Quảng bá thương hiệu bằng hình ảnh lãnh đạo Độc đáo hay rủi ro?

Người ta vẫn thường thấy một số cơ sở sản xuất in hình ông chủ, bà chủ lên bao bì sản phẩm. Cách làm này tưởng chừng như rất mộc mạc của các cơ sở nhỏ lẻ, lại được áp dụng ở những doanh nghiệp lớn, liên quan tới chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu.


Khi Tập đoàn Tân Hiệp Phát dùng hình ảnh tổng giám đốc quảng cáo cho thương hiệu trà thanh nhiệt thảo mộc (Dr. Thanh), dư luận đã có nhiều ý kiến đồng tình, chê trách khác nhau.

alt

 

Song, không biết có phải sự tò mò với cách quảng cáo này hay không, mà chỉ sau ba tháng tung ra thị trường, trà thảo mộc Dr.Thanh đã được nhiều người tiêu dùng đón nhận, từ sản lượng 300.000 chai/ngày, tập đoàn này đã nâng lên 600.000 chai/ngày.

 

Ông Trần Quí Thanh, Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cho biết:“Thành công của trà thảo mộc Dr. Thanh là kết quả của nhiều giải pháp phối hợp.Tuy nhiên, yếu tố đầu tiên thu hút người tiêu dùng đến với sản phẩm chính là hình thức quảng cáo khác biệt của Tân Hiệp Phát: Lấy hình ảnh người đứng đầu doanh nghiệp để quảng cáo thương hiệu”.

 

Từ năm 1939, thương hiệu KFC do ông Sanders sáng lập cũng đã thành công mỹ mãn khi ông lấy chính hình ảnh của mình làm hình ảnh cho thương hiệu.

 

Theo các chuyên gia tiếp thị, tiếp thị bằng hình ảnh của chính ông chủ hoặc lãnh đạo cấp cao của công ty là phương thức phù hợp với mọi doanh nghiệp, nếu biết cách làm sẽ đem đến hiệu quả cao. Song, một trong những “cách làm” thành công, là phải tạo đựơc thiện cảm của người tiêu dùng với chính người lãnh đạo đang quảng cáo cho thương hiệu.

 

Vào những ngày đầu khởi nghiệp, do không có kinh phí quảng cáo, Kimberly Fowler, chủ các trung tâm thể dục thẩm mỹ nổi tiếng YAS Fitness tại Los Angeles (Mỹ), cũng đã sử dụng chính gương mặt của mình để giới thiệu tên tuổi của công ty. Cô kể lại chuyện đã "chiến đấu" thành công với căn bệnh ung thư và chuyện mang tính cá nhân ấy đã vượt ra ngoài website của Flower, xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, tạo cho bao người sự yếu mến, quý trọng.

 

Kết quả là doanh thu của Flower đã tăng vọt 40% chỉ sau vài tháng. Một khảo sát của các thành viên LinkedIn cho tờ AdweekMedia cũng cho rằng, hơn 2/3 số người được hỏi cho biết, việc các chủ doanh nghiệp hoặc các giám đốc cấp cao làm đại diện cho hình ảnh thương hiệu của công ty sẽ khiến cho các sản phẩm, các mẫu quảng cáo trở nên tin cậy hơn so với thông thường.

 

Xét về chi phí, sử dụng các chủ doanh nghiệp, lãnh đạo cấp cao trong công ty làm hình ảnh quảng bá thương hiệu sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với việc dùng các ngôi sao, người nổi tiếng.

 

Mặt khác, khi phải đảm trách “nhiệm vụ” nặng nề này, chính chủ doanh nghiệp, lãnh đạo công ty cũng sẽ phát huy tối đa trách nhiệm, phải giữ gìn, cẩn trọng hơn về mọi mặt để giữ uy tín, hình ảnh thương hiệu. Đặc biệt, uy tín và tầm của người lãnh đạo càng lớn thì mức độ thành công của thương hiệu càng cao.

 

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng thương hiệu dựa vào “hình ảnh người lãnh đạo” thường rất nguy hiểm. Rủi ro ở đây là người chủ doanh nghiệp hoặc các lãnh đạo cấp cao của công ty có thể thôi chức, đó là chưa kể trường hợp, một số người đi làm cho công ty khác hoặc nếu vì lý do nào đó mà gặp phải tai tiếng, thì thương hiệu cũng sẽ bị "vạ lây", có khi chết yểu.

 

Ông Đoàn Đình Hoàng, chuyên viên tư vấn thương hiệu khẳng định: “Cách tiếp thị thương hiệu bằng chính hình ảnh lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có hai mặt, vừa độc đáo mà cũng vừa rủi ro. Khi thành công thì rất bền vững vì tính riêng biệt, khi thất bại thì ảnh hưởng sẽ lớn vì sự liên đới”. Bậc thầy quảng cáo David Ogilvy cũng từng phản đối gay gắt lãnh đạo công ty lộ diện trên các quảng cáo.

 

Những giá trị cá nhân cần quan tâm khi lựa chọn làm hình ảnh doanh nghiệp:
- Bề ngoài, khả năng diễn thuyết thu phục lòng người
- Phẩm chất đạo đức và giá trị cá nhân của họ có phù hợp với giá trị của doanh nghiệp
- Có đặt mục tiêu gắn bó sự nghiệp lâu dài với doanh nghiệp

Ông cho rằng, đây là cách "mù tịt" về cách thức tiếp thị sản phẩm. Một lý do khác, theo Ogilvy là ngay cả các chủ doanh nghiệp, các lãnh đạo cấp cao có trụ vững lâu dài trong vị trí của mình thì việc xây dựng văn hóa công ty qua cá tính của họ cũng khiến thương hiệu bị suy yếu.

 

Điển hình là trường hợp của Robert Ailen với AT&T, Roger Smith và GM. Khi hình ảnh của hai lãnh đạo này được thổi phồng thì họ trở nên cao ngạo và không thèm nghe những ý kiến của ngừơi khác và có những quyết định tiêu cực ảnh hưởng xấu đến công ty.

 

Hệ thống nhận diện thương hiệu là tập hợp các yếu tố cốt lõi, bao gồm tên thương hiệu, mẫu logo, màu sắc, kiểu chữ và mẫu định dạng cụ thể. Những yếu tố này đều chứa đựng tiềm năng thể hiện các đặc tính nhận biết của khách hàng, bởi nó rất quan trọng trong xây dựng thương hiệu, vì theo một số nhà tâm lý, nhận biết chiếm tới hơn 95% quyết định mua hàng.

 

Bởi vậy, khi những yếu tố nhận diện thương hiệu cốt lõi được tạo ra và truyền tải các đặc tính phù hợp với những điểm khác biệt mang tính chiến lược của thương hiệu, thì cơ hội thu hút khách hàng trung thành sẽ lớn hơn rất nhiều. Xét trên yếu tố này thì chọn hình ảnh lãnh đạo thành hình ảnh của thương hiệu là một đòi hỏi hết sức cẩn trọng.

 

Dù không ít rủi ro, nhưng khi đã chọn phương thức tiếp thị này, các chuyên viên tư vấn thương hiệu cũng lưu ý: Nên chọn những lãnh đạo có đủ sức thuyết phục lòng người, phẩm chất đạo đức và giá trị cá nhân phù hợp với giá trị doanh nghiệp, trong đó, yếu tố ăn ảnh cũng là một chi tiết không thể không lưu tâm.

 

Ý NHI / DNSG

Comments powered by CComment