Các yếu tố ảnh hưởng đến công việc định giá sản phẩm

Trong marketing, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm, tuy nhiên, các yếu tố này được chia thành 2 nhóm chính

  • Nhóm yếu tố nội tại (bao gồm công đoạn định vị sản phẩm trong chiến lược marketing, chiến lược giá mà doanh nghiệp sử dụng, chi phí sản xuất, khả năng tài chính của doanh nghiệp)
  • Nhóm yếu tố ngoại tại (cầu thị trường, cạnh tranh, đời sống tài chính của khách hàng mục tiêu, mùa vụ, lễ tết, sự kiện).

product
Sơ đồ thể hiện các yếu tố ảnh hưởng đến công việc định giá sản phẩm


A. Các yếu tố nội tại (bên trong doanh nghiệp) ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm

1. Công đoạn định vị sản phẩm trong chiến lược marketing
Định vị sản phẩm, công đoạn cuối trong quá trình xây dựng chiến lược marketing, quyết định đến 2 yếu tố của sản phẩm: chất lượng và giá cả. Giả sử, doanh nghiệp chọn chiến lược "more for more" trong marketing và định vị cho sản phẩm A là sản phẩm cao cấp có chất lượng cực kỳ tốt, tính năng vượt trội, thiết kế đẹp mắt, sang trọng, thích hợp cho doanh nhân và dĩ nhiên kèm theo đó là giá thành cao. Hoặc doanh nghiệp có thể chọn chiến lược "more for less" trong marketing và định vị cho sản phẩm A là sản phẩm có chất lượng tốt (so với đối thủ cạnh tranh) nhưng lại đưa ra mức giá vừa phải.



product1
Sơ đồ định vị sản phẩm

2. Chiến lược giá mà doanh nghiệp sử dụng cho sản phẩm
Chiến lược giá trong marketing rất đa dạng, việc xác định lựa chọn và áp dụng chiến lược giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc định giá sản phẩm. Ví dụ như sản phẩm xe máy Airblade trong giai đoạn đầu của chiến lược giá hớt ván sữa mà Honda áp dụng trên thị trường Việt Nam sẽ có giá rất cao, hoặc sản phẩm mì gói Hảo Hảo trong giai đoạn đầu của chiến lược giá thâm nhập thị trường áp dụng bởi Vinaacecook lại có giá rất thấp.
3. Chi phí sản xuất
Chi phí sản xuất là yếu tố không thể không kể đến khi định giá cho bất kỳ một sản phẩm. Về mặt cơ bản, để kinh doanh 1 mặt hàng có lời phải thỏa mãn điều kiện: giá sản phẩm - (chi phí sản xuất/1 đơn vị sản phẩm + chi phí khác/1 đơn vị sản phẩm) > 0. Do yếu tố lợi nhuận ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp nên khiến việc xác định chi phí sản xuất đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc định giá. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể tăng giá sản phẩm vượt cao mức chi phí nhằm khẳng định giá trị sản phẩm hoặc trong 1 số trường hợp khác, doanh nghiệp có thể tìm cách giảm chi phí để giảm giá thành để tăng khả năng cạnh tranh..
4. Khả năng tài chính của doanh nghiệp
product2

Khả năng tài chính của doanh nghiệp cũng góp phần ảnh hưởng đến giá sản phẩm của doanh nghiệp đó. Một doanh nghiệp có khả năng tài chính dồi dào sẽ có khả năng chấp nhận chịu lỗ để hạ mức giá thành sản phẩm nhằm thâm nhập thị trường hoặc loại bỏ sản phẩm đối thủ khỏi thị trường. Ngược lại, những doanh nghiệp có khả năng tài chính yếu kém dù trong trường hợp đó sẽ vẫn giữ mức giá cơ bản và tìm cách thức khác để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.


B. Các yếu tố ngoại tại (bên ngoài doanh nghiệp) ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm

1. Cầu thị trường
product3Theo quy luật giá cả và cầu thị trường trong trường hợp các yếu tố môi trường không thay đổi, nếu giá của 1 loại sản phẩm tăng sẽ khiến lượng cầu giảm, và ngược lại nếu giá sản phẩm đó giảm sẽ khiến lượng cầu tăng. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như lãi suất, thu nhập người tiêu dùng, giả cả và sự ra đời của các mặt hàng thay thế, v.v... cũng ảnh hưởng đến cầu thị trường. Theo đó, doanh nghiệp cần phải tính toán, xác định đúng lượng cầu thị trường hiện tại và xu hướng tăng giảm lượng cầu của sản phẩm để hỗ trợ cho việc định giá sản phẩm. Giả sử, việc ra đời của đĩa CD và DVD đã làm giảm lượng cầu của loại băng ghi âm và ghi hình. Vì thế của hàng A kinh doanh băng ghi âm và ghi hình phải giảm giá thành của 2 mặt hàng này nhằm tăng lượng cầu. Trong 1 trường hợp khác, công ty bất động sản A tính được rằng lượng cầu mua nhà ở tại TPHCM vào tháng sắp tới sẽ tăng mạnh do việc nhập cư của người dân từ các tỉnh và thành phố khác nên quyết định nâng mức giá căn hộ nhằm tăng lợi nhuận.

2. Cạnh tranh
Cạnh tranh đang trở thành một yếu tố lớn ảnh hưởng đến việc định giá thành sản phẩm trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Sẽ không có gì đáng nói nếu doanh nghiệp bạn là doanh nghiệp có tiếng tăm, sản phẩm doanh nghiệp là sản phẩm chất lượng, được định giá theo giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp mới mở cửa, sản phẩm thuộc loại chất lượng tạm ổn với mức giá vừa phải, việc thay đổi giá của đối thủ cạnh tranh sẽ khiến doanh nghiệp ấy đau đầu. Nếu giá mặt hàng của đối thủ cạnh tranh đột ngột giảm, doanh nghiệp ấy buộc phải giảm giá sản phẩm của mình để giữ chân khách hàng.
3. Đời sống tài chính của khách hàng mục tiêu/ người tiêu dùng
Thu nhập của khách hàng mục tiêu/người tiêu dùng là được xem là yếu tố lớn nhất tác động đến cầu thị trường, và kéo theo đó là sự ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm. Khi thu nhập của khách hàng mục tiêu/người tiêu dùng tăng sẽ, doanh nghiệp có thể tăng giá sản phẩm và ngược lại.
4. Mùa vụ, lễ, tết, sự kiện
Đối với 1 số sản phẩm như sản phẩm nông nghiệp, hải sản..., yếu tố mùa vụ có ảnh hưởng lớn đến giá thành của chúng. Chúng ta có thể thấy rõ là 1 kg măng cụt vào thời gian trái mùa sẽ có giá thành cao hơn nhiều so với 1 kg măng cụt vào thời gian mùa thu hoạch. Một số các yếu tố khác như lễ, tết, sự kiện cũng sẽ tác động đến giá thành sản phẩm. Ví dụ như vào thời gian trước tết 1 tháng, các nhà trồng kiễng đồng loạt tăng giá của các loại kiễng ngày tết như hoa mai, phát tài... Gần đây, sự kiện Việt Nam thắng Malaysia trong trận bán kết lượt đi cúp AFF khiến giá vé trận bán kết lượt về tăng cao.

Theo letsmarketing

Không ghi tác giả

Comments powered by CComment