Warning: Attempt to read property "image_intro" on null in /home/mktcl/domains/marketingchienluoc.com/public_html/plugins/system/t4/src/t4/Helper/Metadata.php on line 79

Warning: Attempt to read property "image_fulltext" on null in /home/mktcl/domains/marketingchienluoc.com/public_html/plugins/system/t4/src/t4/Helper/Metadata.php on line 79

Sự thật về Marketing

Hơn mười năm trước, khi đất nước mới mở cửa đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài, marketing là một lĩnh vực hết sức thú vị và mới mẻ. Nay marketing vẫn còn là chuyện thời sự của các doanh nghiệp, xin được chia sẻ một vài kinh nghiệm chung quanh vấn đề này.

 

alt

Sự thật về sự khác biệt


Nhập môn marketing ai cũng biết một nguyên tắc cơ bản là phải tạo sự khác biệt thông qua định vị thương hiệu. "Khác biệt hay là chết" là khẩu hiệu nằm lòng của các giám đốc thương hiệu. Bản thân tôi cũng đã có những trải nghiệm và cảm nhận thú vị về sự khác biệt.

 

Rất nhiều thương hiệu tạo nên sự khác biệt mới lạ dựa trên một định vị độc đáo nhưng vẫn thất bại. Khoan hãy đưa ra những nguyên nhân để lý giải sự không thành công của "sự khác biệt", hãy tự hỏi những định vị đó có trúng "tim đen" và được lòng người tiêu dùng không? Xin nói ngay, để nắm bắt điều đó chúng ta phải thông qua khái niệm "sự thật ngầm hiểu" (consumer insight hay insight). Hay nói cách khác, nhà sản xuất phải đưa ra được một thông điệp đã nằm đâu đó trong tâm trí người tiêu dùng mà chính bản thân họ cũng không biết? Khi Dove đưa ra thông điệp: "Xà bông thường có chút xút gây khô da", mọi người thấy có lý vì đâu đó trong kiến thức phổ thông họ đã biết. Vì thế khi Dove nói lên sự khác biệt "Dove là xà bông trung tính không chứa xút và có thêm một phần tư hàm lượng kem dưỡng da cho bạn làn da mịn màng" thì người tiêu dùng đã tiếp nhận! Nói tóm lại "sự khác biệt" và "định vị" của thương hiệu phải được tạo ra từ một sự "ngầm hiểu" sâu sắc.

 

Sự thật về marketing và quảng cáo


Quảng cáo là một mắt xích trong tiến trình marketing và là công cụ quan trọng để truyền đạt thông điệp của thương hiệu đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, không thể có sự lẫn lộn giữa "Marketing - người đặt hàng quảng cáo" và "Đại lý người làm ra quảng cáo" Marketing (khách hàng) nắm vững đường hướng, chiến lược phát triển của thương hiệu và đưa ra những yêu cầu truyền thông rõ ràng. Đại lý quảng cáo sẽ tiếp nhận những yêu cầu và cung cấp cho khách hàng những ý tưởng độc đáo để thể hiện hiệu quả thông điệp sản phẩm. Trong thực tế, một thương hiệu thành công bao giờ cũng có dấu ấn của hai bên. Cả hai luôn tránh điều tối kỵ: làm thay việc của nhau. Các giám đốc thương hiệu nên được huấn luyện để biết cách dẫn dắt và đánh giá các tác phẩm sáng tạo một cách sáng suốt và công bằng và không nên can thiệp quá chi tiết vào công việc của bên quảng cáo.

 

Hồi làm trợ lý nhãn hiệu, tôi đã bị sếp la một trận vì đã dập tắt "nguồn cảm hứng" của giám đốc sáng tạo bằng cách tự tay vẽ ra một thiết kế cho trang quảng cáo trên báo và yêu cầu họ làm tiếp! Rồi sau này, có dịp làm tư vấn cho một số công ty trong nước, tôi lại chứng kiến rất nhiều nhà quảng cáo lại lo cố vấn chiến lược thương hiệu cho khách hàng! Tất nhiên cũng khó trách được họ khi ngay cả bên marketing (khách hàng) cũng không rành về chiến lược của mình! Đã đến lúc phải trở lại đúng trật tự của nó! Các doanh nghiệp phải tự làm chủ vận mệnh thương hiệu của mình, bằng mọi giá, kể cả việc nhờ sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ bên ngoài. Còn công ty quảng cáo hãy mạnh dạn nói: "Chúng tôi chỉ biết làm công việc quảng cáo theo chiến lược đề ra của quý vị".

 

Sự thật về sức mạnh của các công ty đa quốc gia


Không thể phủ nhận tính chuyên nghiệp, tính hệ thống và tiềm lực tài chính của các "đại gia" nước ngoài, nhưng họ có một điểm yếu chết người là "tính toàn cầu hóa" ngày càng cao trong chiến lược marketing. Điều đó đã làm hạn chế sự thích ứng với môi trường địa phương và đánh mất khả năng thấu hiểu nhằm đáp ứng nhu cầu đặc biệt của người tiêu dùng. Vì thế, muốn thắng được họ, chỉ có một cách duy nhất là làm marketing bài bản và thể hiện khả năng hiểu người địa phương vượt trội. Điều này chưa được các doanh nghiệp trong nước làm tốt. Trong khi đó, nhờ vũ khí này, các công ty Trung Quốc đã đi từ chỗ bắt chước đến chỗ đánh bật các công ty nước ngoài. Họ liên tục đưa ra sản phẩm mới, ưu việt, sử dụng các phương cách marketing hiện đại, sử dụng các công ty quảng cáo nước ngoài. Ngày nay, các công ty Trung Quốc thậm chí còn mua lại các đại gia (mua đứt nhánh IBM PC) và vươn ra toàn cầu.

 

"Tôn giáo" marketing


Xin kể hai mẩu chuyện trước khi có lời kết cho bài viết này. Câu chuyện thứ nhất. Năm 2000, Australia ban hành luật thuế GST (giống như VAT). Chính phủ Australia tung một chiến dịch marketing rầm rộ để vận động người dân bỏ phiếu cho loại thuế mới này. Hằng ngày trên truyền hình xuất hiện dày đặc các quảng cáo rất ấn tượng nói về lợi ích của GST (thí dụ một bà mẹ nói, với cách tính này, sau 20 năm gia đình bà tiết kiệm được 100 nghìn đô-la Australia!). Các quảng cáo bao giờ cũng kết thúc bằng số điện thoại trợ giúp nếu người dân muốn khai thuế giùm! Tuy nhiên, cũng có những người phản đối và cũng bằng cách rất... marketing. Một lần trên truyền hình xuất hiện một đoạn quảng cáo một anh chàng cầm một ly bia ngồi trong quán bar. Trước sự ngạc nhiên tột độ của anh ta, ly bia bị vơi đi 20%. Trên màn hình xuất hiện câu hỏi: "Bạn có biết ai lấy cắp 20% bia của bạn không?". Trả lời: "Đó chính là thuế GST!!!". Ký tên ở dưới: "Hiệp hội các nhà sản xuất bia Australia!!".

 

Câu chuyện thứ hai. Hãng máy tính Apple năm vừa qua đã thành công vang dội với iPod: máy nghe nhạc MP3 (tải từ trên mạng xuống). Ý tưởng về sản phẩm xuất phát từ đầu óc marketing của Tổng giám đốc Steve Jobs khi quan sát thấy các bạn trẻ tải nhạc từ trên mạng xuống nhưng chỉ có thể lưu trữ vào các ổ cứng hay các nơi lưu trữ trên mạng và mỗi lần muốn nghe nhạc lại phải ngồi vào máy tính. Sản phẩm iPod ra đời chứa được hàng nghìn bài nhạc MP3 và phục vụ cho nhu cầu nghe nhạc mọi lúc mọi nơi. Chưa hết, Apple tung ra một website bán nhạc để dân chơi iPod có thể tùy nghi lựa chọn.

 

Ngày nay, marketing đi vào kinh doanh và cuộc sống như một thứ "tôn giáo" chứ không dừng lại là một nghề hay một kỹ năng. Rất nhiều doanh nghiệp đủ mọi thành phần có thể bàn luận say sưa về xây dựng thương hiệu, về marketing. Đó là tín hiệu rất đáng mừng cần được cổ vũ! Tuy nhiên, chúng ta cần phải chú trọng tính thực hành nhiều hơn nữa trong công tác marketing. Sự mạnh dạn đầu tư và kiên quyết bước theo con đường chuyên nghiệp là yếu tố quyết định hình thành một lớp doanh nhân - marketing mới, những người sẽ nâng các thương hiệu Việt Nam lên tầm cỡ khu vực và thế giới.

 

Theo eChip

Comments powered by CComment