Sân bay quốc tế có sức hút lớn với các thương hiệu xa xỉ

Thời gian chờ đợi lên máy bay lâu cộng với các cửa hàng miễn thuế khiến các sân bay lớn trên thế giới đang trở thành nơi lý tưởng để các thương hiệu xa xỉ nhắm vào các du khách giàu có.

Báo cáo gần đây của Công ty phân tích dữ liệu GlobalData (Anh) cho biết đến năm 2021, chi tiêu mua sắm của hành khách ở các sân bay trên toàn cầu sẽ đạt 49 tỉ đô la, tăng 27% so với mức 38 tỉ đô la trong năm 2016.

Các sân bay quốc tế lớn đang có sức hút với các thương hiệu xa xỉ muốn tiếp cận các hành khách giàu có trên khắp thế giới.

Theo dữ liệu của Công ty môi giới bất động sản Savills, trong vòng hai năm từ 2016-2018, các nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm cao cấp nhất thế giới đã mở 33 cửa hàng mới tại các sân bay trên thế giới.

Christian Dior, Gucci, Hermès, Louis Vuitton và Prada nằm trong số trong 13 thương hiệu xa xỉ đăng ký thuê mặt bằng mở cửa hàng ở sân bay lớn nhất thế giới ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) dự kiến khai trương vào đầu tháng 4 tới.

Sanbay1 1553964422

Một khu mua sắm miễn thuế ở sân bay Changi, Singapore. Ảnh: Straits Times.

Các thương hiệu này đang muốn nhắm đến các hành khách đi máy bay ở các sân bay quốc tế vì họ thường là những du khách giàu có. Số liệu của Công ty tư vấn quản lý Bain & Company (Mỹ) cho thấy doanh thu của các thương hiệu xa xỉ ở các sân bay tăng trưởng 7% trong năm 2018, trong khi đó, doanh thu của họ ở các cửa hiệu đặt tại các trung tâm thành phố hầu như không tăng trưởng.

Du lịch toàn cầu tăng trưởng khởi sắc là động lực thúc đẩy xu hướng mua sắm hàng xa xỉ ở các sân bay. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng 6% trong năm 2018 lên 1,4 tỉ lượt. Du khách đi lại bằng hàng không quốc tế thường giàu có hơn du khách nói chung.

Các công ty quản lý cảng hàng không trên thế giới cũng ngày càng trở nên phụ thuộc vào doanh thu thương mại tại sân bay khi cuộc cạnh tranh thu hút các chuyến bay đang gây áp lực giảm phí hạ cánh. Vì vậy, các công ty này đang sẵn sàng tu bổ các cảng hàng không theo tiêu chuẩn mà các thương hiệu xa xỉ toàn cầu đòi hỏi.

Cuộc cạnh tranh thuê mặt bằng bán hàng xa xỉ ở các sân bay quốc tế sầm uất nhất thế giới chẳng hạn như Heathrow (London) hay Charles de Gaulle (Paris) đang rất khốc liệt. Các sân bay này thường yêu cầu các thương hiệu xa xỉ phải trả mức phí thuê mặt bằng tương đương 20-30% doanh thu mà các cửa hàng của họ thu được từ các sân bay.

Tuy nhiên, các thương hiệu xa xỉ vẫn chấp nhận trả các mức phí thuê mặt bằng cao để tiếp cận các hành khách đi máy bay giàu có, đặc biệt là du khách Trung Quốc, những người đang có xu hướng mua sắm hàng hiệu khi đi du lịch nước ngoài. Hiện nay, người tiêu dùng Trung Quốc đóng góp trung bình 1 đô la trong số 3 đô la chi cho hàng hóa xa xỉ trên toàn cầu.

Sanbay2 1553964653

Các cửa hàng bán hàng xa xỉ ở sân bay quốc tế Hồng Kông. Ảnh: Hong Kong Airport.

Các sân bay ở Sydney (Úc) và Singapore cũng đang trở thành những địa điểm yêu thích của các thương hiệu xa xỉ vì chúng đón số lượng du khách quá cảnh khổng lồ đến từ Trung Quốc.

Một yếu tố khác khiến các sân bay trở nên có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với các thương hiệu xa xỉ là mật độ bán hàng (sale density) của các cửa hàng đặt tại đây có thể đạt mức cao gấp ba lần so với các cửa hàng ở các khu trung tâm thành phố. Mật độ bán hàng là thước đo hiệu suất trong bán lẻ, được tính dựa vào doanh thu đạt được trên mỗi đơn vị diện tích (foot vuông, mét vuông) của cửa hàng.

Công ty tư vấn bán lẻ Pragma cho rằng sở dĩ mật độ bán hàng đạt của các cửa hàng tại sân bay mức cao như vậy là nhờ thời gian mở cửa dài và lượt khách ghé cửa hàng đông.

Tổ chức Du lịch thế giới dự báo đến năm 2030, lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sẽ cao hơn 29% so với hiện nay. Do vậy, số lượt khách ghé vào các cửa hàng xa xỉ ở các sân bay lớn trên toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng trưởng. Đối với hành khách đi máy bay, những cửa hàng gắn biển Gucci va Hermès sẽ dần trở thành hình ảnh thân quen tại các sân bay.

Không hành khách nào muốn mất nhiều thời gian chờ đợi ở các sân bay vì họ không đến các sân bay để mua sắm và ăn uống. Nhưng tình trạng máy bay trễ chuyến đã trở thành cố hữu do nhiều lý do khác nhau bao gồm thời tiết và sự cố kỹ thuật, buộc hành khách phải chờ đợi.

Theo Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI), thời gian trung bình mà các du khách quốc tế có mặt ở các sân bay lớn trên thế giới trước khi lên máy bay là ba tiếng đồng hồ.

Trang tin supplychaindive.com cho biết sau khi làm thủ tục hải quan, hành khách các sân bay lớn ở Bắc Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico) phải chờ đợi trung bình 90 phút mới được lên máy bay.

Samantha Hart, nhà tư vấn bán lẻ cấp cao ở Công ty tư vấn Capgemini Consulting, nói: “Các sân bay nhận ra rằng thời gian vàng giữa làm thủ tục hải quan và lên máy bay là thời gian duy nhất mà họ có thể khuyến khích hành khách chi tiêu”.


* Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

Comments powered by CComment