Khi những người làm PR “động não”...

tải xuống 10 8c4e6

Để quảng bá thông tin, người làm nghề PR ở Việt Nam phải động não nghĩ ra nhiều cách lợi hại. Các nhân vật trong giới showbiz được đem ra làm "mồi nhử".

Và người đọc, đáp lại sự tò mò của mình, lại nhiều khi thấy mình bị lừa khi đọc hết tin.

Lâu nay, những người viết mục văn hoá, giải trí của các tờ báo - cả giấy lẫn mạng - đều đã buộc phải quen với hiện tượng, vẫn được gọi đùa là bị "bỏ bom" thông tin từ chủ yếu là các công ty truyền thông. Với các tay viết thường xuyên, mỗi ngày ít nhất nhận được cả chục email tin các loại từ những công ty "thân quen, lâu năm". Việc ngồi một chỗ, mở mạng, nhận thông tin đã được "dọn sẵn", xử lý cho phù hợp "tôn chỉ mục đích" của tờ báo mình đang làm, có hai mặt lợi - hại. Chuyện này, bàn sau.

Trong bài viết này, trước hết, chúng tôi muốn nói đến một hiện tượng, các tay viết thường nhận email thông tin từ những người (không quen), tự giới thiệu là làm công việc PR tự do, bán thời gian, thời vụ,... cho một công ty, ca sĩ, diễn viên, người mẫu... nào đó. Người gửi tin kiểu này thuộc dạng "quăng" tin, ăn may - trúng tay viết nào đăng được lên báo, thì đăng; họ cũng có địa chỉ, điện thoại cụ thể, lại còn "lịch sự" xin lỗi "nếu đã gửi email làm phiền anh/chị báo chí".

Gần nhất, hầu hết các tay viết mảng giải trí, văn hoá của TPHCM đều nhận được một email có tựa "Xuân Lan bụng bầu, vẫn đi đóng phim", có địa chỉ người gửi cụ thể, đề ngày 16.7. Một người phụ nữ bụng bầu 6 tháng vẫn ra trường quay đóng phim, thì đã sao? Một người phụ nữ bình thường, sức khoẻ tốt, có mang 6 tháng vẫn có thể đi làm bình thường. Cái từ "vẫn" trong tít tin khi nói tới cô người mẫu vừa có vẻ chiếu cố, lại vừa đặc cách khen ngợi chỉ vì cô Xuân Lan là người mẫu?

Vài năm trước, thông tin cô ca sĩ họ Hồ, vừa sinh con đầy tháng đã mặc bộ đồ có màu và thiết kế gợi nhớ hình ảnh cô quảng cáo cho nhãn hãng dầu gội đầu, nhảy khoẻ "như điên" trên sân khấu trong một chương trình văn nghệ, khiến nhiều người đọc lắc đầu ái ngại. Sau mới rõ, chuyện cô ca sĩ nhảy được mạnh như thế một tháng sau sinh là cũng vì cô có sức khoẻ, mà cũng một phần là vì cô hay ăn yến – một nhãn hàng yến cô thường quảng cáo... Quả là một sự "động não" làm tin, tung tin từ người đặt hàng, tới người làm hàng...

Thử đọc kỹ lại thông tin về cô Xuân Lan, hoá ra, thông tin về cô người mẫu bụng bầu đóng phim sit-com "Tiệm bánh Hoàng tử bé" (đang phát sóng trên VTV9) chỉ là lớp "màng", bọc cho thông tin một cô tuổi teen nào đó có tên Tam Triều Dâng, tham gia vài phim và hình như cũng có họ hàng gì đó với người gửi thông tin... Giả thử, tay viết nào đó, vô tình "mắc bẫy" của người gửi tin, đưa tin về Xuân Lan đóng phim sit-com, thì có thể sẽ nhắc đến cô diễn viên teen kia, vì trong phim cô cũng có vai.

Một ví dụ khác, người mẫu, diễn viên Nhan Phúc Vinh tham gia phim "Đường đua", sẽ ra rạp ngày 26.7 tới. Chưa rõ, giữa công ty truyền thông chuẩn bị tin quảng cáo cho một chương trình truyền hình thực tế phát sóng trên VTV cũng vào ngày 26.7 và Hãng phim Xanh - đơn vị sản xuất phim "Đường đua" - có thoả thuận "hợp tác truyền thông" gì không, song, trong thông cáo báo chí gửi đầu tuần này, công ty truyền thông đã quảng cáo tin cho chương trình truyền hình thực tế cùng việc gắn tên Nhan Phúc Vinh - phim "Đường đua" với chương trình truyền hình diễn viên này sẽ tham gia.

Còn nhiều ví dụ về việc gửi, đưa tin kiểu "đắm đò giặt mẹt" của nhiều người làm PR, hay công ty truyền thông... Song, một câu hỏi hết sức phổ thông được đặt ra là, vì sao email của các tay viết ở các báo lại có thể có trong tay của những người làm PR mà các tay viết không hề biết người làm PR đó là ai? Ngày 18.7, chúng tôi đã thử tìm hiểu, thấy có một vài cách, nhưng, trong đó, có lẽ, "kỳ lạ" hơn cả là trên web: www.vi.scribd.com, lồ lộ một danh sách các phóng viên, tay viết mảng văn hoá văn nghệ, chủ yếu sống, làm việc ở TP.Hồ Chí Minh. Ai lập danh sách này và đưa lên mạng, với mục đích gì?

"Cảm thương" cho những người làm nghề PR, muốn có thu nhập từ người đặt hàng, vẫn thường phải vắt óc động não nghĩ ra đủ các chiêu thức viết tin gửi quảng cáo, giới thiệu cho báo chí. Còn các tay viết, việc có được thông tin để "nuôi miệng", một mặt cũng có cái lợi vật chất, nhưng, việc dùng tin nhiều khi thiếu cẩn thận, cũng có thể đã và khiến họ bị "tổ trác" vì thực tế nhiều trường hợp, những gì sau đó diễn ra không như những thông tin họ nhận sẵn; còn người tiêu dùng thông tin thiệt hại nhiều đường vì bị nhiễu tin...

Theo Người lao động.

Comments powered by CComment