Warning: Attempt to read property "image_intro" on null in /home/mktcl/domains/marketingchienluoc.com/public_html/plugins/system/t4/src/t4/Helper/Metadata.php on line 79

Warning: Attempt to read property "image_fulltext" on null in /home/mktcl/domains/marketingchienluoc.com/public_html/plugins/system/t4/src/t4/Helper/Metadata.php on line 79

Kinh doanh “thương hiệu”

Tất nhiên, ăn bột ngọt Vedan sẽ không bị ngộ độc, nhưng để làm ra gói bột ngọt, Vedan đã huỷ hoại dòng sông, gây hoạ cho hàng vạn nông dân, liệu chừng sản phẩm ấy đã sạch, an toàn vì cộng đồng?

 

Buổi lễ tuyên dương “Doanh nghiệp ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng xuất sắc và trao giải top 100 sản phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng” đêm 11.10 vừa qua với sự góp mặt của hai thứ trưởng, bốn bộ và nhiều cục, vụ có lẽ sẽ “thành công mỹ mãn” nếu không có việc trao giải ba “Sản phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng” cho Vedan. Một thực tế, nhiều vị quan chức cấp bộ tham gia chấm và trao giải tham gia vào cuộc thi này.

Để có được buổi tuyên dương, sau đề xuất của trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu và chất lượng (viết tắt: NATUSI), trong cùng một ngày, ông Bùi Văn Quyền, vụ trưởng cơ quan đại diện bộ Khoa học và công nghệ tại TP.HCM đã ký hai quyết định thành lập ban tổ chức, hội đồng xét thưởng và thư mời doanh nghiệp tham gia. Ông Quyền phong cho mình làm trưởng ban, năm vị hàm vụ trưởng, phó của ba bộ (Y tế, Khoa học và công nghệ, Công thương) với một số vị lãnh đạo khác làm chủ tịch, uỷ viên ban tổ chức và hội đồng xét thưởng. Phía đối tác (NATUSI) giữ ghế thư ký.

Dù cho mình là “trung tâm uy tín trong lĩnh vực chất lượng hàng hoá”, nhưng NATUSI – tác giả của giải thưởng – đã không tự đứng ra làm việc xét và trao giải mà phải dựa vào một lực lượng cơ quan công quyền hùng hậu. Nếu đơn thương độc mã đứng ra tổ chức, chưa chắc NATUSI có được khoảng 120 doanh nghiệp tham gia. NATUSI hiểu, giải thưởng sẽ có uy tín, lôi kéo được nhiều doanh nghiệp, nếu có yếu tố Nhà nước – một cách nghĩ bao cấp... Và, NATUSI tìm đến các bộ.

Câu chuyện trung tâm NATUSI phải đi “mượn oai” có lẽ không làm dư luận chú ý bằng việc hàng loạt bộ nhảy vào làm giải thưởng. Ai cũng hiểu, bộ là cơ quan quản lý nhà nước, theo phân công bằng luật pháp, việc của cơ quan quản lý là hoạch định, hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp về môi trường, thuế, lao động… và chế tài khi có vi phạm. Không hiểu, cơ quan quản lý phải giải thích với dư luận thế nào khi xảy ra “sự cố” trao giải cho Vedan như vừa qua hoặc hôm nay trao giải, ngày mai sản phẩm bị nhiễm khuẩn…? Hay như việc thu phí ngoài cả tỉ đồng, tiền các doanh nghiệp tham dự, tiền tài trợ dễ khiến người ta nghĩ đến việc cơ quan quản lý mua – bán giải thưởng hay “kinh doanh thương hiệu”.

Mặt khác, sự xuất hiện của hàng loạt quan chức dễ hành chính hoá một cuộc thi, theo kiểu xin – cho. Việc xét và trao giải nên để một đơn vị thứ ba, phi nhà nước, lo liệu. Uy tín của đơn vị thứ ba chính là thước đo của quy mô cuộc thi cũng như giá trị giải thưởng chứ không phải là “thương hiệu” của bộ này hay ngành nọ. Ông Nguyễn Quân, thứ trưởng bộ Khoa học và công nghệ, người trao giải, cho rằng “đây chỉ là chứng nhận cho sản phẩm cụ thể”. Giải thích của ông Quân có vẻ hợp lý khi đối chiếu với quy chế xét tặng giải thưởng. Trong các tiêu chí “đánh giá sản phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng” không thấy có yêu cầu nào về bảo vệ môi trường, điều kiện vệ sinh an toàn, điều kiện làm việc của người làm ra sản phẩm… Liệu người dự thi chỉ phải nộp vài tờ giấy như: “Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng đang áp dụng (ISO, HACCP…), “chứng nhận tiêu chuẩn môi trường”… có phản ánh đúng thực chất, trong khi các yêu cầu về môi trường, an toàn thực phẩm, người lao động – những đòi hỏi nóng sốt của một xã hội hội nhập bị lờ đi. Ai cũng biết, nhà máy sữa Thống Nhất (thuộc công ty Vinamilk) xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, nay dân còn phản ảnh; công ty Môi trường đô thị thành phố chôn chất thải nguy hại trái phép; một sản phẩm sữa của công ty Friesland Campina gây dị ứng… Những người chấm giải có biết các đơn vị trúng giải đã khắc phục?

Tất nhiên, ăn bột ngọt Vedan sẽ không bị ngộ độc, nhưng để làm ra gói bột ngọt, Vedan đã huỷ hoại dòng sông, gây hoạ cho hàng vạn nông dân, liệu chừng sản phẩm ấy đã sạch, an toàn vì cộng đồng? Một doanh nghiệp xuất khẩu giày ở Việt Nam cho biết, để sản phẩm được bán ở nước ngoài, doanh nghiệp đó phải thoả mãn hàng tá tiêu chí về môi trường làm việc, đời sống công nhân, an toàn lao động… do một đơn vị độc lập xác nhận. Chỉ khi hàng hoá được giám sát bằng hệ thống quy phạm như thế, ông thứ trưởng mới không khẳng định “quy trình, công nghệ sản xuất gây ô nhiễm chứ người ăn sản phẩm ấy thì không sao!”.

Theo SGTT

 

Comments powered by CComment