Hàng giả - cuộc chiến toàn cầu

Năm 2010, trong nội dung tổng kết việc thực hiện chỉ thị về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, Chính phủ đã đánh giá rất cao những nỗ lực của các lực lượng thực thi điều tra, đấu tranh, bắt giữ và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

hanggiaBên cạnh đó, việc thực hiện có hiệu quả công tác bảo hộ quyền SHTT đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và các chủ sở hữu quyền, đồng thời đã đem lại những kết quả tích cực, giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng, góp phần xây dựng và phát triển một môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo môi trường đầu tư có sức hút lớn.

Tuy nhiên, nạn làm hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT vẫn còn phổ biến trên thị trường đang là một thách thức lớn đối với lực lượng thực thi vì hàng giả không chỉ nằm trong phạm vi quốc gia, mà có tính toàn cầu và sản phẩm rất đa dạng, từ thiết bị cứu hỏa đến thiết bị an toàn trong lĩnh vực nguyên tử hay thiết bị laser phẫu thuật mắt…

Theo thống kê, trong mười năm gần đây, lực lượng quản lý thị trường trong cả nước đã xử lý hơn 102 ngàn vụ làm hàng giả, vi phạm quyền SHTT. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính vượt hơn 124 tỉ đồng, riêng ngành hải quan xử lý gần 200 vụ xuất nhập khẩu hàng giả hoặc hàng hóa vi phạm quyền SHTT.

Cục Cảnh sát kinh tế đã phát hiện và điều tra 2.615 vụ, trong đó đã khởi tố 426 vụ liên quan đến 607 đối tượng, xử lý hành chính 2.205 vụ. Việc cung cấp, chia sẻ thông tin phân biệt hàng thật - hàng giả cũng như các thông tin về hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát các hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa và dịch vụ có liên quan tới quyền SHTT, làm cơ sở cho việc phát hiện và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm.

Phân biệt hàng thật - hàng giả

Hàng giả ngày càng tinh vi, thậm chí có hàng giả còn có bề ngoài đẹp hơn hàng thật, chỉ khác hàng thật ở những chi tiết rất nhỏ trên nhãn sản phẩm. Có cả hàng giả chất lượng cao với những dấu hiệu khó nhận biết, ví dụ như kích cỡ chữ chỉ có chút khác biệt, phải có mẫu so sánh mới nhận biết được.

Đối với hàng kém chất lượng thì dễ nhận ra hơn bởi những dấu hiệu in ấn nhòe, nhạt, sản phẩm cũng xấu hơn, có lỗi chính tả trên nhãn sản phẩm hay catalogue…

Có những doanh nghiệp đã quyết liệt chống hàng giả như Johnson & Johnson (J&J). Sản phẩm của J&J đã bị làm giả hoặc có nhiều loại hóa mỹ phẩm, bàn chải răng, băng cá nhân, băng vệ sinh phụ nữ giả gắn nhãn J&J. Năm 2007, J&J đã nhận được giải thưởng về chống hàng giả trên phạm vi toàn cầu.

Hiện nay, hàng do Phillips sản xuất có mặt khắp nơi trên thế giới và tình hình làm giả hàng Phillips cũng rất nghiêm trọng. Trong hai năm 2005-2006, việc phát hiện vỏ đèn giả của Phillips được bình chọn là vụ bắt giữ hàng giả điển hình ở Trung Quốc.

Những chi tiết như chữ in trên sản phẩm không cân đối hay tạo ra dấu hiệu nhầm lẫn chứng tỏ đó là hàng giả. Vừa qua, hải quan Trung Quốc đã phát hiện một loại máy cạo râu Phillips giả có dòng chữ “Sử dụng dao của hãng Phillips” (đây là chiêu đánh lừa người tiêu dùng). Phillips không sản xuất máy cạo râu có bốn lưỡi dao nhưng trên thị trường vẫn có loại này thì đích thực đó là hàng giả. Có khá nhiều nhãn hiệu nhái như PHILIBS, PHELLIPS, PHILIPES, PLIPHS, PIHLLPS gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng.

Có tiến bộ trong phòng chống hàng giả, nhưng cần quyết liệt hơn

Thời gian qua, Louis Vuitton là thương hiệu đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam làm tốt chương trình chống hàng giả tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, tại chợ Bến Thành không còn hàng Louis Vuitton giả. Hàng Louis Vuitton tại Việt Nam được nhập khẩu từ Singapore.

Tại Hàn Quốc, ngày 20/9/2010, có 22.000 sản phẩm Louis Vuitton giả được sản xuất tại Trung Quốc bị thu giữ trong quá trình chuẩn bị đưa vào Mỹ. Nhãn được dán tại Hàn Quốc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là hàng sản xuất tại nước này. Hàng giả làm tại Hàn Quốc bán tại Mỹ với giá 200-300 USD, thế nhưng tại “cố quốc” thì giá chỉ 100 USD.

Để phân biệt hàng giả, Adidas không ghi “XXL” mà ghi là “2XL”. Sản phẩm Adidas làm bằng một loại keo dán nhiệt đặc biệt. Hàng giả thường làm bằng keo dán rẻ tiền nên bị lem, nhòe, hoen, bẩn…

Tem chống hàng giả của Adidas có ba loại dành cho giày, quần áo thể thao, các phụ kiện thể thao khác. Mã bảo vệ tem được làm bằng chất liệu đặc biệt không thể nhìn thấy bằng mắt thường, mà phải qua máy soi. Đặc biệt, trên nhãn sản phẩm (tem chống hàng giả) của Adidas luôn có 13 chữ và số (cả ký tự lẫn con số). Nếu dãy số vượt 13 chữ và số thì ắt là hàng giả.

Tại Việt Nam, Nivea có những sản phẩm chăm sóc da mặt, sữa rửa mặt, dưỡng thể, dưỡng da, khử mùi, dưỡng môi, chống nắng, chăm sóc da cho nam, nhưng không có sữa tắm hay các sản phẩm liên quan đến tóc, nếu có thì chắc chắn đó là hàng giả. Việt Nam không sản xuất sản phẩm của Nivea, mà nhập khẩu từ Thái Lan.

Điện thoại di động Nokia thật chỉ có một sim nên nếu máy Nokia có ngăn chứa bộ đôi SIM card thì đó là hàng giả. Tem holograms gắn trên sản phẩm phụ kiện của Nokia có độ phản quang cao, còn tem gắn trên hàng giả có độ phản quang thấp, logo mờ, sai lỗi chính tả... Số Imei ngăn chứa pin và trên hộp phải trùng nhau, mỗi sản phẩm có một số Imei riêng…

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm có hơn 200 ngàn người sử dụng thuốc chữa bệnh giả. Đôi khi để phân biệt hàng giả và hàng thật, chỉ cần chú ý đến chi tiết rất nhỏ, chẳng hạn con số 300C (trên hàng giả, con số chỉ độ nằm hơi thấp bên dưới).

Thuốc là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nên cần bao bì được làm kỹ lưỡng. Thuốc thật có bao bì tốt, ghi rõ hạn sử dụng, số lượng, nước sản xuất và nơi đến, số hiệu lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, chi tiết về số lô của sản phẩm… Tất nhiên, tên nhà sản xuất được in trang trọng trên sản phẩm.

Có thể thấy rằng hàng giả xuất hiện không chỉ ở các nước kém phát triển, mà ở cả những nước công nghiệp phát triển. Thói quen xài hàng giả, hàng nhái không chỉ do giá bán rẻ, mà còn do người tiêu dùng không biết được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật.

Chống hàng giả là một cuộc chiến âm thầm, bền bỉ, kéo dài và tốn khá nhiều công sức, tiền của trên phạm vi toàn cầu. Nếu có bọn làm hàng giả nghiên cứu hàng thật thì người làm hàng thật cũng phải nghiên cứu hàng giả và luôn có biện pháp thay đổi dấu hiệu nhận biết sản phẩm.

Trong công cuộc đấu tranh chống hàng giả, các doanh nghiệp không chỉ cần có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, mà còn cần cả sự hợp tác của người tiêu dùng thông qua những chương trình hội thảo về phân biệt hàng thật - hàng giả, có chế độ khen thưởng người tiêu dùng khi phát hiện ra hàng giả. Mặt khác, Nhà nước cũng nên tăng mức độ xử lý vi phạm để có đủ sức răn đe những kẻ làm hàng giả.

Theo www.marketingchienluoc.com (KIM DUY)

Comments powered by CComment