Đặt tên Tây để dễ bán hàng

tentay

Nói đến hàng kim khí điện máy, điện tử…, những sản phẩm của Nhật luôn được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng vì độ bền và đẹp. Khai thác giá trị này, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đua nhau đặt tên “na ná” tiếng Nhật như Hitoshi, Fujiyama

Trong nhóm hàng điện thoại, điện tử, kim khí điện máy… đang bán trên thị trường có khá nhiều nhãn hiệu do chính các doanh nghiệp trong nước xây dựng nên. Nhưng chẳng có mấy nhãn hiệu có tên “thuần Việt” mà toàn là tên giống Tây hoặc ít ra cũng na ná Nhật?

Tâm lý vọng hàng ngoại và những giá trị tinh thần (đã được xác lập như biểu tượng) từ những nhãn hiệu trên từng sản phẩm không còn là câu chuyện lạ với người tiêu dùng Việt. Việc “ăn theo” bằng cách đặt những nhãn hiệu có vỏ âm thanh na ná để tạo sự liên tưởng đến giá trị đã được xây dựng trong từng ngành hàng, nhóm hàng đang được nhiều nhà sản xuất trong nước khai thác triệt để.

“Ốc mượn hồn”

Nói đến hàng kim khí điện máy, điện tử…, những sản phẩm của Nhật luôn được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng vì độ bền và đẹp. Khai thác giá trị này, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đua nhau đặt tên “na ná” tiếng Nhật như Hitoshi, Fujiyama cho các sản phẩm điện gia dụng như máy xay sinh tố, máy giặt, quạt máy, bếp từ… Tìm trên mạng chỉ thấy Fujiyama có trụ sở tại Thẩm Quyến (Trung Quốc) chuyên sản xuất hàng điện tử nhóm nghe nhìn, điện thoại di động… Còn cái tên Hitoshi, chẳng thấy website nào. Chưa bàn đến chuyện chất lượng và tính hợp pháp của những nhãn hiệu đó, chỉ thấy việc đặt tên na ná như vậy là một chiêu thức tiếp thị sản phẩm có hiệu quả. Người tiêu dùng chỉ cần tinh ý một chút, cũng thấy rằng, hàng Nhật chính hãng cùng loại không hề có mức giá tương đương.

Tên Việt khó bán

Bà Hạ Đoan, một trong những người tham gia việc đặt tên cho nhãn hiệu điện thoại di động Q-Mobile (công ty ABTel) kể lại, ban đầu, những người tham gia đặt tên định đặt một tên “thuần Việt” nhưng sợ khó bán hàng. “Nếu đặt một cái tên Việt, liệu chúng tôi có còn tồn tại đến bây giờ hay không? Là doanh nghiệp, chúng tôi không cho phép mình phiêu lưu trong ngành hàng biến động mạnh mẽ như thế này”, bà Đoan chia sẻ.

Ông Ngô Nguyên Kha, phó tổng giám đốc P&T Mobile (chủ sở hữu nhãn hiệu điện thoại di động Mobistar) có một khảo sát bỏ túi: nhắc đến cà phê, người nước ngoài và giới trẻ chỉ biết đến cà phê Highlands mà quên mất cái tên Trung Nguyên mặc dù đây là thương hiệu có công rất lớn trong việc quảng bá cho cà phê Việt Nam trong gần 10 năm nay. Theo ông Kha, việc tìm kiếm một tên “ta” để đặt không quá khó nhưng việc đặt tên “ta” dễ làm người tiêu dùng nghĩ rằng, sản phẩm này không dành cho mình! “Việc đặt tên phải còn nghĩ tới ngày mai hội nhập với cộng đồng. Giả sử một ngày nào đó, những chiếc điện thoại này có mặt ở một quốc gia khác, người dân nước đó sẽ đọc nhãn hiệu tiếng Việt như thế nào? Tôi đặt tên Tây nhưng không hề giấu mình là chủ của nhãn hiệu điện thoại này”, ông Kha nói và không ngại tuyên bố sản phẩm của công ty ông là “điện thoại di động thương hiệu Việt”. Ông Nguyễn Huy Cần, phó giám đốc Tân Đồng Tâm, chủ sở hữu nhãn hiệu điện thoại di động ConnSpeed cũng tự hào: “Nếu chất lượng tốt, giá rẻ sẽ được người tiêu dùng đón nhận. Chúng tôi không hề có ý niệm tự ti khi phải đặt tên Tây xa lạ mà đó chỉ là chiêu thức bán hàng”.

Chủ một nhãn hiệu rất “Tây” trong nhóm hàng điện máy (đề nghị không nêu tên) cho rằng, không nên nhái na ná tên để “phỉnh” khách hàng, nếu có đặt thì đặt những tên chưa từng xuất hiện, mang giá trị trung hoà. “Tôi cũng đồng ý, nếu sản phẩm điện máy mà đặt tên Việt sẽ rất khó bán nếu không muốn nói là không thể bán được. Người tiêu dùng hiểu rằng, chúng ta chưa sản xuất gì được sao lại mang tên Việt?”, giám đốc doanh nghiệp này nhận xét.

Theo SGTT

Comments powered by CComment