Vị thế thương hiệu Việt đang ở đâu?

Mai Vân - NLĐ

Đó là câu hỏi được đặt ra trong hội thảo “Thương hiệu Việt sau một năm gia nhập WTO” do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Thời báo Kinh tế VN vừa tổ chức tại TPHCM


Ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Chương trình Thương hiệu Quốc gia, cho rằng: Tổng quan kinh tế VN sau một năm gia nhập WTO đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thương hiệu Việt. Chẳng hạn, đầu tư đạt mức cao nhất bằng 41% GDP. Số doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng mạnh, ước tính hiện có khoảng 250.000 doanh nghiệp. Thị trường xuất khẩu mở rộng, kim ngạch năm 2007 đạt 46,8 tỉ USD (tăng 23%); thị trường nội địa phát triển, doanh số đạt 726.113 tỉ đồng... Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng có những hạn chế như nhập siêu lớn với giá trị 14 tỉ USD trong năm 2007, là mức cao nhất trong 15 năm qua. Lạm phát cao, chỉ số giá tiêu dùng cao, trong khi đó các cơ quan quản lý lại thể hiện lúng túng trong phản ứng chính sách, thể hiện bất cập trong quản lý vĩ mô.


Bức tranh kinh tế như trên cũng tác động đến thương hiệu quốc gia. Cũng theo ông Tuyển, nhắc đến VN, cộng đồng quốc tế nhận ra hai khái niệm song song đó là một đất nước có món phở rất ngon nhưng cũng là một quốc gia có lượng xe cộ lưu thông rất lộn xộn. Như vậy, thương hiệu quốc gia của VN vẫn chưa tập trung.


Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên viên kinh tế cao cấp, trong năm đầu tiên gia nhập WTO, VN đã tiến thêm một bước trong việc cải thiện hình ảnh và xây dựng thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, hình ảnh và thương hiệu của VN tương tự như nền kinh tế với hơn 60% giá trị hàng xuất khẩu vẫn chỉ là nhiên liệu (dầu thô, than đá), nông sản sơ chế (gạo, cà phê, hạt tiêu...) hay những mặt hàng gia công, chế biến với những giá trị gia tăng không cao (dệt may, da giày, lắp ráp điện tử...); tỉ lệ sản phẩm dựa vào công nghệ chế tác sâu còn thấp. “Chính vì vậy, có thể nhận định: Hình ảnh và thương hiệu quốc gia hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào lịch sử, đất nước, con người, du lịch, ẩm thực như thương hiệu “Phở”... là điều dễ hiểu. Chỉ khi nào VN có những doanh nghiệp mạnh, sản phẩm công nghệ cao có năng lực cạnh tranh quốc tế thì lúc đó mới gắn thương hiệu VN với những thương hiệu lớn như Toyota của Nhật Bản, Samsung của Hàn Quốc” – ông Doanh nói.


Song thương hiệu “Phở” được xem là thương hiệu nổi tiếng nhất VN hiện nay cũng chưa đạt chuẩn về chất lượng cũng như dịch vụ. Nếu nhắc đến các thương hiệu Sanyo, Hitachi, Sony... của Nhật Bản, người tiêu dùng phải nhận thấy tất cả các thương hiệu này đều là những sản phẩm có chất lượng cao với dịch vụ hoàn hảo. Còn hình ảnh của thương hiệu “Phở” thì như thế nào? “Thương hiệu “Phở” ở TPHCM là hình ảnh một tô phở được đặt trên một cái đĩa sạch sẽ, còn thương hiệu “Phở” tại Hà Nội không còn hình ảnh người tiêu dùng phải tự phục vụ mà đã được phục vụ tận bàn nhưng nửa ngón tay cái của nhân viên lại “thò” cả vào miệng tô phở” – PGS–TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trung tâm Thương hiệu – Đại học Thương mại, ví von để cho thấy thương hiệu Việt chưa có chất lượng đồng nhất.

Comments powered by CComment