Thực phẩm sạch sao lại quảng cáo "bẩn"?

Khi quảng cáo đã vượt quá sự thật, trở thành sự lộng ngôn thì sự nhầm lẫn giữa các giá trị trở nên nhạt nhòa và chỉ gieo rắc sự nghi ngờ vào người tiêu dùng.

Đi tìm quảng cáo sạch

Năm 2013 vừa qua được xem như một năm thê thảm của ngành công nghiệp quảng cáo. Quảng cáo trong nước, đặc biệt trên báo giấy giảm sút nghiêm trọng đã làm cho nhiều tờ báo vang danh phải đóng cửa hoặc đình bản. Có thể kể tên hàng loạt tờ báo như: nhật báo Đất Việt, tuần báo Echip, PC world, Thế giới mới và nhiều tờ báo khác phải lao đao.

Có một câu nói được giới quảng cáo châm chọc nhau: Khi không bán được quảng cáo chúng ta nên đi học. Câu này vừa có ý nghĩa hài hước vừa thể hiện tính thực tế nhất định của nói. Bởi vì giới quảng cáo luôn bận rộn và cuốn hút theo các chiến dịch truyền thông.

Họ ít có thời gian và cơ hội nhìn nhận đánh giá chính mình. Những sự cố, khủng hoảng dồn dập đến rồi đi, vấp ngã và đứng lên liên tục. Chỉ khi ít việc, ví dụ như những lúc rãnh rỗi không có đơn đặt hàng, tranh thủ đi học cũng là cách hay nhất để quên đi chuyện doanh số doanh thu.

Trong muôn vàn lý do khác nữa, năm 2013 trở thành năm có nhiều quan điểm về ngành quảng cáo và nghệ thuật quảng cáo được khá nhiều người quan tâm. Một trong những lý thuyết không bao giờ tan chảy là tính Nhân – Quả của quảng cáo.

Tiến sĩ Kinh tế Rolf Dobeli từng nói: "Tôi không cần biết bạn nói gì, tôi chỉ quan tâm bạn nói điều đó như thế nào". Điều này được diễn giải một cách dễ hiểu hơn: Chính cách bạn truyền đạt thông điệp quảng cáo như thế nào sẽ quyết định khách hàng có nhớ đến bạn hay không, nhớ như thế nào, nhớ với một ấn tượng tích cực hay tiêu cực.

Từ trong nước nhìn ra thế giới, những năm gần đây giới quảng cáo luôn cố gắng kêu gọi khách hàng của mình phải quảng cáo làm sao cho sạch sẽ. Nghĩa là, thông điệp đưa ra công chúng ít nhất không chạm đến những điều cấm kị trong luật quảng cáo của đất nước được phát đi thông điệp đó. Nghe thì dễ, làm mới khó. Bở vì, thuyết phục những khách hàng đã có đối thủ cạnh tranh thôi đừng cạnh tranh nhau là chuyện... không tưởng!

Sản phẩm sạch vì sao quảng cáo "bẩn"?

Dù cố gắng rất nhiều trong việc thuyết phục khách hàng tạo dựng hình ảnh và thông điệp sạch cho quảng cáo nhưng liên tục gần đây quảng cáo lại dính vào những chuyện rất đáng tiếc. Một trong những tranh luận bùng nổ gần như suýt tạo thành chiến tranh giữa các thương hiệu trong nước chính là chiến dịch quảng cáo sữa sạch của True Milk.

Về cơ bản, sữa và các sản phẩm dinh dưỡng phải sạch. Thế nhưng khi quảng cáo sữa sạch, True Milk lại tạo cho mọi người suy nghĩ các sữa khác không sạch. Trong văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Công thương và các đơn vị trực thuộc, Hiệp hội Sữa khiếu nại việc dùng từ "sạch" trong thông điệp quảng cáo "Tinh túy thiên nhiên được giữ vẹn nguyên trong sữa tươi sạch TH True Milk".

Ông Trịnh Quý Phổ - Tổng thư ký Hiệp hội Sữa cho rằng, việc quảng cáo như vậy vô hình trung hàm ý rằng tất cả các loại sữa khác là "không sạch". Điều này tác động tiêu cực đến hình ảnh sữa tươi của các doanh nghiệp trong Hiệp hội Sữa Việt Nam, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng về chất lượng sữa tươi, khiến họ có thể hiểu rằng việc uống các loại sữa tươi khác là không sạch.

Tương tự, sản phẩm mì của công ty Nissin tung sản phẩm mới với nội dung "Mì không chiên 365 vì không chiên qua dầu nên bạn có thể an tâm về chất lượng". Trên mặt trước bao bì sản phẩm có chữ "Khỏe" và mặt sau có thông điệp trên làm người hấp thu quảng cáo này sẽ đánh đồng với nghĩa "mì chiên qua dầu là không thể an tâm về sức khỏe".

images1311164 thuc pham sach quang cao ban2 datviet.vn

Quảng cáo "bẩn" chẳng khác gì việc tự tay gieo khủng hoảng cho chính mình

Trong khi đó, những món ăn chiên xào là đặc trưng văn hóa ẩm thực của người châu Á. Đặc biệt mì gói đã trở thành sản phẩm truyền thống lâu năm, được cả thế giới sử dụng đều qua chiên dầu để sợi mì thơm ngon đặc trưng. Vì vậy khi Nissin gieo rắc vào người tiêu dùng sự độc hại của việc chiên qua dầu, phần nào đã thể hiện sự so sánh trực tiếp giữa sản phẩm chiên qua dầu và không chiên qua dầu.

Nội dung quảng cáo của True Milk và Nissin thuộc hành vi cấm tại khoảng 10, Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Điều luật này quy định rõ: Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.

Đồng thời, có khả năng cũng vi phạm điều khoảng 12, Điều 8: Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Trước đó không lâu, mì Omachi ra mắt dòng sản phẩm mới đã tranh thủ sự chú ý bằng cách "lột đồ" người mẫu Ngọc Trinh trong bộ ảnh nude mới tung lên Facebook cá nhân. Sự trơ trẽn và lắp ghép gượng gạo của quảng cáo này nằm ở chỗ Ngọc Trinh không phải người mẫu quảng cáo chính của chiến dịch quảng cáo mà chỉ gây chú ý cho phim quảng cáo sắp được phát sóng rộng rãi.

Mặc dù quảng cáo mì "lột đồ" của Ngọc Trinh không phải quảng cáo chính thức và không bị kiểm duyệt nhưng đã vi phạm khoản 3, Điều 8 những hành vi Cấm trong quảng cáo: Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Luật đã ban hành, quảng cáo sạch hay không đã có thể xác định hành vi. Hơn ai hết, những người truyền thông điệp này biết rõ mình có vi phạm hay không. Vậy thì vì sao họ vẫn ngang nhiên quảng cáo "bẩn"? Quảng cáo "bẩn" thực phẩm có sạch hơn không?

Theo Công luận.

Comments powered by CComment