Marketing dành cho truyền thông

Có một kinh nghiệm marketing dành cho truyền thông mà (đáng tiếc) rất nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng: Mỗi phương tiện truyền thông đều có tính độc nhất. Thông điệp marketing cần phải được thiết kế riêng biệt phù hợp với từng loại hình truyền thông khác nhau.

Đây là một quy luật truyền thông thiết yếu nhưng dường như không mấy được quan tâm. Người ta vẫn dựa vào những thành công đã có của những phương tiện truyền thông cũ để áp dụng lên những phương tiện truyền thông mới.

Những chuyên mục báo chí ăn khách được biến thành show phát thanh. Chuyên mục phát thanh thành công được biến thành show truyền hình.

Báo giấy thành công được biến thành báo mạng... Liệu rằng khi thay đổi phương tiện truyền thông, những thứ ăn khách có còn giữ được phong độ? Sự thật có thể sẽ làm nhiều người thất vọng. 

internet marketing

Phương tiện truyền thông khác biệt đòi hỏi sản phẩm truyền thông khác biệt

Dường như tất cả các tờ báo/tạp chí giấy thành công bậc nhất thế giới đều đã nhảy vào lĩnh vực báo điện tử.

BusinessWeek có trang Businessweek. com, Fortune có trang Fortune.com, Fobes có trang Fobes.com, NY Times có NYTimes.com v.v...Trong trào lưu này, hàng loạt trang báo giấy của nước ta cũng ra mắt các trang báo điện tử. Quay trở lại trường hợp của NYTimes. com. Không thể phủ nhận, New York Times là một trong những tờ báo quyền lực và uy tín bậc nhất thế giới. Tuy nhiên phiên bản điện tử NYTimes.com thì sao?

Mặc dù là một trong những tờ báo đầu tiên cho ra mắt phiên bản điện tử (đến nay NYTimes.com đã có 16 năm lịch sử), NYTimes.com vẫn là một nỗi thất vọng lớn xét về mặt kinh doanh. Năm 2007, doanh thu của NYTimes.com là 27,6 triệu USD. Năm 2008, The New York Times lỗ ròng tới 350.000 USD. Và vết trượt đó kéo dài tới tận ngày nay. AT&T cũng từng cho ra chương trình truyền hình dành riêng cho điện thoại di động, nhưng rồi kế hoạch đó cũng sớm phải hủy bỏ. Tại Việt Nam, những “ngôi sao báo giấy” như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong v.v... đều không thể vượt qua được VnExpress, Dân Trí v.v... Những tờ báo/tạp chí kinh doanh hàng đầu cũng không vượt qua được CafeF.vn... 

Môi trường Internet là cơ hội và cũng là kẻ hủy diệt

Bạn cũng không phải ngạc nhiên bởi sức mạnh trên lãnh địa khác không mấy phát huy trong môi trường Internet. Barnes&Noble sở hữu chuỗi cửa hàng sách và đồng thời là nhà xuất bản sách hùng mạnh nhất thế giới. Trong thời đại internet, Barnes&Noble cũng không phải là kẻ chậm chân với barnesandnoble.com.

Tuy nhiên, website này chẳng là gì so với đối thủ Amazon, một trang chuyên bán sách trên mạng. Ngoài ra, internet cũng có thể là một kẻ hủy diệt đối với những doanh nghiệp chỉ bám vào phương thức cũ. Encarta từng là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực Bách khoa Toàn Thư. Khi thời đại số hóa ra đời, Encarta vẫn giữ vững vị trí thống trị với những đĩa CD ROM. Nhưng trong môi trường internet, hàng thập kỷ kinh nghiệm thống trị trong lĩnh vực của mình cũng không giúp gì Encarta.

Giờ đây, mọi người đều vào trang Bách khoa toàn thư Wikipedia mà chẳng mấy ai quan tâm đến quá khứ hào hùng của Encarta.
Nói tóm lại, khi chuyển sang một phương tiện truyền thông mới mẻ, những sức mạnh có được từ phương tiện truyền thông cũ sẽ chẳng duy trì được bao nhiêu.

Internet Marketing: Chìa khóa vạn năng?

Với sự phát triển vũ bão của internet và mức độ xâm nhập ngày càng sâu của internet vào đời sống con người, rõ ràng truyền thông mạng xã hội là một kênh truyền dẫn thông tin không thể bỏ qua! 

Tuy nhiên, liệu truyền thông mạng xã hội có phải là chìa khóa vạn năng mở ra những chân trời mới đối với người làm marketing nói riêng và với doanh nghiệp nói chung? 

Trong một bài phỏng vấn vào năm 2012, marketing guru Jack Trout, một trong những cây đại thụ của làng marketing thế giới phát biểu: “Đối với tôi, marketing là một công cụ còn đang trong quá trình thử nghiệm và hiệu quả đến đâu thì còn phải chờ xem”. Đồng tác giả với Jack Trout, một marketing guru khác là Al Ries thì phát biểu trên tờ Advertising Age: “Truyền thông mạng xã hội chưa bao giờ và không bao giờ là giải pháp”. Một trong những CEO kiêm marketer tài ba là Howard Schultz (trước khi trở thành CEO của Starbucks, Howard Schultz là CMO của thương hiệu này) phát biểu: “Tôi cho rằng truyền thông mạng xã hội là một trong những kênh thông tin cực kỳ quan trọng nhằm kết nối người tiêu dùng với doanh nghiệp”.

Dĩ nhiên, Facebook Fanpage của Starbucks cũng là một trong những fanpage doanh nghiệp có nhiều người hâm mộ lớn nhất thế giới.

Theo Group Quản Lý Doanh Nghiệp

Comments powered by CComment