10 quy tắc kinh doanh bạn không nên tuân thủ trong thời suy thoái

quytacThị trường bất ổn định khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào “kinh doanh an toàn.” Nhưng nếu cứ cứng nhắc tuân theo các thông lệ truyền thống, con đường họ đi có thể còn nguy hiểm hơn nhiều.

Với vai trò CEO của Beryl, công ty quản lý tương tác bệnh nhân cho các bệnh viện, tôi thấy Beryl có một nền văn hóa doanh nghiệp đặc biệt, dẫn đến tốc độ thay thế nhân công rất thấp và nhân viên đặc biệt gắn bó với công ty, những người làm dịch vụ khách hàng rất giỏi. Nhờ đó mà khách hàng luôn trung thành với công ty và giúp công ty không ngừng phát triển. Chúng tôi đã nhiều lần thách thức các thông lệ truyền thống để, bằng mọi giá, bảo vệ văn hóa doanh nghiệp của chính mình. Và chúng tôi chưa từng hối hận.

Dưới đây là 10 thông lệ truyền thống mà Beryl đã lờ đi trong những năm kinh tế khó khăn này:

1. Nguồn vốn bên ngoài là cần thiết

Tháng 1/2000, tôi đã ký duyệt ý định bán một phần công ty mình cho một công ty vốn tư nhân khác. Nhưng đến phút cuối, tôi lại phá vỡ thỏa thuận đó bởi chợt nhận ra rằng, đưa về một đối tác tài chính vì hiệu quả tài chính ngắn hạn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa doanh nghiệp – yếu tố cốt yếu dẫn đến thành công của công ty.

2. Không bao giờ từ bỏ 1 khách hàng

Những khách hàng tầm cỡ sẽ đặt nhân viên của chúng ta vào vị trí có thể khiến họ phải phá vỡ các giá trị cốt lõi của mình. Trong khi từ bỏ chút ít thu nhập sẽ có ảnh hưởng tài chính ngắn hạn, thì vi phạm giá trị cốt lõi sẽ đẩy công ty trên đà tụt dốc và ảnh hưởng đến công việc kinh doanh lâu dài. Các giá trị cốt lõi là điều mà doanh nghiệp không bao giờ được thay đổi. Nếu chúng ta đi chệch khỏi con đường này, chúng ta sẽ đánh mất niềm tin ở cả nhân viên và khách hàng.

3. Giữ chân nhân viên có tài, ngay cả khi họ không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp

Tại Beryl, chúng tôi từng có một giám đốc sản xuất với CV hoàn hảo và kinh nghiệm đầy mình. Tuy vậy, người đó lại không thể có được sự tín nhiệm và tôn trọng của các nhân viên khác. Cuối cùng, chúng tôi đã phải cho người đó thôi việc bởi phong cách lãnh đạo của anh ta không phù hợp với doanh nghiệp chúng tôi.

4. Đừng thuê nhân công thời suy thoái

Nếu có suy thoái có mặt tích cực gì với chủ lao động, thì đó là dễ kiếm tài năng. Chúng tôi đã thuê thêm 100 nhân viên mới từ năm 2008, nhiều người trong số họ từng là lãnh đạo cấp cao với kinh nghiệm làm việc hiếm thấy, và họ đã giúp công ty chúng vươn lên thêm một bậc.

5. Đừng tiêu tiền “cho vui”

Trong thời kì khó khăn, có lẽ rất khó để quyết định chi tiền cho những thứ như nghỉ mát hàng năm. Tuy vậy, chính những hoạt động này lại thúc đẩy sự gắn kết của nhân viên, và giúp giảm tốc độ thay thế nhân công.

6. Giảm thiểu đào tạo và giáo dục

Chi tiền cho giáo dục và đào tạo làm lợi trực tiếp cho cả nhân viên và chủ công ty. Nhân viên được củng cố kỹ năng và cảm thấy vui vì công ty đã đầu tư cho họ, còn công ty thì hưởng lợi vì nhân viên gắn bó hơn, làm việc hiệu quả hơn.

7. Giảm lương xuống mức tối thiểu

Khi doanh nghiệp bắt đầu bị tổn thất do suy thoái, nhiều công ty đã cắt giảm lương nhân viên. Tại Beryl, chúng tôi không làm như vậy, để nhân viên thấy rằng chúng tôi cam kết gắn bó với họ lâu dài. Những hành động như vậy đã giúp chúng tôi duy trì tốc độ thay thế nhân công thấp.

8. Tăng trưởng bằng thu mua

Chắc chắn có nhiều vụ sáp nhập, thu mua thất bại hơn là thành công. Và thách thức lại càng lớn hơn nữa bởi văn hóa doanh nghiệp khác biệt. Trong suy thoái, mua lại một công ty sắp sập có vẻ là một sự hứa hẹn đầy cám dỗ. Tuy vậy, hiếm thấy hai công ty nào lại có chung giá trị cốt lõi. Bạn có thể lan truyền văn hóa doanh nghiệp cũ trong một tổ chức mới, nhưng bạn cũng phải đối mặt với nguy cơ đánh mất giá trị cốt lõi. Lựa chọn của Beryl là tập trung vào tăng trưởng hữu cơ.

9. Tập trung vào sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn

Mọi người mua mối quan hệ, chứ không phải sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Bạn có thể củng cố mối quan hệ bằng cách tăng cường các cuộc hội thoại về chủ đề mà cả bạn lẫn khách hàng đều quan tâm. Dĩ nhiên Beryl cũng có sản phẩm hay dịch vụ để bán, nhưng chính việc lắng nghe và chia sẻ với khách hàng đã giúp chúng tôi đứng vững trong ngành.

10. Khách hàng là quan trọng nhất

Điều này nghe có vẻ phản trực giác, song nhân viên nên được ưu tiên hơn khách hàng. Khi nhân viên có mức độ thỏa mãn trong công việc cao hơn, họ sẽ tạo ra những trải nghiệm khách hàng xuất sắc hơn, và kết quả là công ty tăng trưởng nhanh hơn.

 

Tuy vậy, không có nghĩa là bạn không nên quan tâm đến khách hàng, mà bạn nên hiểu rằng khách hàng của bạn sẽ được lợi nhiều hơn nếu bạn tập trung chăm sóc nhân viên của mình.

Thu Thủy

Theo TTVN/Inc.

Comments powered by CComment