Digital marketing: Ai đang chiếm ưu thế

Thị trường quảng cáo digital marketing (tiếp thị số) phát triển thần tốc trong giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên, phần lớn thị phần tại Việt Nam nằm trong tay những doanh nghiệp nước ngoài.

Bùng nổ digital marketing

Marketing là bộ phận không thể thiếu trong sự phát triển của một doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp được nhận dạng tốt hơn trên thị trường và để khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn. Trong đó, digital marketing ngày càng được sử dụng rộng rãi trên thế giới, thay thế một phần cho phương thức quảng cáo truyền thống qua truyền hình và báo in.

Thị trường quảng cáo digital marketing phát triển thần tốc trong giai đoạn 2010-2015. Dựa theo số liệu của Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robenny, doanh số toàn thị trường tăng từ khoảng 23 triệu USD vào năm 2010, dự kiến lên đến 300 triệu USD vào năm 2015. Theo nhận định của ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robenny, phụ trách thị trường châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, đây là dấu hiệu tốt cho thị trường Việt Nam và digital marketing hiện nay trở thành cách tiếp cận mới và hiệu quả cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ do chi phí đầu tư không cao. Với trên 2 tỷ người đang sử dụng mạng xã hội như Facebook, Twitter, tờ The Economist nhận định digital marketing sẽ là kênh quảng cáo chủ đạo trong thời gian sắp tới.

digital marketing2

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc Điều hành CTCP Quảng cáo Thông Minh (Clever Ads), dù tốc độ tăng trưởng đạt 80-100%/năm nhưng chi tiêu cho digital marketing vẫn còn khá khiêm tốn (chỉ chiếm dưới 10% với toàn bộ chi tiêu của thị trường quảng cáo).

“Với lợi thế về sự lan tỏa, hiệu quả quảng cáo được đo đếm chính xác, phản hồi nhanh và sự tương tác cao với khách hàng, chắc chắn digital marketing sẽ không nằm ngoài kế hoạch của bất kỳ doanh nghiệp nào trong thời gian tới. Tôi dự đoán đến năm 2020, digital marketing sẽ chiếm 18-20% tổng chi tiêu thị trường quảng cáo”, ông Trình nhận định.

Doanh nghiệp ngoại chiếm ưu thế

Tuy không có số liệu thống kê cụ thể, nhưng các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo đều cho biết doanh nghiệp ngoại đang nắm giữ lượng lớn thị phần, nổi bật là WPP Group (thành lập năm 1971 tại Anh); Omnicom (thành lập năm 1986 tại Mỹ) và Dentsu (thành lập năm 1901 tại Nhật Bản).

“Chắc chắn sẽ có thêm nhiều công ty nước ngoài, công ty đa quốc gia tham chiến tại thị trường Việt Nam. Lý do rất đơn giản, vì Việt Nam đầy tiềm năng và đang trên đà phát triển mạnh. Tuy nhiên, đây không phải đối tượng những khách hàng chúng tôi đang hướng đến. Làm hài lòng các khách hàng chúng tôi đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu, và những đối tác lớn sẽ tự động tìm đến chúng tôi”, ông Otohiko Kozutsumi, Giám đốc Hoạt động Công ty MicroAd Việt Nam (trụ sở chính tại Nhật Bản), đơn vị giữ 50% thị phần DSP (Demand Side Platform - hệ thống cho phép người mua quảng cáo trực tuyến quản lý nhiều tài khoản trao đổi quảng cáo và trao đổi dữ liệu thông qua một giao diện) tại Việt Nam và trên thế giới, cho biết.

Ông Robert Trần cũng nhìn nhận lợi thế của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ digital marketing là họ đã có uy tín từ lâu. Ngoài ra, các doanh nghiệp digital marketing ngoại phần lớn khi bước vào Việt Nam sẽ thực hiện các thương vụ M&A với những công ty cung cấp quảng cáo nội địa để rút ngắn thời gian. “Do đó, gọi là doanh nghiệp ngoại nhưng toàn bộ nhân sự thực hiện đa phần đều dùng người Việt nên họ có cả lợi thế khai thác cả lượng khách hàng nội địa”, ông Robert Trần cho biết.

digital marketing

Thị phần quảng cáo qua facebook tại Việt Nam (social media) tăng mạnh chỉ chưa đầy 5 năm. Nguồn: Robenny.

Doanh nghiệp nội thiếu gì?

“Ấn tượng ban đầu của tôi đối với thị trường digital marketing của Việt Nam khá tốt. Những người trong lĩnh vực này thích nghi khá nhanh với xu hướng như sử dụng công nghệ dynamic retargeting (phương pháp truyền tải thông điệp tới những người dùng đã có trong dữ liệu của công ty), Youtube True View và DSP”, ông Otohiko cho biết.

Tuy nhiên, ông Otohiko cũng cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang loay hoay tìm phương án, chiến lược phát triển cụ thể. “Những người làm marketing cần đặt ra một chỉ số KPI nhất định để đánh giá mức độ thành công của công việc mong muốn trước khi tiến hành bất kỳ chiến dịch nào. Khách hàng vẫn còn thích sử dụng flash, công nghệ tương đối lỗi thời chứ chưa chấp nhận thay đổi sang các mẫu quảng cáo bằng GIF hay JPG. Ngoài ra, các công ty xuất bản vẫn còn quá nhiều bộ phận quảng cáo”, ông nhận định.

Với các đơn vị lập nghiệp, ông Robert Trần chỉ rõ những rủi ro: “Do chi phí làm digital marketing không cao, người người, nhà nhà sẽ đổ xô sang lĩnh vực này. Một người chỉ biết chút ít về SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) cũng có thể cho mình là chuyên gia mà không chú ý đến việc xây dựng những chiến lược kinh doanh. Điều này có thể dẫn đến rối loạn thị trường”.

Dù có nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp nội hoạt động trong lĩnh vực digital marketing đã đạt những thành công đáng kể. Mới đây, Clever Ads đã công bố là đối tác thứ hai tại Việt Nam của Alibaba.com (sàn thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc) với nhiệm vụ chính là phân phối gói sản phẩm Gobal Gold Supplier (GGS).

Theo thỏa thuận hợp tác vừa ký kết, Alibaba sẽ không bán hàng trực tiếp mà mọi giao dịch với khách hàng sẽ thông qua Clever Ads.

Cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường quảng cáo, nhất là digital marketing sẽ ngày một khốc liệt khi lượng người dùng internet tại Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

digital marketing

Thị phần quảng cáo qua Internet trên thế giới tăng trưởng mạnh qua các năm (khoảng 26,3% mỗi năm).

Theo Người tiêu dùng

Không ghi tác giả

Comments powered by CComment