Cuộc chiến bản quyền trên “kho vàng ứng dụng”

Hồi chuông cảnh báo về sự minh bạch bản quyền trong thế giới ảo nhưng cũng đồng thời mở ra một mỏ vàng mới trong lĩnh vực nội dung số.

Người chơi và luật chơi mới

Ngày 14/9 vừa qua Google đã xoá Funtoon, một ứng dụng đọc truyện tranh tiếng Việt khá phổ biến ra khỏi Google Play. Ngay ngày hôm sau, App Store cũng có động thái tương tự. Nguyên nhân chính là do Funtoon không tuân thủ nguyên tắc khai thác bản quyền. Trong tổng số truyện tranh Funtoon đăng tải, có ít nhất 30 tác phẩm đang được độc quyền khai thác bởi POPS Worldwide, đơn vị kinh doanh nội dung số ở Đông Nam Á.

Thông tin công bố từ POPS cho thấy, từ cuối tháng 7/2020, khi phát hiện tình trạng trên, POPS đã chủ động liên hệ đơn vị chủ quản của Funtoon yêu cầu gỡ các nội dung vi phạm và gặp gỡ để giải quyết vụ việc nhưng không thành. Funtoon nhiều lần trì hoãn việc gỡ các nội dung vi phạm cũng như không chịu đối thoại. POPS đã phải gửi khiếu nại đến Google Play (Google) và App Store (Apple).

G1

Ứng dụng đọc truyện tranh Funtoon

Đại diện hai kho ứng dụng yêu cầu POPS và Funtoon gửi bằng chứng bản quyền để đối chứng. POPS hoàn thành việc chứng minh. Đầu tháng 9/2020, Techlab xác nhận đã gỡ phần lớn các bộ truyện tranh mà POPS giữ bản quyền. Tuy nhiên, không lâu sau đó ứng dụng này đã bất ngờ biến mất khỏi Google Play và App Store.

Ngay sau sự việc của Funtoon, Công ty cổ phần Vie Channel cũng chính thức nộp đơn khởi kiện Spotify AB (có trụ sở tại Thuỵ Điển) đến Tòa án Nhân dân TP.HCM vì vi phạm nghiêm trọng bản quyền. Theo Vie Channel, đơn vị sản xuất Rap Việt và Người Ấy Là Ai?, trên ứng dụng Spotify xuất hiện nhiều bản ghi âm được cắt ra từ hai chương trình trên, phục vụ các tài khoản đăng ký miễn phí và tài khoản có thu phí của ứng dụng này.

Vì thiệt hại về mặt kinh tế, Vie Channel yêu cầu Spotify AB phải bồi thường 9,5 tỉ đồng, chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền và xin lỗi công khai vì đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

G2

Vie Channel khởi kiện Spotify AB

Có rất nhiều chi tiết cấu thành nên một ứng dụng, từ code, hình ảnh, nội dung, gameplay, đồ hoạ, âm thanh… Theo Google lẫn Apple, tất cả những chi tiết đó nếu không phải do chính bản thân đơn vị phát triển ứng dụng tạo ra, đã được đăng ký bản quyền bởi đơn vị sở hữu, đều được xem là vi phạm bản quyền.

Còn nhớ, Flappy Bird, một casual game từng gây sốt, được tạo ra bởi lập trình viên Việt Nam, nhưng cũng bị một số trang tin nước ngoài như Kotaku cáo buộc có sử dụng hình ảnh của tựa game Mario cũng như trò chơi tên Piou Piou vs. Cactus của Canada. Spotify AB và Funtoon đều thu phí người dùng. Kinh doanh trên việc cung cấp nội dung thuộc bản quyền đơn vị khác, dù lượng nội dung ấy chiếm tỉ lệ như thế nào, việc vi phạm cũng là điều cả hai kho ứng dụng đều cấm kỵ.

Kho vàng của nội dung số

Cộng đồng đọc truyện tranh trên ứng dụng từng phát sốt với Ẩn Thế Hoa Tộc, Vương Gia 3 Tuổi Rưỡi; Yêu Thợ Săn… Đây là những bộ truyện tranh chuyển ngữ từ nguyên tác Trung Quốc. Chủ sở hữu bộ truyện là Công ty Fanfan, POPS đã đầu tư bằng cách mua bản quyền khai thác, đầu tư chuyển ngữ, thiết kế…

Với lối kể chuyện hấp dẫn, nhiều tình tiết gay cấn, những bộ truyện này sở hữu lượt xem rất lớn. Đơn cử, trước khi tháo khỏi hai kho ứng dụng, chỉ riêng trên Funtoon, chỉ trong vòng 3 tuần, Ẩn Thế Hoa Tộc đã thu hút được hơn 243.000 lượt xem. Funtoon thu tiền người đọc thông qua hệ thống in-app purchase của Google và Androi. Người đọc sẽ trả phí cho Funtoon theo các gói khác nhau, từ 22.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối chiếu với lượng người dùng hiện tại, doanh thu của Funtoon là con số không hề nhỏ.

G3

Theo báo cáo Nghiên cứu đề xuất những hướng dẫn thực thi để phát triển nội dung số bản địa tại các nước ASEAN, do Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (NIICS) thực hiện, tính riêng trong cộng đồng ASEAN với hơn 400 triệu người, doanh thu hằng năm của ngành công nghiệp nội dung số khu vực ước đạt 150 tỉ USD, trong đó nguồn thu từ bản quyền đạt 5-7 tỉ USD và lên tới 55-65 tỉ USD cho các dịch vụ nội dung số. Tại Việt Nam, doanh thu quảng cáo trên thiết bị di động, chủ yếu đến từ các ứng dụng, được dự báo sẽ tăng mạnh, lên tới hơn 200 triệu USD vào năm 2020.

Bà Như Hoài, Trưởng phòng Pháp chế POPS, cho biết, lĩnh vực giải trí kỹ thuật số hiện đang rất phát triển, dẫn đến câu chuyện bản quyền của nội dung số cũng trở nên phức tạp. Tuy nhiên, tất cả đều đã được quy định bằng những văn bản rất cụ thể. Đáng tiếc, vấn đề này chưa thực sự được quan tâm và chú trọng một cách thoả đáng.

“Hiểu được đặc thù của thị trường, POPS luôn chủ động và thiện chí gặp gỡ các bên liên quan đề đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Tuy nhiên, nếu không nhận được sự hợp tác từ các bên liên quan, chúng tôi sẽ phải có động thái cứng rắn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình cũng như góp phần nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền nói chung”, bà Hoài nói.

Việc ứng dụng truyện tranh Funtoon lần lượt bị Google và Apple gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng của 2 công ty này, hay con số 9,53 tỉ đồng mà Spotify AB có thể bị bồi thường cho thấy, các đơn vị tham gia kinh doanh nội dung số cần có một cái nhìn đúng đắn và nghiêm túc hơn về vấn đề bản quyền. Trong xu hướng kinh doanh toàn cầu, việc tôn trọng không xâm phạm bản quyền của các đơn vị khác cũng là một trong những nền tảng bền vững cho câu chuyện kinh doanh của chính mình.

Mai Hà
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Comments powered by CComment