Quảng cáo cũng cần văn hóa

(VTV9) - Thời gian vừa qua, nhiều mẩu quảng cáo trên truyền hình khiến dư luận băn khoăn, bởi nhà sản xuất chỉ lo nhấn mạnh tính ưu việt của sản phẩm mà quên đi tính văn hóa cần có.

Bởi xét cho cùng, ngoài tính thương mại, quảng cáo cũng là một sản phẩm văn hóa được quảng bá rộng rãi và có tác động không nhỏ đến nhận thức của người xem. Càng đáng lo hơn, khi lượng khán giả trung thành của những phút quảng cáo trên truyền hình, chính là trẻ em.

Ngay từ lứa tuổi mầm non, trẻ em đã được dạy phải giữ gìn vệ sinh cá nhân. Cao hơn nữa là vệ sinh chung. Bác Hồ cũng đã dạy : Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Bác dạy, giữ gìn vệ sinh quan trọng không kém yêu tổ quốc đồng bào, học tập tốt, lao động tốt và khiêm tốn thật thà dũng cảm.

Theo Cô Đỗ Phương - Trường mầm non Hạnh Thông Tây TP HCM: "Giữ vệ sinh từ nhỏ nhằm dạy cho các bé tự ý thức, tự giác tự phục vụ bản thân thông qua việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh".

Vậy mà đoạn quảng cáo của một thương hiệu nổi tiếng đã không ngần ngại cổ xúy trẻ nhỏ cứ tha hồ lấm bẩn, nghịch đất, bùn, thức ăn... Bởi đơn giản, đã có sự ưu việt của sản phẩm giải quyết mọi vấn đề. Điều này hoàn toàn đi ngược với những bài học đạo đức cơ bản của trẻ em. Nhiều phụ huynh lo lắng con mình sẽ bắt chước, làm theo những quảng cáo như vậy.

Hình ảnh trong Clip quảng cáo của Ô-Mô khuyến khích trẻ em "tha hồ lấm bẩn".

Theo Chị Nguyễn Thị Hồng Vân - Phụ huynh: "Tôi lo lắng nó sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của con mình. Tức là nó nghĩ rằng là vấn đề giữ gìn vệ sinh không có quan trọng. nó có thể nghịch bẩn hoặc làm bất cứ cái gì chỉ cần có ÔMÔ là nó giải quyết tất cả các vấn đề lien quan đến vệ sinh. Nên tôi nghĩ mỗi chương trình quảng cáo khi mà phát sóng ra công chúng cũng cần kiểm duyệt chặt chẽ".

Theo Cô Trần Thị Hoàng Dung - Hiệu trưởng trường mầm non Hạnh Thông Tây TP HCM: "Trẻ con nó thích bắt chước. Nên mình cũng có lo lắng vấn đề này. Tất nhiên trẻ con nó cần thoả mãn nhu cầu vui chơi. Nhưng không thể nào mà lấm bẩn nhiều như thế".

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hơn một nửa số quảng cáo trên truyền hình hiện chưa chú trọng tính văn hóa địa phương, hoặc nghiêm trọng hơn là phản cảm.

Mới đây, nhiều người giật mình với đoạn clip quảng cáo sữa tắm của 1 cô người mẫu nổi tiếng. Đoạn quảng cáo được đánh giá là không khác gì phim khiêu dâm khiến người xem nhớ tên sản phẩm thì ít, mà quan tâm đến ngực, mông, đùi thì nhiều.

Theo chuyên gia văn hóa Lê Thị Ngọc Diệp, vấn đề không chỉ là thiếu chặt chẽ trong khâu thẩm định các sản phẩm quảng cáo, mà còn ảnh hưởng xấu đến 1 bộ phận giới trẻ đang có xu hướng sống lệch chuẩn.

Theo Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Diệp - Phó trưởng khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV TP HCM: "Chúng ta chú trọng đến cái thương mại, chú trọng phát triển kinh tế nhưng vẫn phải chú trọng đến giá trị đạo đức, tinh thần. Bởi vì là hiện tại bây giờ trong giới trẻ, thanh thiếu niên đã có một bộ phận không nhỏ sống lệch chuẩn. Khi mà sống lệch chuẩn như vậy thì có cái tư tưởng sùng ngoại, sung bái các cái giá trị vật chất, quên đi các giá trị văn hóa tinh thần".

Thì như vậy thì, những cái nhà quảng cáo họ cần phải nghiên cứu kỹ những cái giá trị văn hóa. Mà khi đã nghiên cứu kỹ văn hóa rồi, trau chuốt từ hình ảnh đến ngôn từ thể hiện, thì nó sẽ hiệu quả hơn, dễ được chấp nhận hơn.

VTV9.com.vn

Comments powered by CComment