Bí quyết: Khách hàng là ưu tiên số 1

Năm 1984, Jim Koch bỏ lại sau lưng sự nghiệp đang thành công tại Tập đoàn Tư vấn Boston để thành lập hãng bia Boston. Tại thời điểm đó, hãng bia nội địa Budweiser và bia nhập khẩu Heineken đang "làm mưa làm gió" trên thị trường Mỹ, nên ý tưởng này của ông bị xem là "điên rồ".

Nhưng với sản phẩm bia tươi nổi tiếng Samuel Adams Boston Lager, Jim Koch giờ đây là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong ngành công nghiệp sản xuất bia. Công ty của ông sản xuất khoảng 1% bia cho toàn nước Mỹ.

Jim Koch chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ trở thành một doanh nhân nhưng ông sớm nhận ra rằng mình không cảm thấy thoải mái với một công việc mà luôn luôn có một ông chủ "đứng sau lưng".

Với kinh nghiệm làm nhà tư vấn quản lý tại Tập đoàn Tư vấn Boston trong nhiều năm, ông đã tìm hiểu nhiều về kinh doanh và cảm thấy thích lĩnh vực này hơn là tiếp tục làm một nhà tư vấn quản lý trong suốt quãng đời còn lại.

doanh nhân, tỷ phú bia

Luôn chú trọng tính hiệu quả của hoạt động xã hội

Jim Koch luôn tin tưởng rằng ngoài việc "làm giàu" cho các cổ đông, một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững còn cần phải có trách nhiệm với cộng đồng.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện một số dự án thiện nguyện được cho là thành công, ông vẫn không hài lòng vì nhận thấy những dự án này chưa thực sự mang lại lợi ích lâu dài.

Nhớ đến giai đoạn đầu lập nghiệp, Jim Koch cho biết: "Khi bắt đầu cho ra đời thương hiệu bia Samuel Adams, tôi đã có bằng MBA và bằng Luật của Harvard cộng thêm kinh nghiệm gần 7 năm làm nhà tư vấn quản lý, nhưng tôi không biết cách thực hiện một cuộc gọi bán hàng, cách thiết kế ra một nhãn mác, cách thiết lập một bảng lương hay làm sao mang thương hiệu của mình đến được với khách hàng".

Và ông lập tức nghĩ rằng, trong khả năng của mình, Công ty bia Boston có thể mang đến những công cụ cần thiết nhất để giúp đỡ những doanh nhân trẻ.

Thế là vào năm 2008, ông quyết định cho ra đời chương trình "Ấp ủ giấc mơ Mỹ" (Brewing the American Dream) nhằm hỗ trợ nguồn vốn cũng như mang đến sự tự vấn hữu ích cho những "lính mới" trong lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát và dịch vụ nhà hàng - những thế mạnh của Công ty bia Boston.

Kể từ khi bắt đầu hoạt động đến nay, chương trình "Ấp ủ giấc mơ Mỹ" đã chắp cánh cho hơn 4.000 doanh nhân và kết hợp với tổ chức phi lợi nhuận Accion để cho vay số tiền lên đến 4 triệu USD. Tỷ lệ hoàn trả vốn vay là 98,1% trong thời gian trung bình từ 2 – 3 năm.

Tỷ phú khiêm nhường

Jim Koch không bao giờ nghĩ rằng mình đã làm được điều gì lớn lao cho ngành công nghiệp sản xuất bia, bởi vì "ngành này đã xuất hiện và phát triển đến 12.000 năm rồi, bất kể bạn làm được điều gì, đó cũng chỉ là góp thêm một viên gạch cho một bức tường lớn mà thôi".

Với tinh thần đó, Jim khá thản nhiên trước những thất bại thường xuyên xảy đến. "Không giống như việc làm ra một chiếc iPhone, chúng tôi phải làm ra đến 50 mẻ bia để có được một mẻ hoàn hảo đến tay người tiêu dùng. Điều này có nghĩa, để có được một lần thành công, chúng tôi phải thất bại đến 49 lần", Jim Koch nói.

Ngay cả việc chính thức trở thành tỷ phú vào năm 2013 xem ra cũng không phải là việc quá to tát với ông chủ hãng bia Boston. Đối với Jim Koch, việc này còn khá "buồn cười" vì "việc tôi là tỷ phú hay cựu tỷ phú hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào giá cổ phiếu lên hay xuống".

Jim đã học được cách bỏ qua tất cả những lo lắng về thăng trầm ngắn hạn của giá cổ phiếu, bởi vì điều ông quan tâm luôn là "sức khỏe" và tầm nhìn chiến lược dài hạn của công ty, về việc hãng Boston của ông sẽ phát triển như thế nào trong vòng 2 năm, 5 năm nữa...

"Khách hàng là thượng đế"

Jim đã từng nói: "Nếu bạn để mình bị lèo lái bởi những giá trị của Phố Wall thay vì nhu cầu của khách hàng, bạn sẽ phạm sai lầm lớn".

Khi chính thức phát hành cổ phiếu, hãng bia Boston bán cho khách hàng với giá 15 đô la/cổ phiếu nhưng bán cho các ngân hàng đầu tư và các tổ chức lớn với giá 20 đô la/cổ phiếu. Jim Koch cho biết, lúc đó ông từng bị người quản lý quỹ của một tổ chức khách hàng "nhiếc móc" rằng: "Anh biết đấy, chúng tôi mua rất nhiều cổ phiếu, chúng tôi xứng đáng được nhận mức giá thấp hơn, chứ không phải những người uống bia kia".

Jim Koch hỏi: "Anh có phải là người thích uống bia?", người quản lý quỹ trả lời: "Không, tôi thích uống rượu", và Jim Koch nói: "Vâng, đó chính là quan điểm của tôi. Tôi không cần anh. Tôi cần tất cả những khách hàng thích uống bia. Vì vậy, họ xứng đáng nhận mức giá thấp hơn, chứ không phải anh".

Có lẽ, chính nhờ theo triết lý "khách hàng là thượng đế" nên Công ty bia Boston đã lập kỷ lục vào năm 2014 khi đạt doanh thu 903 triệu đô la và bán được 4,1 triệu thùng bia và rượu táo cho 50 tiểu bang ở Mỹ và 30 quốc gia, theo số liệu từ Business Insider.

Jim Koch – nhà đồng sáng lập, Chủ tịch hãng bia Boston năm nay 66 tuổi, ông trở thành tỷ phú vào năm 2013.

Jim Koch tốt nghiệp Đại học Harvard (với văn bằng ngành Luật và bằng MBA). Trước khi sáng lập ra công ty bia Boston cùng với Rhonda Kallman vào năm 1984, Jim Koch từng làm việc 7 năm tại Tập đoàn Tư vấn Boston với vai trò nhà tư vấn quản lý.

Công ty bia Boston của ông với sản phẩm chủ lực là bia tươi Samuel Adams Boston Lager chính thức được ra mắt vào năm 1995 và bắt đầu thực hiện chương trình hỗ trợ các doanh nhân trẻ mang tên "Ấp ủ giấc mơ Mỹ" (Brewing the American Dream) vào năm 2008.

BÍCH TRÂM/DNSG

Comments powered by CComment