Hỏi sếp VCCorp tất tần tật về kinh doanh

"Câu trả lời của tôi có thể đúng, có thể sai, có thể dùng được có thể không dùng được nhưng hy vọng nó sẽ hữu ích cho một ai đó".
Mới đây, anh Nguyễn Thế Tân, Phó Tổng giám đốc VCCorp đã đăng đàn trên mạng xã hội Linkhay, sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi liên quan tới phát triển kinh doanh.

Theo anh Tân, "câu trả lời của tôi có thể đúng, có thể sai, có thể dùng được có thể không dùng được nhưng hy vọng nó sẽ hữu ích cho một ai đó".

doanh nhân

Chúng tôi xin trích đăng một số phần hỏi đáp thú vị đã được thực hiện.

Vậy, theo anh 1 startup nên cần đầu tư vào giai đoạn nào là tốt nhất, từ lúc tự nuôi mình ổn hay là lúc cần mở rộng?

Nhận đầu tư càng sớm thì bạn sẽ càng gặp vướng với nhà đầu tư hơn. Lời khuyên của tôi là lùi việc nhận đầu tư lại muộn nhất khi còn có thể, tốt nhất là vào giai đoạn cần mở rộng, hoặc vào giai đoạn không nhận đầu tư thì sẽ tụt hậu.

Nhưng đầu tư kiểu gì thì nên chọn nhà đầu tư càng ít can thiệp càng tốt, càng nhìn xa càng tốt, càng keo kiệt càng tốt, hoặc ít nhất là phải rất hiểu và tôn trọng mình.

Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế của anh về vấn đề gọi vốn được không?

Về gọi vốn thì chủ yếu anh Thắng (anh Vương Vũ Thắng, Tổng giám đốc VCCorp - PV) làm, ngay cả bây giờ cũng vậy, tôi ít làm việc với nhà đầu tư mà tập trung vào các vấn đề chuyên môn và công việc cụ thể hơn. Nhưng thực tế về sau này của gọi vốn là người ta cứ tìm đến mình chứ không phải ngược lại, nên tôi khó có lời khuyên cho các bạn đi tìm nhà đầu tư là tìm ở đâu.

Lấy tiền của người khác luôn có cái giá của nó, tôi cho là nên tự lực tối đa nếu có thể tự lực được, vốn dùng để mở rộng cái đã được chứng minh là có thể thành công thì hiệu quả hơn là vốn để làm mới.

 Người ta thường nói "Phi thương bất phú", theo anh muốn bước chân vào lĩnh vực kinh doanh cần phải làm những gì?

Nguyên lý cơ bản trong lựa chọn lĩnh vực kinh doanh là nếu bạn đâm đầu vào một thị trường mà quá nhiều người tham gia kinh doanh, quá dễ tham gia thì bạn sẽ rất khó thành công, càng dễ làm càng khó ăn. Bởi vì dễ làm thì ai cũng làm được, và dù giỏi tới đâu thì tất cả sẽ cạnh tranh nhau tới chết. Như vậy, nếu bạn quyết định tham gia thì phải cân nhắc kỹ xem liệu bạn có thắng lợi được không.

Nguyên lý tiếp theo là nếu muốn thắng trong thị trường có nhiều sự cạnh tranh, hoặc bạn phải có một đam mê sâu sắc và một ý chí mạnh mẽ, hoặc bạn phải phải có một lợi thế riêng biệt, dài hạn, không ai có được, không ai bắt chước được, hoặc cực kỳ khó và tốn kém để bắt chước và theo đuổi.

Đam mê thì khỏi nói, người đam mê sâu sắc dù làm gì hoặc việc khó tới đâu cũng có khả năng tạo nên các điều kỳ diệu. Tuy nhiên nếu bạn có đam mê thì có thể lựa chọn đặt đam mê của bạn vào những thứ dễ ăn hơn, không dứt khoát cứ phải đam mê những thứ quá khó.

Trường hợp thứ hai là bạn tìm ra một lợi thế riêng biệt, dài hạn mà chỉ riêng bạn có, và có lẽ bạn nên tự tìm ra điều đó.

Khi bắt đầu một mô hình kinh doanh, các anh giải quyết câu chuyện con gà, quả trứng như thế nào?

Tôi là dân sản phẩm, luôn đặt sản phẩm lên đầu. Hơi cực đoan nhưng quan niệm của mình là sản phẩm tốt thì khách hàng tự tới.

Tôi có một công ty kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ. Đứng trên góc nhìn của một khách hàng, anh có thể cho một vài lời khuyên về lĩnh vực này được không?

Đối với tôi, chuyên môn luôn là yếu tố hàng đầu. Nếu chuyên môn không vững thì không còn gì để nói hết.

Với một công ty dịch vụ như của bạn thì khách hàng cũ chính là "nhân viên marketing" quan trọng nhất, họ sẽ tích cực giới thiệu bạn với người khác nếu họ hài lòng với sản phẩm của bạn hoặc họ sẽ tích cực chê bạn khi không hài lòng với sản phẩm của bạn.

- Một công ty dịch vụ có sản phẩm tốt tới đâu mà dịch vụ tồi chắc chắn sẽ thất bại. Vì vậy ngoài việc có được sản phẩm tốt, đẹp rẻ cho khách hàng thì điều bạn cần quan tâm là khách hàng đang nghĩ gì về dịch vụ của bạn, tìm cách cải thiện nó càng cao càng tốt.

- Làm dịch vụ thì có rất nhiều điều để cải thiện nhưng nên nhớ 2 từ quan trọng nhất: "thái độ" và "luôn sẵn sàng". "Thái độ" có lẽ ai cũng hiểu, còn "luôn sẵn sàng" khó hiểu hơn, nhưng đại ý nó là khi khách hàng cần là bạn có ngay. Khách cần báo giá chỉ lúc sau là có, khách cần thiết kế gấp thì đừng để khách chờ (hiện có công ty đang để tôi phải chờ 3 tháng), khách gặp sự cố thì nhân viên có thể giải quyết được ngay, hoặc có thể gọi ngay cho lãnh đạo để có trả lời cho khách,...

Ví dụ như bên tôi làm quảng cáo, kể cả 12h đêm khách hàng gọi thì sáng hôm sau vẫn có thể chạy quảng cáo được.

Theo anh doanh nghiệp Việt có thể tận dụng Facebook ở điểm gì để phát triển kinh doanh?

Cá nhân nhỏ lẻ bán hàng có thể tận dụng Facebook rất tốt, còn doanh nghiệp quy mô lớn hơn hầu như khó khai thác Facebook vào hoạt động kinh doanh (ngoại trừ bỏ tiền mua quảng cáo).

Sau này nếu FBM for business phát triển thì có thể sẽ khác. Hiện nay, chúng tôi là công ty chuyên online nhưng khai thác Facebook cũng chủ yếu là mua quảng cáo, những cái khác rất khó.

Thế còn về vấn đề nhân sự thì sao thưa anh?

Tôi đã rút được một kinh nghiệm là khi mình kỳ vọng và tin tưởng rằng "người ta sẽ tốt, người ta sẽ giỏi" thì thực tế là người ta sẽ thay đổi, trở lên tốt và giỏi hơn so với hiện tại rất nhiều. Không ít người nhờ vào điều này mà phát triển một cách thần kỳ.

Từ đó lại sinh ra cái văn hóa của VCCorp là "văn hóa tạm ứng niềm tin". Hơi ngược với văn hóa một số chỗ khác là đòi hỏi chứng minh trước, giao phó sau. Nếu thấy anh có tiềm năng, tôi sẽ đặt niềm tin và giao phó cho anh mọi thứ trước để anh chủ động phát triển và chăm lo cho công việc, nhưng sẽ chỉ là "tạm ứng" thôi vì nếu anh không đáp ứng được thì sẽ phải thay đổi.

Có lẽ yếu tố quan trọng nhất giúp chúng tôi phát triển chính là việc này, tạo ra điều kiện và động lực để rất nhiều người tham gia đóng góp, phát huy, phát triển thay vì dựa trên một vài cái đầu giỏi và số đông thừa hành.

Nếu một số nhân sự quan trọng của nhóm có ý định ra đi, trong khi rất khó để thay thế thì anh sẽ cố giữ lại hay ráng tìm người mới thay thế?

Ưu tiên số một luôn là tìm cách giữ lại, dù người quan trọng hay không. Chúng tôi thường giải quyết bằng cách trao đổi thẳng thắng với nhau xem vấn đề ở đâu, tìm cách giải quyết nó nếu có thể.

Mỗi người mỗi khác, nhưng thường thì nếu được tôn trọng, tin cậy và cảm thấy mọi sự công bằng thì người ta ít ra đi. Văn hóa "tạm ứng niềm tin" của VCCorp cũng khiến nhiều người ít nghĩ tới việc ra đi hơn.

Để gây dựng, điều hành một cty/tổ chức lớn, các khóa học như MBA có phải là phù hợp?

Kiến thức tôi học ở Nga là Toán và Lý, nó giúp phần xây dựng đầu óc của tôi và hình thành nên con người, chứ có lẽ không trực tiếp tác động tới công việc ở VCCorp. Kiến thức tôi học từ chương trình MPA của Bỉ (tương tự như MBA nhưng là quản lý công chứ không phải quản lý doanh nghiêp) cũng không liên quan trực tiếp, nhưng nó "kích thích sự quan tâm" về các vấn đề kinh tế, tài chính, doanh nghiệp, đặt các bước đi đầu tiên, xác lập các khái niệm đầu tiên trong tôi về kinh doanh.

Tôi nghĩ là mọi khóa học đều có tác dụng tốt nếu bạn làm công ty, nếu có điều kiện thì nên tham gia. Tuy nhiên điều cần cân nhắc khi tham gia là liệu bạn có học được gì không, liệu bạn có bỏ sức để học không. Học thường rất nhàm chán nên hoặc bạn phải có được kỷ luật sắt, hoặc bạn phải thật sự hứng thú với các chương trình này. Thường các khóa học ngắn 4-8 buổi theo các chủ đề bạn quan tâm sẽ tạo hứng thú hơn.

Tuy nhiên học gì thì học nên nhớ là kiến thức chỉ là để tham khảo thôi, chỉ có câu trả lời của thực tiễn mới quyết định sự đúng sai.

Trước đây, có một thời gian rất dài tôi dịch sách để kiếm tiền ăn nên cũng là một cơ hội đọc sách, thời đó dịch rẻ mạt lắm và lại rất nhàm chán, nếu không vì muốn đọc các quyển sách đó có lẽ tôi đã không làm công việc dịch. Ngoài ra có rất nhiều kiến thức khác mình thâu lượm trong thực tế làm việc, trong giao tiếp với người khác, trong đọc báo.

Nếu bạn luyện được thói quen là luôn tìm được cái hay để học trong bất kỳ sự việc gì thì có lẽ kiến thức của bạn sẽ phát triển rất nhanh.

Tên 3 cuốn sách đã từng đọc mà anh cảm thấy nó giúp ích cho công việc hiện tại của mình nhất?

Quyển quan trọng nhất với tôi có lẽ là "Seven Habits of highly effective people", nó vừa là quyển sách lối sống, thái độ, vừa vẫn là quyển áp dụng rất mạnh vào thực tế sau mấy chục năm làm việc, nó như một quyển sách định hình lối sống và làm việc của tôi. Ngoài ra còn mấy quyển khác như:

- Bộ sách cạnh tranh của Michael Porter giúp hiểu về cạnh tranh và kinh doanh ở mức vĩ mô.

- Quyển Blue Ocean cũng về cạnh tranh nhưng ở góc độ người phát triển kinh doanh và làm sản phẩm.

- Quyển Innovation Work nói về sáng tạo chuyên dùng cho các suy nghĩ định hướng lâu dài trong phát triển sản phẩm.

Thái Nam

Theo Trí Thức Trẻ

Comments powered by CComment