Hàng nội và tư duy tiểu nông

 

Câu chuyện từ mũ bảo hiểm Dulex là một ví dụ. Thị trường mũ bảo hiểm nước ta tràn ngập các sản phẩm Trung Quốc, giá rẻ chỉ vài chục ngàn đồng/cái, lại thời trang. Trong khi đó các doanh nghiệp trong nước hầu như không có thương hiệu thực sự nổi trội.

 

Nhìn theo tư duy thị trường, để người Việt dùng và yêu hàng Việt không hề đơn giản. Với một khoản tiền chi ra, người tiêu dùng có quyền chọn lựa sản phẩm họ mua ở mức độ hài lòng nhất.

Vì sao họ ít chọn hàng Việt? Cách nào để người tiêu dùng yêu hàng Việt tự nguyện, mà không phải là yêu bằng khẩu hiệu?

 

Câu chuyện từ mũ bảo hiểm Dulex là một ví dụ. Thị trường mũ bảo hiểm nước ta tràn ngập các sản phẩm Trung Quốc, giá rẻ chỉ vài chục ngàn đồng/cái, lại thời trang. Trong khi đó các doanh nghiệp trong nước hầu như không có thương hiệu thực sự nổi trội.

 

Với quyết tâm “đánh” thị trường nội, Dulex chọn con đường đi riêng bằng cách định vị thương hiệu và có phân khúc thị trường rõ ràng.

 

Dulex xác định mũ bảo hiểm không chỉ đơn thuần là vật bảo vệ cần thiết cho người đi xe máy mà nó cần phải trở thành một phụ kiện thời trang cho giới trẻ thành thị. Từ đó, sản phẩm tập trung vào phân khúc mũ bảo hiểm thời trang, bên cạnh việc đảm bảo các tiêu chuẩn, quy cách theo yêu cầu kỹ thuật. Sản phẩm thay đổi với màu sắc bắt mắt, hoạ tiết tươi trẻ. Người đại diện cho sản phẩm là nghệ sĩ hài Xuân Bắc với chương trình “Color your life – Sắc màu cuộc sống”.

 

 

Cùng với việc định vị lại sản phẩm, Dulex là thương hiệu mũ bảo hiểm đầu tiên dán tem bảo hành và hướng dẫn sử dụng trên từng chiếc mũ. Điều này thể hiện cam kết của nhà sản xuất cho từng sản phẩm, tới từng người tiêu dùng.

 

Cộng thêm các chính sách kích thích các đại lý, chỉ trong ba tháng qua, doanh số của công ty đã tăng gấp hơn ba lần với hơn 1.000 điểm bán hàng tại gần 30 tỉnh, thành phố. Hiện tại, Dulex đang mua thêm một nhà máy tại miền Trung để tiếp tục con đường “chiến đấu với hàng ngoại”.

Các giải pháp mà Dulex đã thực hiện không khó nhưng không nhiều doanh nghiệp nội nhìn ra con đường và có các giải pháp phù hợp cho sản phẩm của mình. Điều này được ông Ngô Trọng Thanh, một chuyên gia marketing hàng đầu nước ta với kinh nghiệm tư vấn cho nhiều doanh nghiệp Việt phân tích, đó là quá trình nhà sản xuất bước qua tư duy tiểu nông để có được tư duy như một doanh nhân thực thụ. Không nhiều doanh nghiệp Việt đã thổi được tư duy doanh nhân vào những gì họ đang sản xuất ra.

Kiểu tư duy phổ biến hiện nay của nhà sản xuất nội thường là: “tôi thích là khách hàng thích” với những sản phẩm ít được cải tiến

Hiểu được người tiêu dùng là một chìa khoá quan trọng, nhưng hiểu như thế nào thì không nhiều người biết. Các nhãn hàng đa quốc gia hiểu điều này nhất, bởi vậy chỉ một sản phẩm nhưng được cải tiến theo chu kỳ. Là dầu gội Sunsilk nhưng nay là Sunsilk bạc hà, mai là Sunsilk bồ kết. Trong khi đó kiểu tư duy phổ biến hiện nay của nhà sản xuất nội thường là: “tôi thích là khách hàng thích” với những sản phẩm ít được cải tiến và không thay đổi nhiều.

“Chúng ta có nhiều sản phẩm, nhưng ít hàng hoá”, ông Thanh nói. Bất kỳ một nhà sản xuất nào cũng có thể cho ra đời một sản phẩm, nhưng để sản phẩm trở thành hàng hoá nhà sản xuất phải bảo đảm chất lượng đến tận tay người tiêu dùng và trách nhiệm ở các dịch vụ sau bán hàng. Nhà sản xuất cần tuân thủ chất lượng theo các tiêu chuẩn chung không chỉ cho một lô hàng mà mọi lô hàng.

 

Thậm chí, uy tín là việc cần được xây dựng cả đời. Hiểu người tiêu dùng với nhu cầu luôn luôn biến động và thoả mãn nhu cầu của họ là cách để nhà sản xuất kéo người tiêu dùng lại với mình.

Nhưng cách nhiều doanh nghiệp Việt hiện đang làm thì khác. Nhà sản xuất chỉ có trách nhiệm với sản phẩm của mình trong phạm vi nhà xưởng, hoặc xa nhất là trách nhiệm với các nhà buôn. Khi hàng ra khỏi kho, trách nhiệm dừng lại.
 
Sữa nghèo đạm, sữa bột pha loãng gọi thành sữa tươi là câu chuyện tiêu biểu cho cách hành xử này. Nhà sản xuất luôn tự xoa tay tự khen chất lượng của mình trong khi đúng ra, người khen phải là khách hàng mục tiêu của sản phẩm đó.

Nhiều doanh nghiệp hiện thời đang kêu gọi các chính sách hỗ trợ từ nhiều phía để đẩy mạnh việc tiêu dùng hàng nội. Điều đó cần thiết nhưng chưa đủ. Sự tác động bên ngoài chỉ có giá trị như một giải pháp nhất thời. Sản phẩm có thể cần đến bên thứ ba chứng nhận chất lượng nhưng lâu dài và căn bản vẫn phải là sự thay đổi trong tư duy của nhà sản xuất với cam kết đến cùng với chính chất lượng của từng sản phẩm mình đã sản xuất ra.

Yêu hàng nội, nhưng để yêu một cách tự nguyện và biến đó thành xu hướng tiêu dùng thì rất cần sự thay đổi tư duy từ chính các doanh nghiệp Việt.

Theo SGTT

Comments powered by CComment