Marketer: 3 lời khuyên hữu ích khi vào nghề cho bạn!

Các bạn đã biết đến 5 nhóm công ty trong ngành Marketing Communication và số vị trí lên đến hơn 100 vị trí trong các nhóm công ty này. Bạn có thể cảm thấy "ngộp" vì sự đa dạng của các vị trí trong ngành, và "hoang mang" về việc "em sẽ đi đâu về đâu".

Và đâu đó sẽ có những bạn cảm thấy lý luận "em sẽ dành 3 năm đầu trong ngành marketing để trải nghiệm các vị trí" được củng cố thêm. Không thử sao biết, phải không?
Có 3 lời khuyên cho các bạn ở tình cảnh và suy nghĩ trên:
Lời khuyên 1: Bình tĩnh

Mặc dù có hơn 100 vị trí và đặc thù công việc khác nhau, nhưng về cơ bản – các vị trí đều liên quan đến nhau và phối hợp chặt chẽ trên cùng một quy trình. Vì vậy, làm ở vị trí này không có nghĩa là "mù tịt" về các vị trí còn lại.

advice

Và rất may mắn là trong hơn 100 vị trí ấy, thì có khoảng 10 vị trí là "khởi điểm" – tức là nền tảng phân nhánh của các công việc khác.
Ví dụ như từ vị trí Account Manager, bạn có thể phát triển thành Account Director, Business Development Manager hay Communication Planning. Tức là nếu làm tốt ở một vị trí "nền tảng", bạn vẫn có thể lựa chọn các hướng phát triển khác nhau sau đó.
Lời khuyên thứ 2: "Do or do not. There is no try"

Đó là một lời thoại nổi tiếng của nhân vật Yoda trong bộ phim Star Wars. Và lời khuyên đó cũng rất đúng với ngành marketing.
Bạn có biết câu "em sẽ dành 3 năm đầu trong ngành marketing để trải nghiệm các vị trí trong ngành marketing" nằm trong top 5 câu nói mà các nhà tuyển dụng ...ghét nhất không? Buồn thay, đó lại là câu nói cửa miệng của rất nhiều các bạn sinh viên mới ra trường.
Tại sao vậy? Vì thông qua câu nói đó, bạn bộc lộ 3 biểu hiện về sự thiếu chuyên nghiệp:

  •  Bạn thiếu sự cam kết và gắn bó với công ty. Bạn "trải nghiệm", "thử" có nghĩa là bạn có thể dừng công việc hay bỏ đi bất cứ lúc nào. Đối với một nhân sự mới ra trường, các công ty thường mất từ 6 đến 9 tháng để đào tạo – và nếu các bạn làm thật sự tốt, thì 2 năm là khoảng thời gian tối thiểu để công ty "thu hồi vốn". Chẳng công ty nào muốn đầu tư cho những người thiếu cam kết.
  •  Việc trải nghiệm hay thử là mục tiêu cá nhân của bạn, không phải của công ty. Công ty muốn tìm người phù hợp để tạo ra giá trị, hay xa hơn là gắn bó lâu dài với công ty. Bạn không có "trải nghiệm" bằng nhiều cách khác nhau, nhưng đừng mang công việc ra để trải nghiệm.
  • Tại sao lại là bây giờ? Tại sao lúc ra trường rồi bạn mới "trải nghiệm" – thời sinh viên của bạn làm gì? Vì lý do đó, các công ty rất ưu tiên tuyển các bạn có kinh nghiệm hoạt động Đoàn/Sinh viên hay có kinh nghiệm đi làm từ lúc còn là sinh viên. Không phải vì những kinh nghiệm đó,mà vì họ biết rõ mình muốn gì hơn những bạn chưa-thử-bao-giờ.

Lời khuyên thứ 3: Kỹ năng quan trọng hơn kiến thức

Rất nhiều bạn khi lựa chọn marketing là nghề nghiệp của mình thì đổ xô đi học các khóa như "Giám đốc thương hiệu" hay "Tinh hoa quản trị", hoặc mua những sách xa xôi như "Marketing 3.0". Những kiến thức đó sẽ rất có ích, nhưng không phải ngay bây giờ – khi bạn mới khởi đầu ngành marketing.
Khi bắt đầu ngành marketing, hầu hết các bạn sẽ bắt đầu ở những vị trí Executive – dân da gọi nôm na là "cu ly", tức là làm mọi việc. Và yếu tố đánh giá mức độ thành công trong nghề nghiệp của bạn là "bạn làm tốt những việc đơn giản thế nào" chứ không phải "bạn biết những chiến lược gì".
Hãy tham khảo yêu cầu của từng cấp bậc trong ngành Marketing Communication:

advice1

Nói ngắn gọn, nếu kiến thức là "tôi biết đó là gì" thì kỹ năng là "tôi biết cách để làm điều đó". Và marketing là ngành luôn cần "make it happen", là ngành của những giải pháp thực tiễn chứ không phải là những lý luận học thuật.
Đó là lý do có những bạn vác một đống bằng cấp Giám đốc này, Trưởng phòng kia mà vẫn không được công ty nào nhận vào phòng Marketing. Vì họ thiếu những kỹ năng cơ bản để thành công trong công việc, như Kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, óc quan sát hay khả năng suy nghĩ logic.
Thậm chí, có những công ty quảng cáo lớn khi tuyển Account Executive chỉ cần 3 yếu tố: ngoại hình ưa nhìn, giao tiếp tiếng Việt & tiếng Anh tốt và kỹ năng thuyết trình tốt. "Đó là 3 vấn đề về tố chất, rất khó rèn luyện. Các thứ khác, tụi anh sẽ dạy được." – anh Giám đốc Quan hệ khách hàng (Head of Client Services) của công ty này chia sẻ ngắn gọn.
Thật vậy, trong những năm "đầu đời" của ngành marketing, việc bạn viết một email tiếng Anh không sai chính tả – làm một bài thuyết trình xúc tích và dễ hiểu, còn quan trọng hơn nhiều so với những chiến lược chưa-dùng-thử-bao-giờ trong đầu.
Một yếu tố khác để bạn tập trung vào kỹ năng, là công ty (nơi bạn làm việc) sẽ trang bị cho bạn kiến thức. Không nơi nào học tốt về thị trường Beverage (nước giải khát) bằng Vietnam Brewerly Ltd (công ty sở hữu nhãn hàng Tiger, Heineken...). Không nơi nào học về thị trường Giặt ủi tốt bằng Unilever. Không trường lớp và sách vở nào tốt bằng cả.

Vấn đề của bạn chỉ là vào được những nơi "tốt nhất" ấy thôi. Chuyện nhỏ mà, phải không?

Theo TYM

Không ghi tác giả

Comments powered by CComment