Chợ truyền thống và cửa hàng tiện lợi: Đối kháng hay cộng sinh?

“Cũng gần như đầy đủ chỉ còn thiếu một vài nguyên liệu đặc biệt mà phải ghé chợ mới có. Từ đây qua chợ cũng gần nên chỉ cần mua sắm tập trung trong cửa hàng này rồi thiếu gì thì ghé chợ mua thêm…”.

Đó là lời chia sẻ của chị Quỳnh Trang tại quầy thu ngân của một cửa hàng tiện lợi đối diện cổng chợ Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, TPHCM). Đây cũng là thời gian đi chợ của chị Trang sau khi được nghỉ Tết và chị lựa chọn của hàng tiện lợi này để mua sắm phần lớn nhu yếu phẩm cho mùa Tết sắp tới.

Với câu chuyện này, dễ nhận thấy người tiêu dùng đang cơ cấu lại hành vi mua sắm của mình và trong sự thay đổi này chợ truyền thống đang trở nên mong manh hơn khi đối đầu trực tiếp với các mô hình hiện đại trên một phạm vi địa lý.

Sự phát triển nhanh chóng của các hình thái kinh doanh hiện đại đã tối ưu việc thu gom “phúc lợi vương vãi” của đời sống đô thị và cũng làm tổn thương các phương thức kinh doanh cũ khi họ bị bỏ lại phía sau. Câu chuyện “xung đột” giữa chợ truyền thống và cửa hàng tiện lợi đã kéo dài gần 10 năm nay và gần đây nó lại được nhắc đến nhiều hơn khi mô hình hiện đại không ngại “xâm lấn” vào lãnh địa của chợ truyền thống.

Khách hàng dịch chuyển, bán lẻ hiện đại “đón lõng”

Ở TPHCM, hàng trăm chợ truyền thống được dự báo sẽ điêu đứng vì các mô hình bán lẻ hiện đại đang tấn công họ một cách nhanh chóng. Không chỉ trên các tuyến đường chính mà ở đâu đó các góc chợ truyền thống cũng đã xuất hiện cửa hàng tiện lợi. Chợ truyền thống trước đây được xem là hình thức thương mại chủ lực của đô thị, thì đến nay, đang hoạt động với tập khách hàng bị thu hẹp nghiêm trọng.

 

Chợ truyền thống đang hoạt động dưới sức ép ngày một lớn của cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Thành Hoa

Trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019, thị trường đã chứng kiến việc mở mới thêm hàng trăm cửa hàng tiện ích, siêu thị để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng tại các đô thị lớn trên địa bàn cả nước. Tính đến nay, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang có hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi, tăng gấp đôi so với hai năm trước, hơn 8.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ. Nếu nhìn trên tương quan này, số lượng mô hình chợ truyền thống vẫn đang áp đảo. Tuy nhiên mô hình bán lẻ hiện đại đang cho thấy sự bứt tốc về số lượng và nhanh nhạy trong cách “đón lõng” lượng khách hàng của chợ truyền thống.

Ông Đặng Thanh Phong - Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động, đơn vị chủ quản chuỗi siêu thị thương hiệu Bách Hóa Xanh cho biết, mở các cửa hàng Bách Hóa Xanh ngay sát chợ, bao quanh chợ là một trong những mục tiêu và định hướng chiến lược phát triển của đơn vị. Sở dĩ vậy, bởi Bách Hóa Xanh muốn tiếp cận nhiều hơn bà nội trợ và người tiêu dùng bình dân, đối tượng tiêu dùng số đông. Mà đối tượng tiêu dùng này lại cũng chính là khách hàng của chợ truyền thống.

Theo đó, để tiếp cận, thu hút người tiêu dùng, Bách Hóa Xanh đã kinh doanh những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu giống với chợ như thực phẩm (rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, sữa…), hóa mỹ phẩm (dầu gội đầu, xà bông…).


Thực phẩm bày bán tại các cửa hàng tiện lợi dần đáp ứng được nhu cầu của các bà nội trợ.

Cũng theo ông Phong, hiện Bách Hóa Xanh có hơn 1.000 cửa hàng tại TPHCM và các tỉnh lân cận, tập trung tại các khu chợ truyền thống, khu dân cư ngoại thành, khu dân cư bình dân. Trong đó, có 350 cửa hàng Bách Hóa Xanh tại TPHCM.

“Mục tiêu trong năm 2020, chúng tôi sẽ mở thêm 800-900 cửa hàng Bách Hóa Xanh từ khu vực miền Trung trở vào. Trong đó, mở ngay cạnh chợ truyền thống, quanh khu vực chợ truyền thống vẫn là mục tiêu quan trọng”, ông Phong nói thêm.

Đại diện một nhà bán lẻ không muốn nêu tên cho biết, có thể nói việc các mô hình dạng siêu thị, cửa hàng tiện lợi xuất hiện bên cạnh các chợ truyền thống là một tín hiệu tốt vì việc đó đồng nghĩa với việc các nhà bán lẻ nắm bắt được xu hướng chuyển dịch mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại. Đời sống của người dân được nâng cao và yêu cầu về xuất xứ, chất lượng hàng hóa cũng phải bắt buộc nâng cao theo. Một quy luật cạnh tranh thay thế bắt buộc, phù hợp với quy luật vận động của thị trường bán lẻ.

Rõ ràng xu hướng chuyển đổi đã tạo nên cho các mô hình bán lẻ những lợi thế nhất định, nhưng việc chuyển đổi cần thêm thời gian cũng tạo nên nhiều khó khăn, thử thách.

Tuy nhiên, nếu có phương án đáp ứng đa dạng, tiểu tiết hóa hàng hóa và giá cả cạnh tranh thì nhà bán lẻ vẫn có thể dễ dàng thu hút được người tiêu dùng tại các chợ truyền thống. Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa đảm bảo, dịch vụ khách hàng và hậu mãi chuyên nghiệp cũng là một lợi thế rất lớn của kênh hiện đại. Xu thế này không chỉ dừng lại ở các đô thị lớn mà còn đang dịch chuyển về cả nông thôn qua chiến lược của các chuỗi hiện đại.

Chợ truyền thống mong manh?

Đi chợ dường như là nếp sinh hoạt hằng ngày không thể thiếu trong mỗi gia đình ở Việt Nam. Dẫu qua bao thăng trầm lịch sử nhưng hình ảnh buôn bán tấp nập, nhộn nhịp của các chợ vẫn diễn ra hằng ngày. Nhưng sự nhộn nhịp này cũng không khỏa lấp được thực tế là chợ truyền thống đang trở nên mong manh trước sự dịch chuyển hàng ngày của người tiêu dùng về phía kênh bán lẻ hiện đại.

Con số thống kê vẫn cập nhật tỷ lệ 70% người tiêu dùng mua hàng qua chợ truyền thống. Tuy nhiên giá trị tiêu dùng tuyệt đối ở chợ đang là một vấn đề khiến nhiều tiểu thương phải đau đầu. Sự vận động của đời sống hiện đại đang tạo ra cơ hội cho bán lẻ hiện đại mà các tiểu thương chợ truyền thống rất khó để nắm bắt. Và những người bị bỏ lại bên lề vẫn mang theo uẩn ức của riêng mình.

 

Chợ truyền thống khuất sau các cửa hàng tiện lợi trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3. Ảnh: Thành Hoa

Khoảng chục năm nay, chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3) đang là khu vực biểu hiện rõ nét nhất cho việc cửa hàng tiện lợi đang “xâm lấn” và thu gom phần lớn nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Trước chợ là siêu thị Vissan, CoopFood rồi đối diện bên đường là siêu thị tiện lợi B’mart. Khoảng 500m qua cầu Lê Văn Sỹ lại vừa khai trương CoopFood. Còn đi ngược về phía đường Trần Huy Liệu lại có Circle K. Những địa chỉ phân phối thực phẩm quanh chợ ngày càng dày thêm và bao vây khu chợ này trong sự cô đơn của chính mình.

Một tiểu thương ở sạp 3A trong lòng chợ luôn gay gắt khi nhắc đến các siêu thị trước chợ như là nguyên nhân khiến chợ ngày càng vắng khách. Bà cũng bán thịt bò, các siêu thị cũng bán thịt bò. Trước kia bà bán vài chục ký thịt bò loại một trong một ngày là chuyện thường, nay chỉ bán phân nửa mà vẫn còn hàng. Mấy năm nay bà phải lấy ít hàng lại vì khách đến chợ vào siêu thị ở cửa chợ trước rồi mới vào chợ. Bà cũng không biết làm cách nào để bán được nhiều hơn vì hàng mua vào giá đã cao nên không thể giảm giá để hút khách được nữa.

Trong khi đó bạn của bà, bà Hoàng Ngọc Lâm, bán gia vị ở gần đó thì không may mắn có hàng loại một để bán. Bà Lâm chép miệng, giờ người ta mua nước mắm, nước tương, hành ngò cũng vào siêu thị. Chỉ có những người đi chợ lâu năm mới còn ghé hàng của bà. Vì bà đã mua gian hàng từ lâu chứ không phải thuê từ Ban quản lý chợ nên cũng không nỡ bỏ gian hàng đã gắn bó lâu năm với mình. Tết năm nay bà cũng không làm củ kiệu, dưa mắm để bán như trước vì biết rất ít người mua mà làm thì cực.

Chợ truyền thống không chỉ mong manh qua những tâm tư của tiểu thương mà trên thực tế, số liệu thống kê cho thất lượng chợ truyền thống ở TPHCM đang có chiều hướng ngày càng giảm. Nếu như năm 2005 có trên 300 chợ, cho đến nay chỉ còn khoảng hơn 200 chợ, trong đó có 38,2% chợ “lớn tuổi” xây dựng trước năm 1975 đang xuống cấp. Tổng quan hơn, theo báo cáo hồi tháng 9-2019 của Sở Công Thương TPHCM, hệ thống phân phối tại TPHCM có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 239 chợ truyền thống và 2.651 cửa hàng tiện lợi.

Ông Huỳnh Tấn Thanh, phụ trách kinh doanh chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TPHCM cho biết, năm 2019 sức mua tại chợ sụt giảm nghiêm trọng, khoảng 50-60% so với năm 2018; lượng người đi chợ nhìn thấy giảm rõ rệt, hàng hóa tiểu thương nhập về cũng cầm chừng. Thậm chí những ngày giáp Tết cũng chỉ tăng nhẹ chứ không tấp nập, xôm tụ như vài năm trước.

Theo ông Tấn Thanh, nếu trước đây ông bà ta có thói quen cầm giỏ đi chợ thì nay người tiêu dùng hiện đại có thói quen ghé vào cửa hàng tiện lợi, siêu thị mua hàng hóa hay đặt hàng trên mạng. Siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa tới 21 giờ mỗi ngày, trong khi chợ 18 giờ đã đóng cửa.

“Năm 2019 khoảng 30% tiểu thương (tương ứng 100-140 tiểu thương) tạm ngưng kinh doanh, bỏ quầy sạp do tình trạng kinh doanh quá ế ẩm”, ông Thanh kể.

 

Trong khi đó, ông Trần Thanh Nguyên, đại diện Ban quản lý chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TPHCM cho rằng, sự phân tán sức mua, tập trung từ chợ truyền thống sang hệ thống mua sắm hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi là điều bình thường trong sự phát triển chung của xã hội. Thói quen tiêu dùng thay đổi, theo đó người đi chợ sẽ ít đi, sức mua của chợ sẽ giảm là tất yếu.

Cũng theo thông tin từ chợ Bà Chiểu, một vài năm gần đây, do tình trạng kinh doanh ế ẩm nên số lượng quầy sạp tạm ngưng kinh doanh, đóng cửa xuất hiện. Hiện nay có 1.084 quầy sạp đang kinh doanh so với con số 1.368 quầy sạp đăng ký kinh doanh trước đây.

Theo báo cáo thị trường của Q&Me, người dùng đã quen dần với việc mua sắm trong các siêu thị lớn, về việc có không gian, mua sắm tiện nghi, thậm chí không phải mặc cả, thái độ phục vụ của nhân viên thân thiện, khách hàng có nhiều hơn một sự lựa chọn cũng như hoàn toàn yên tâm về chất lượng cũng như nguồn gốc của các sản phẩm.

Có thể chợ truyền thống vẫn có đối tượng khách hàng của riêng mình và chưa đến mức phải cảnh báo về sự tồn vong như trong “sách đỏ” nhưng rõ ràng chợ truyền thống đang ngày một mong manh hơn, nhất là ở các đô thị lớn không ai có thể đoán được tuổi thọ của chợ trong thời buổi này. Nếu chỉ là “sân sau” và thu gom “phúc lợi vương vãi” từ các cửa hàng tiện lợi thì có lẽ chợ truyền thống phải tính đến bài toán sinh tồn sớm hơn.

Điều đáng cân nhắc là chợ cần phải được tổ chức, nâng cấp lại, tạo môi trường ngăn nắp, thay đổi cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… cho phù hợp với xu hướng hội nhập mới có thể hấp dẫn được người tiêu dùng.

* Nguồn: Saigon Times

Comments powered by CComment