Chuyên biệt hóa: Phương thức bán hàng cho doanh nghiệp nhỏ

Khách hàng thường có tâm lý một cửa tiệm chuyên biệt hóa thì chất lượng phục vụ chuyên nghiệp và giá cả cũng rẻ hơn những nơi khác.

Người làm kinh doanh hầu hết đều muốn trở thành ông chủ lớn, mở rộng quy mô doanh nghiệp, chi phí cố định sau khi dàn trải sẽ trở nên nhỏ hơn. Tỷ suất lợi nhuận tự nhiên sẽ tăng cao. Đồng thời, doanh nghiệp quy mô lớn thông thường sẽ được khách hàng đánh giá cao hơn và tin tưởng hơn. Sản phẩm càng đa dạng thì khách hàng càng có nhiều lựa chọn. Rõ ràng là có doanh nghiệp lớn, nhưng lại chia thành những cửa tiệm khác nhau, không cho khách hàng biết tất cả là của mình. Tại sao vậy?

ChuyenBietHoa1

Anh Bảo vừa mở một quán cháo rộng khoảng 30m2 trên một con phố buôn bán sầm uất. Khách hàng chủ yếu của anh là những nhân viên văn phòng ở mấy tòa nhà đối diện và những người mua hàng trên phố.

Ngày nay, khi đã ăn no mặc ấm, nhu cầu thay đổi khẩu vị của con người bắt đầu tăng lên thì cháo là một lựa chọn không tồi. Cửa hàng cháo của Bảo bán tất cả 15 loại, trên thực đơn ghi rõ giá trị dinh dưỡng từng loại, cháo thích hợp với đối tượng nào, mang lại lợi ích gì cho cơ thể. Như vậy khách hàng có thể chọn loại cháo có hương vị và hàm lượng dinh dưỡng hợp nhất với mình.

Cửa hàng cháo của Bảo khá nổi tiếng vì hợp vệ sinh, sạch sẽ và phục vụ rất chuyên nghiệp. Khách vãng lai lựa chọn cháo vì nó dễ ăn, kinh tế, thỏa mãn nhu cầu làm “ấm bụng” nhanh chóng. Còn dân văn phòng, nhất là phái nữ đều thích có thân hình thon thả, gọn gàng nên thường chọn những món cháo có hàm lượng dinh dưỡng vừa phải. Bảo cũng là người có tài quản lý nên công việc kinh doanh ngày càng phát đạt.

Một hôm, ông chủ cửa hàng bán quần áo bên cạnh quán cháo muốn nhượng lại cửa hàng để ra nước ngoài sinh sống. Đã là hàng xóm của nhau mấy năm, quan hệ cũng khá thân thiết nên Bảo đã nhanh chóng được nhượng lại cửa hàng. Tất nhiên anh không bán quần áo vì không biết nhiều kiến thức về lĩnh vực này. Anh đang suy tính đến việc thông hai cửa hàng để làm quán cháo rộng hơn. Anh nghĩ công việc làm ăn của mình đang tiến triển khá tốt, chỉ là mở rộng quy mô gấp đôi còn phương thức kinh doanh thì không cần thay đổi.

ChuyenBietHoa

Để chắc chắn hơn, Bảo đi tìm Triệu, một người bạn để xin ý kiến. Nào ngờ, khi nghe nói Bảo muốn mở rộng cửa hàng, Triệu phản đối và nói:

- Cậu kinh doanh tốt một phần là do ở khu đó không có đối thủ cạnh tranh nào khác. Hơn nữa cửa hàng của cậu chỉ bán cháo, khách hàng cảm thấy rất chuyên nghiệp và tin tưởng. Mình cũng thường xuyên đến cửa hàng, thấy chỗ ngồi vẫn đủ, chứng tỏ cửa tiệm hiện tại vẫn còn đủ sức chứa. Nếu cậu mở rộng cửa hàng thì chẳng phải là sẽ có càng nhiều ghế thừa hay sao? Mở cửa hàng cháo vẫn chỉ là một hình thức kinh doanh nhỏ đặc biệt, rất khó trở thành một nhà hàng lớn. Bây giờ cậu đã kinh doanh 15 loại cháo, thử nghĩ xem tăng thêm vài loại thì lời lãi có tăng lên được gấp đôi không?

Bảo cúi đầu nghĩ ngợi, đúng là việc kinh doanh cháo khá tốt, nguyên nhân chủ yếu vì nó đặc biệt, đáp ứng nhu cầu đổi khẩu vị cho khách hàng. Nếu mở rộng cửa hàng mà chỉ phụ thuộc vào mỗi việc bán cháo thì chắc chắn là không kham nổi chi phí. Bảo nói:

- Hay là kinh doanh thêm đồ nướng, món này đang thịnh hành, giới văn phòng sau khi tan sở rất thích đi ăn đồ nướng. Bán thêm cả rượu nữa thì tiền đầu tư cũng không nhiều lắm.

Triệu nghe xong, cười nói:

- Cậu đã bán hàng ở con phố đó mấy năm rồi, ở đó thích hợp loại hình kinh doanh nào chắc cậu đã rõ, mình chỉ gợi ý chút thôi. Nếu cậu mở thông hai tiệm, một bên bán cháo, một bên đồ nướng thì mình thấy không hợp lắm. Cậu có thấy ai ăn cháo chung với thịt nướng không? Hai loại thức ăn này không thể kết hợp được với nhau nên cũng chẳng thúc đẩy được doanh thu. Ngược lại, mình thấy bán đồ nướng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu bán cháo.

Cửa hàng của cậu đang phục vụ rất chuyên nghiệp, nếu thêm loại thực phẩm khác thì bỗng chốc chẳng khác gì các quán vỉa hè. Có thể sẽ mất những thực khách khó tính có gu ẩm thực cao. Cậu nghĩ xem, khi ăn cháo, người ta cần một không khí yên tĩnh để từ từ thưởng thức, khác hẳn không khí ồn ào chúc tụng ở quán thịt nướng. Bên cạnh đó, cậu thử bày cháo dinh dưỡng cao cấp cùng một xâu thịt nướng xem sao. Chẳng còn chút đẳng cấp nào.

Bảo nghĩ một hồi, những lời Triệu nói rất có lý. Cũng giống như đậu phụ thối, ăn thì rất ngon miệng nhưng bày lên bàn tiệc kiểu Tây thì chẳng hợp chút nào.

Sau khi về tiệm, Bảo họp toàn bộ nhân viên, mọi người đều đồng ý với ý kiến của anh. Sau nhiều lần thảo luận, cuối cùng đã đưa ra quyết định không nối liền tiệm cháo và tiệm đồ nướng nữa. Mỗi tiệm sẽ có một biển hiệu riêng, chỉ có nhà bếp thông nhau để tiện nấu nướng mà thôi. Việc kinh doanh đều do Bảo nắm giữ nhưng cửa hàng đồ nướng sẽ có người quản lý riêng.

Cửa hàng đồ nướng khai trương, phục vụ hơn 40 món đã chứng minh con mắt kinh doanh của Bảo rất tốt. Lượng khách lui tới rất đông, những người thường đến ăn cháo cũng sang đó thưởng thức đồ nướng mỗi khi họ muốn đổi bữa. Còn những người thường xuyên ăn đồ nướng thỉnh thoảng lại sang ăn cháo để giải nhiệt cơ thể. Hai cửa tiệm trên cùng một con phố, chỉ có điều rất ít người biết cả hai đều của Bảo.

Bài học:

Cửa hàng lớn hay nhỏ đều có ưu điểm riêng. Ngày nay, khách hàng thường thích những cửa tiệm nhỏ nhưng phục vụ chuyên nghiệp. Do đó, số lượng những cửa hàng chuyên bán một sản phẩm cũng ngày càng nhiều hơn. Khách hàng thường có tâm lý một cửa tiệm chuyên biệt hóa thì chất lượng phục vụ chuyên nghiệp và giá cả cũng rẻ hơn những nơi khác.

Phương thức kinh doanh chuyên biệt hóa này đã xuất hiện nhiều nơi, ngầm gợi ý khách hàng rằng: Chúng tôi kinh doanh rất chuyên nghiệp, nếu mua hàng của chúng tôi thì nhất định không bị thiệt.

* Trích nội dung trong cuốn “ Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ”, tác giả Lão Mạc.

Bảo Dương
(Theo Trí Thức Trẻ)

Comments powered by CComment