18 tuyệt chiêu đánh giá biển quảng cáo ngoài trời

Quảng cáo ngoài trời là hình thức quảng cáo trực quan nhắm tới nhóm đối tượng khách hàng cụ thể thường qua lại hoặc tiếp xúc với hình ảnh quảng cáo tại khu vực thực hiện quảng cáo. Việc đánh giá vị trí quảng cáo ngoài trời trong chiến dịch quảng cáo là điều rất cần thiết để tránh lãng phí vì biển quảng cáo không hề rẻ tiền chút nào thậm chí có thể được đánh giá là kênh quảng cáo "ngốn" khá nhiều ngân sách nếu thực sự muốn mang lại hiệu quả.

Thời gian gần đây Linh có nhận được nhiều hồ sơ vị trí quảng cáo ngoài trời do các "Local company" gửi tới để hỗ trợ cho việc lập "Outdoor plan" gửi khách hàng. Thực tế biển quảng cáo ngoài trời hầu hết thuộc sở hữu của các "Local company" - Doanh nghiệp địa phương, nó giống như việc "đất có thổ công, sông có hà bá" vậy.

Có một điều lạ là khá nhiều hồ sơ vị trí có ghi: "Score: 7" (Hoặc số bất kỳ nào đó nhưng đều lớn hơn 6). Linh có hỏi các bạn ấy rằng đó là thông số gì và bạn lấy căn cứ ở đâu để có nó thì hầu hết các bạn cười nhạt: "À thì cứ đánh đại theo cảm tính nhìn cho nó gọi là có số má để tăng thêm uy tín với khách hàng".

banner

Không ổn chút nào!

Với gần 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời, cũng từng làm và tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu cũng như thực thi quảng cáo ngoài trời lớn (nhưng chưa được sáng tạo và độc đáo như biển quảng cáo cảm xúc của Cocacola), hôm nay Linh sẽ chia sẻ với mọi người 18 tiêu chí để đánh giá biển quảng cáo ngoài trời. Công cụ này sẽ giúp các bạn Marketing rất nhiều trong việc đánh giá các vị trí quảng cáo đang hoặc sắp thực hiện cho công ty, giúp các bạn làm Outdoor và agency có thêm kiến thức để tư vấn, chia sẻ với khách hàng và mang tới những vị trí quảng cáo thực sự phù hợp (nếu lấy chính công cụ này để làm tiền thì cũng được nhưng lấy rẻ rẻ thôi nha, miễn là làm cho tốt).

18 tiêu chí đánh giá vị trí quảng cáo ngoài trời theo Linh biết như sau:

1. Ad form: Hình thức quảng cáo

Hình thức quảng cáo được cho điểm từ cao xuống thấp: Trụ quảng cáo (billboard, unipol), Pano, wallbanner (biển quảng cáo ốp hông tường), Lightbox (biển hộp đèn), Nhà chờ xe Bus, Trạm thông tin.

2. Ad size: Kích thước quảng cáo

Kích thước quảng cáo càng lớn điểm càng cao vì rõ ràng càng to càng ấn tượng.

3. Structure: Cấu trúc quảng cáo

Cấu trúc quảng cáo được đánh giá dự trên những yếu tố: Cấu trúc biển cột, biển khung sắt ốp tường, biển Trivision lật mặt hay nhà chờ,.. Cấu trúc càng tốt, bền vững và càng thẩm mỹ thì điểm càng cao.

4. Viewing Height: Chiều cao so với mắt (cao quá tầm mắt sẽ không thu hút)

Chiều cao so với mắt được đánh giá cao ở những vị trí ngang tầm mắt (khoảng tầng 3 trở xuống, tương đương với biển cột quảng cáo trên đường cao tốc chiều cao từ đỉnh biển xuống chân biển khoảng 22m). Những vị trí cao quá hoặc thấp quá thì sẽ không "tự nhiên" lọt vào mắt khách hàng. Những vị trí ngang tầm mắt là những vị trí được chấm điểm cao nhất.

5. Visible distance: Tầm nhìn xa của quảng cáo

Biển quảng cáo có tầm nhìn càng xa càng tốt nhưng xa nhưng vẫn đảm bảo rõ nội dung sẽ được đánh giá cao hơn. Những vị trí tầm nhìn ngắn quá sẽ không đảm bảo được thời gian quan sát quảng cáo do người tham gia giao thông di chuyển chứ không đi bộ hoặc đứng lại ngắm nhìn.

6. Angle of vision: Góc nhìn của quảng cáo

Góc nhìn của quảng cáo được thể hiện qua việc bảng quảng cáo nằm ở chỗ nào, có góc nhìn ra sao. Nếu góc nhìn thoáng và quảng cáo đúng khúc cua thì dĩ nhiên bảng quảng cáo được đánh giá cao hơn những vị trí nằm trên đường thẳng và có thể bị lấp bởi những quảng cáo phía trước.

7. Traffic Flow: Lưu lượng giao thông

Yếu tố quan trọng để cho điểm. Với khu vực có lưu lượng giao thông đông đúc điểm sẽ cao hơn những khu vực thưa thớt hơn. Nó giống như việc biển quảng cáo nằm tại ngã 6 sẽ cao điểm hơn biển quảng cáo nằm tại các ngã rẽ ít hơn, biển quảng cáo nằm tại nội thị sẽ cao điểm hơn so với biển quảng cáo nằm tại ngoại thành.

8. Traffic Speed: Tốc độ giao thông

Biển quảng cáo nằm tại nội thành với tốc độ giao thông sẽ được điểm cao hơn những biển quảng cáo nằm tại đường cao tốc hoặc quốc lộ. Rõ ràng tốc độ càng cao thì biển quảng cáo càng không thể "khoe mẽ" được nội dung truyền tải của mình.

9. Number of road: Số làn đường

Số làn đường là 2 và 2 chiều sẽ đạt điểm cao nhất vì quảng cáo có thể được nhìn từ hai phía. Đường 1 chiều hoặc số làn đường nhiều hơn sẽ được điểm thấp hơn do quảng cáo sẽ khó mang tới ấn tượng.

10. Road Type: Loại đường (Nội đô, Quốc lộ, Tỉnh lộ)

Đường nội đô sẽ được điểm cao nhất, đường quốc lộ và tỉnh lộ sẽ được điểm thấp hơn.

11. Visual clutter: Khu vực quảng cáo Thị giác bị phân tán lộn xộn

Những vị trí quảng cáo nằm một mình sẽ được điểm cao nhất. Những vị trí quảng cáo mà bên cạnh nó bị phân tán ánh nhìn bởi những biển quảng cáo khác hoặc những điểm nhấn khác thì sẽ được điểm ít hơn vì quảng cáo kém hiệu quả hơn.

12. Vision issue: Vấn đề che chắn tầm nhìn

Đây là yếu tố rất quan trọng! Biển quảng cáo không bị che chắn sẽ được điểm cao nhất. Những biển quảng cáo bị cây che khuất hoặc che chắn bởi những yếu tố khác sẽ được điểm thấp hơn và nếu che khuất hoàn toàn thì thôi không cần đánh giá nữa.

13. Surroundings area: Khu vực xung quanh quảng cáo

Khu vực xung quanh quảng cáo quyết định để chấm điểm cho vị trí quảng cáo. Ví dụ bạn muốn nhắm tới đối tượng là học sinh, thì rõ ràng những biển quảng cáo cạnh trường hợp sẽ được điểm tối đa và tương tự.

14. Obstruct: Yếu tố gây trở ngại

Một số yếu tố gây trở ngại có thể: Vấn đề phép tắc, tính pháp lý hoặc chỉ đơn giản như quy định, luật định sẽ được chấm điểm dựa theo thực tế gặp phải. Nếu không có yếu tố trở ngại gì thì dĩ nhiên biển quảng cáo được điểm tối đa.

15. Zone: Khu vực

Biển quảng cáo nằm tại khu vực càng trung tâm thì điểm càng cao, hoặc đơn giản biển quảng cáo nằm càng gần nhóm khách hàng mục tiêu của mình hướng tới thì điểm càng lớn.

16. Roundabout/turing point/crossroad: Các khu vực giao điểm, ngã tư

Biển quảng cáo nằm tại các giao điểm càng lớn điểm càng cao. Nếu biển quảng cáo không nằm tại khu vực giao điểm hay ngã tư thì sẽ được điểm 0 tròn chĩnh.

17. Traffic Light: Khu vực có đèn tín hiệu giao thông

Biển quảng cáo nằm tại khu vực có thời gian chờ đèn đỏ cao, nằm tại ngã tư càng lớn thì điểm càng cao. Biển quảng cáo nằm tại ngã tư không có đèn xanh đèn đỏ thì điểm sẽ thấp hơn.

18. Illumination: Ánh sáng/ Chiếu sáng

Biển quảng cáo có đèn sẽ phát huy hiệu quả quảng cáo cả buổi tối sẽ được điểm cao hơn hoặc ánh sáng tốt sẽ được điểm tối đa. Biển quảng cáo sáng nhờ đèn đường thì điểm rất thấp. Biển quảng cáo không có đèn thì mình tặng điểm 0.

Đó là các tiêu chí để đánh giá cho từng biển quảng cáo ngoài trời, theo từng yêu cầu của sản phẩm và nhóm khách hàng mục tiêu, thị trường mục tiêu mình nhắm tới.

Các bạn hãy để thang điểm tối đa là 10 rồi tự chấm điểm, cộng vào và chia đều cho 18 sẽ ra điểm số cuối cùng. Nếu vị trí quảng cáo được dưới 5 điểm thì bỏ đi. Còn cao hơn thì dĩ nhiên là chúc mừng bạn đã có vị trí quảng cáo phù hợp.

Những điều Linh chia sẻ ở trên có thể áp dụng cho tất cả các biển quảng cáo ngoài trời hoặc ít nhất có thêm kiến thức để các bạn dựa vào đó đánh giá vị trí quảng cáo mình đang định làm. Nhưng nó không hoàn toàn quyết định việc mình có lựa chọn vị trí đó hay không vì còn rất nhiều yếu tố khác nữa.

Ngoài ra, dựa vào những tiêu chí trên các bạn cũng có thể cho thêm hệ số khi thấy thông số nào sẽ cần hơn thông số nào tùy thuộc vào sản phẩm mình muốn quảng cáo hay nhóm đối tượng khách hàng mình nhắm tới. Ví dụ như bạn muốn quảng cáo sản phẩm phân bón thì điểm hệ số liên quan tới khu vực ngoại thành lại cao hơn khu vực nội thành.

Những chia sẻ trên đây từ kinh nghiệm thực tế, quá trình làm việc và học tập của Linh có được và Linh thấy nó tốt cho các bạn trong giới Marcom nên xin phép chia sẻ. Có thể mọi người sẽ có những đóng góp, góc nhìn hay cách đánh giá khác tốt hơn mình có thể cùng đưa ra thảo luận thêm. Linh xin cập nhật, học hỏi thêm từ các bạn để hoàn thiện bản thân mình rồi làm tốt hơn, chia sẻ tốt hơn cho cộng đồng.

Cũng muộn rồi, Linh phải về bế con giúp vợ vì cũng đi mất hút từ sáng sớm đến giờ laugh. Chúc các bạn buổi tối nhiều niềm vui bên gia đình, bạn bè và được làm điều mình thích.

Hy vọng bài viết này có ý nghĩa với các bạn!

Phạm Ngọc Linh - Outdoor Planning Director Unique Creative Outdoor Agency with Pano.vn
Theo BrandsVietnam

Comments powered by CComment