền kiểm soát đối với Vocarimex thì Kinh Đô sẽ gián tiếp sở hữu Dầu thực vật Tường An (TAC) – công ty đứng thứ 2 về thị phần dầu ăn.

Một khi hợp nhất kết quả kinh doanh của Vocarimex/Tường An, doanh thu hàng năm của Kinh Đô sẽ tăng thêm 4.000-5.000 tỷ đồng/năm – đủ để bù đắp phần doanh thu mất đi từ mảng bánh kẹo. Tất nhiên, lợi nhuận của dầu ăn không thể so được với bánh kẹo.

Bên cạnh lĩnh vực chính là thực phẩm, Kinh Đô hiện còn đầu tư vào 2 công ty bất động sản Tân An Phước (sở hữu 80%) và Đầu tư Lavenue (sở hữu 50%) với tổng giá trị hơn 1.400 tỷ đồng. Công ty Lavenue là chủ đầu tư dự án Lavenue Crown tại khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố HCM – dự án này đã nằm “bất động” nhiều năm sau khi giải phóng mặt bằng.

Tài sản giá trị nhất của Kinh Đô ở thời điểm hiện tại có lẽ là lượng tiền mặt khổng lồ. Sau khi chi 4.700 tỷ đồng để chia tức vào cuối tháng 8, hiện Kinh Đô còn khoảng trên 5.000 tỷ đồng tiền mặt. Với số tiền này, nếu muốn Kinh Đô hoàn toàn có thể thực hiện những thương vụ M&A đình đám để nâng tầm quy mô doanh nghiệp.

kinh đô

Việc nắm quyền kiểm soát Vocarimex/Tường An sẽ giúp Kinh Đô bù đắp được doanh thu mất đi từ mảng bánh kẹo.

Theo Kiến Khang

Trí thức trẻ/CafeF

Comments powered by CComment