Thương hiệu doanh nghiệp hay sản phẩm

brands2(Marketingchienluoc.com) Xây dựng thương hiệu sản phẩm là hoạt động phổ biến trong marketing. Thương hiệu là lời hứa với khách hàng rằng sản phẩm vượt xa các sản phẩm khác về các lợi ích chức năng hay đặc tính kỹ thuật.

 

Khi bán một sản phẩm có thương hiệu, doanh nghiệp hứa hẹn rằng người tiêu dùng sẽ sử dụng sản phẩm với những tính năng đặc biệt và chất lượng vượt trội so với những sản phẩm tương tự không mang nhãn hiệu hoặc nhãn hiệu khác. Thông điệp các doanh nghiệp thường đưa ra là "khi sử dụng sản phẩm, bạn sẽ trở nên thu hút hơn, xinh đẹp hơn và đó là dấu hiệu bạn thuộc một tầng lớp xã hội cao hơn". Bằng cách sử dụng các sản phẩm có thương hiệu, người tiêu dùng có thể thể hiện phong cách sống của bản thân.

 

Xét theo khía cạnh khác, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp bao gồm các hoạt động liên quan tới việc sử dụng tên của doanh nghiệp như một thương hiệu sản phẩm. Đây là một cố gắng tận dụng tài sản thương hiệu của doanh nghiệp để tạo ra sự công nhận thương hiệu sản phẩm. Đây là một trong những cách xây dựng thương hiệu mẹ.

 

Martin Roll, tác giả của cuốn Asian Brand Strategy (Chiến lược thương hiệu châu Á): Làm thế nào để xây dựng một thương hiệu Châu Á lớn mạnh đã có cái nhìn thú vị về xây dựng thương hiệu doanh nghiệp:

 

Các phương pháp và công cụ sử dụng cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng được sử dụng cho việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Tuy nhiên việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp có liên quan tới vai trò của ban giám đốc nơi mà mối liên hệ với các bên liên quan như cổ đông, giới truyền thông, đối thủ cạnh tranh, chính phủ  có thể giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ một chiến lược thương hiệu mạnh và được quản lý tốt. Sẽ không có gì là ngạc nhiên khi một chiến lược xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mạnh và toàn diện đòi hỏi khả năng tập trung cao độ và sự cam kết từ các giám đốc điều hành, quản lý cấp cao để đạt được hiệu quả toàn diện và đạt được các mục tiêu đề ra.

 

Dưới đây là một số lợi ích của các chiến lược xây dựng thương hiệu doanh nghiệp:

 

  1. Thương hiệu của doanh nghiệp là bề mặt của chiến lược kinh doanh, vẽ ra chân dung những mục tiêu doanh nghiệp nhắm đến và hình ảnh mà doanh nghiệp muốn được biết đến trên thị trường. Nó định hướng các hoạt động chính của doanh nghiệp và tóm lược tầm nhìn, giá trị, tính cách, định vị và hình ảnh.
  2. Chiến lược xây dựng thương hiệu doanh nghiệp tạo ra sự đơn giản, nó đứng đầu tổ hợp thương hiệu  như là giá trị định danh căn bản của doanh nghiệp.
  3. Chiến lược xây dựng thương hiệu doanh nghiệp có thể đạt được yếu tố hiệu quả về ngân sách, trái ngược với chiến lược / mô hình xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm của doanh nghiệp khi thương hiệu doanh nghiệp không đóng vai trò quan trọng.

Một trong số các nhược điểm chính của chiến lược xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là sản phẩm có thể không được đầu tư một cách độc lập, do đó giảm sự tập trung xây dụng các đặc tính độc đáo của sản phẩm hoặc đôi khi tên doanh nghiệp có thể bị gắn cho là giống tên của một danh mục sản phẩm.

 

Có thể áp dụng 3 chiến lược sau để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp:

 

  • Doanh nghiệp có thể sử dụng các nhãn hiệu khác nhau cho các sản phẩm với chức năng độc lập và khác biệt với thương hiệu của doanh nghiệp. Ưu điểm của chiến lược này là sự linh hoạt. Các doanh nghiệp có thể xây dựng nhiều thương hiệu khác nhau cho nhiều phân khúc và các sản phẩm khác nhau. Nếu một thương hiệu bị vướng vào một vụ bê bối nó sẽ chỉ thiệt hại cho thương hiệu đó, và sẽ không ảnh hưởng đến các thương hiệu khác của doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu và hệ thống nhận diện cho một nhóm sản phẩm có những đặc điểm và tính chất chung. Ưu điểm của chiến lược này nằm ở mối liên hệ giữa các sản phẩm trong nhóm, chúng có thể thừa hưởng cùng một sự tín nhiệm với nhóm sản phẩm.
  • Doanh nghiệp có thể sử dụng một thương hiệu thống nhất với một hệ thống nhận diện thống nhất cho tất cả các sản phẩm. Điểm mạnh chiến lược này nằm ở tính đơn giản trong quản lý và tiềm năng phát triển. Điểm yếu là một khi xảy ra một vụ bê bối có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng tới giá trị thương hiệu, ngay cả những thương hiệu lớn.

 

Phạm Vũ Hoàng Quân dịch từ BrandXpress

Comments powered by CComment