Nghệ thuật tăng giá không gây sốc

Theo TBKTVN

Để đạt được mục tiêu lợi nhuận cao nhất, các nhà kinh doanh thường nghĩ tới chuyện tăng giá bán hàng. Nhưng tăng như thế nào để khách hàng vẫn chấp nhận, thậm chí không biết là cả một nghệ thuật.

Một trong những cách làm thành công nhất được nhiều doanh nhân áp dụng là tăng giá kết hợp với quảng cáo, tặng quà khuyến mại cho khách mua. Để người tiêu dùng không quá chú ý đến việc giá hàng hóa tăng thì không có gì tốt hơn là thu hút họ vào những thay đổi quà tặng hoặc thay đổi hình thức khuyến mại.


Một phương pháp đáng học tập là cách làm của Pizza Hut, chuyên cung cấp các loại bánh pizza đến tận nhà khách hàng. Doanh số của tập đoàn này đạt 400 triệu franc doanh số mỗi năm ở Pháp. Những tờ quảng cáo phát cho khách hàng trong một chiến dịch marketing không hề để lộ việc tăng giá (khoảng chừng 4-5%). Khách hàng chỉ biết, thay vì kèm theo một đồ uống miễn phí như lần trước là việc giảm giá 50% khi mua chiếc bánh pizza thứ hai.


Hay như một tập đoàn chuyên cung cấp sữa cho trẻ em đã khuyến mại kèm theo sản phẩm của mình bộ sưu tập đồ chơi nho nhỏ. Ngoài tác dụng giữ khách hàng cho những lần mua sau, các đồ chơi quà tặng trên đã có vai trò không nhỏ trong việc bớt quan tâm đến giá cả hàng hóa có bị tăng và tăng bao nhiêu so với trước.


Một hình thức khác để khách hàng khỏi chú ý tới giá hàng tăng là tặng một sản phẩm dịch vụ kèm theo. Các mặt hàng xe cộ, hàng điện gia dụng như máy giặt, điều hòa, thường sẽ được tặng dịch vụ bảo dưỡng miễn phí chẳng hạn. Kể cả những mặt hàng nhỏ hơn như kính đeo mắt cũng được Tập đoàn Pielmann tặng kèm theo dịch vụ bảo dưỡng kính và đo thị lực miễn phí. Các dịch vụ miễn phí kèm theo này dù có thể không làm khách hàng quên hẳn giá cả được tăng nhưng chí ít ra cũng không thấy có gì đáng phàn nàn, chê trách để bỏ đi mua hàng chỗ khác.


Ngay việc niêm yết giá cũng cần phải có mẹo để khách không bị sốc khi giá tăng. Ví dụ như niêm yết giá chưa thuế VAT, thậm chí trong các nhà hàng, khách sạn người ta còn niêm yết giá chưa cộng giá dịch vụ. Dùng mẹo này thì người tiêu dùng có thể lẫn lộn chưa xác định được đâu là giá niêm yết và giá họ sẽ thực phải trả. Do đó khi so sánh với giá mới khác, khách hàng vẫn có thể nhầm lẫn giữa giá này giá kia, khiến việc tăng giá không gây ấn tượng mạnh.

Comments powered by CComment