Marketing nội bộ: lạt mềm buộc chặt

Ngạn ngữ cổ Trung Quốc có câu: “Có hiền tài tất có thiên hạ”. Tuy nhiên, để chiến thắng trong môi trường kinh doanh đầy biến động hiện nay, nhà quản trị doanh nghiệp không những cần phải có hiền tài, mà quan trọng phải biết phát huy hết khả năng của nguồn lực đó. Marketing nội bộ được đánh giá là giải pháp hữu ích đối với các công ty trong bài toán sử dụng nhân sự…

Marketing nội bộ không chỉ là các biện pháp giữ chân người tài, mà quan trọng hơn cả là gắn kết nhân viên với công ty, là khơi dậy hưng phấn làm việc của mỗi nhân viên và tạo điều kiện để nhân viên có thể phát huy tối đa năng lực của mình.

Vậy các doanh nghiệp thường sử dụng biện pháp nào trong marketing nội bộ đối với nhân viên của mình?


Chương trình cổ phiếu ưu đãi

Chương trình quyền chọn mua cổ phiếu (ESPP - Employee Stock Purchase Plan) và chương trình thực hiện quyền sở hữu cổ phiếu (ESOP - Employee Stock Ownership Plan) là những cách thức mà các công ty cổ phần thường sử dụng để thu hút và động viên đội ngũ nhân sự của mình. Theo đó, những nhân viên của công ty tùy theo năng lực, cống hiến, kinh nghiệm, trình độ sẽ được trao tương ứng quyền sở hữu cổ phiếu của công ty nơi mình làm việc dưới hình thức thưởng hoặc mua ưu đãi.

Tại Việt Nam, Công ty Chứng khoán Bảo Việt là đơn vị đi tiên phong trong việc thực hiện chương trình ESOP. Nội dung chính của chương trình là nhân viên tham gia chương trình sẽ được nhận cổ phiếu thưởng hàng năm tương ứng với thành tích đạt được. Chương trình kéo dài trong năm năm, mỗi năm công ty phát hành cổ phiếu thêm 1%/ vốn điều lệ để thưởng cho nhân viên. Số cổ phiếu thưởng sẽ được chuyển nhượng mỗi năm 20%, sau năm năm được phép chuyển nhượng toàn bộ.

Tuy nhiên, hình thức ưu đãi cổ phiếu phổ biến nhất được đa số các công ty cổ phần tại Việt Nam áp dụng là phát hành cổ phiếu với giá thấp cho nhân viên. Việc phát hành cổ phiếu cho nhân viên thường được thực hiện lồng ghép trong các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng, phát hành cho cổ đông hiện hữu bởi Luật Chứng khoán Việt Nam cho phép trong mỗi đợt phát hành cổ phiếu, công ty được dành tối đa 5% để phát hành cho nhân viên trong công ty. Hàng loạt các công ty, tập đoàn lớn đã thực hiện thành công chính sách này và thu được nhiều kết quả khả quan trong quản lý nhân sự như: Công ty FPT, Ngân hàng ACB, Ngân hàng Sacombank, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Sữa Vinamilk, các công ty dược phẩm, các công ty xây dựng…   

Ưu đãi cổ phiếu cho nhân viên cũng có thể diễn ra ngay khi thành lập công ty. Năm 2007, trong cơn sốt thành lập các công ty chứng khoán và định chế tài chính, những nhà quản lý và các cổ đông sáng lập thường dùng chiêu bài góp vốn theo mệnh giá ban đầu để thu hút nhân viên. Nhân viên góp vốn đương nhiên là những đồng chủ sở hữu của công ty, cùng gắn bó và chịu những điều kiện ràng buộc chuyển nhượng.

Một hình thức khác của ưu đãi cổ phiếu là việc cho nhân viên vay tiền để góp vốn hoặc mua cổ phiếu của công ty. Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam cho nhân viên vay 50% số tiền để mua cổ phiếu của chính công ty thông qua đấu giá ủy thác và nhân viên có thể trả dần từng tháng hoặc theo kỳ hạn của hợp đồng.


Chính sách phúc lợi

Những chế độ phúc lợi mang tính bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã trở nên quá quen thuộc và không mấy tác dụng trong việc động viên khuyến khích nhân viên. Trong thời gian gần đây, một số công ty tại Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến việc mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên. Ví dụ tại Công ty TMA Solutions, hàng năm chi phí đóng bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên vào khoảng 1,1 tỉ đồng cho khoảng gần 400 nhân viên (mệnh giá 100 triệu đến 600 triệu đồng - tùy vị trí) và sau 10 năm đóng phí liên tục thì số tiền tích lũy được trong hợp đồng sẽ là tài sản của nhân viên. Trong khối các công ty dược phẩm, sữa… có vốn đầu tư nước ngoài, việc mua bảo hiểm y tế Aon đã trở thành một trong những điểm mạnh để công ty thu hút nhân tài. Theo đó, công ty sẽ hỗ trợ đóng phí bảo hiểm y tế không chỉ cho bản thân nhân viên mà còn cho cả người thân trong gia đình. Lợi ích mà nhân viên có được là sự an tâm về sức khỏe cho mình và người nhà, để họ có thể an tâm cống hiến cho công việc.

Nhiều công ty còn tận dụng lợi thế kinh doanh của ngành để dành cho nhân viên những chính sách phúc lợi hấp dẫn. Các công ty bất động sản, xây dựng thường dành một phần quỹ đất để đáp ứng nhu cầu của cán bộ công nhân viên với mức giá hấp dẫn. Các ngân hàng có nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ thường có chính sách ưu đãi cho nhân viên vay ngoại tệ để kinh doanh trong một thời hạn nhất định. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Agribank, nhân viên được phép vay vàng miếng để kinh doanh mà không cần thế chấp tài sản.

Bên cạnh những chế độ phúc lợi có tính vật chất, những hoạt động mang tính động viên tinh thần nhân viên như tham quan, dã ngoại, sinh hoạt tập thể không chỉ khơi dậy niềm hưng phấn trong công việc của nhân viên mà còn là những dịp gắn bó quan hệ, nâng cao tinh thần đồng đội của các nhân viên trong công ty.


Môi trường làm việc

Môi trường làm việc tốt sẽ là động lực quan trọng để khai thác tối đa hiệu quả làm việc của nhân viên. Tạo lập một môi trường làm việc tiên tiến không chỉ là việc sắp xếp không gian và điều kiện làm việc hợp lý mà còn là việc tổ chức quy chế, cách thức chỉ đạo trong công việc sao cho nhân viên phát huy hết khả năng cả trong công tác độc lập lẫn làm việc theo nhóm.

Môi trường làm việc còn bao gồm cả danh tiếng và văn hóa công ty. Không có gì lạ khi những công ty ít có biến động về nhân sự nhất là những công ty danh tiếng và có văn hóa công ty tiêu biểu. Bốn đại gia thuộc nhóm Big Four bao gồm Deloitte Touche Tohmatsu, Ernst & Young, KPMG và PricewaterhouseCoopers được biết đến là những doanh nghiệp thành công nhất trong việc tạo lập môi trường làm việc lý tưởng để khai thác tối đa hiệu quả làm việc của nhân viên. Chính điều đó đã giúp cho Big Four luôn duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình 15% - 20% mỗi năm - một sự tăng trưởng ấn tượng so với mức tăng trưởng bình quân trong ngành kiểm toán là 5% mỗi năm.

Thực hiện marketing nội bộ tốt sẽ mang lại cho công ty những lợi thế lớn về quản trị nhân sự. Tuy nhiên, đó  không phải là thần dược để giải quyết tất cả các vấn đề của công ty. Marketing nội bộ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được thực hiện trong mối tương quan tốt với các biện pháp quản trị khác của công ty.

Theo saga

Comments powered by CComment