Bài học thành công từ cổ phần hóa DN Nhà nước ở Vinamilk

Cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) Nhà nước đang được Chính phủ đẩy mạnh với nhiều quy định vừa mang tính thúc giục, vừa hỗ trợ các tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.

Thực tế cho thấy, việc cổ phần hóa đã giúp nhiều doanh nghiệp nhà nước gần như được "thay máu" và Vinamilk là một trường hợp như vậy.

bieu do sua vinamilk 1

Hiện vẫn còn không ít DN Nhà nước đang loay hoay trong việc lên phương án thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi phương thức hoạt động, kinh doanh nhằm tối ưu hóa hoạt động cho DN nói riêng, góp phần tạo sự tăng trưởng chung cho nền kinh tế. Từ thực tiễn cổ phần hóa tại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) có thể rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm cho việc chuyển đổi mô hình doanh nghiệp này.

bieu do sua vinamilk

Quá trình cổ phần hóa

Vinamilk bắt đầu thực hiện cổ phần hóa (CPH) từ tháng 12/2013, đến tháng 4/2004, với việc sáp nhập nhà máy sữa Sài Gòn (SAIGONMILK), tổng vốn điều lệ của Công ty đạt 1.590 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/10/2005, Nhà nước nắm 9.615.000 cổ phần, mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần tương đương 961.500.000.000 đồng, chiếm 60,47%. Đến 19/12/2005, tức gần 2 tháng sau, sau khi bán một phần vốn ra bên ngoài, Nhà nước chỉ còn nắm 7.952.000 cổ phần, mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần tương đương 795.200.000.000 đồng, chiếm 50,01%. Qua đợt quyết toán cổ phần và 2 lần đấu giá cổ phiếu, Vinamilk đã thu về cho nhà nước trên 2.243 tỷ đồng.

Ngày 19/1/2006, cổ phiếu của Vinamilk (mã chứng khoán VNM) đã chính thức được niêm yết tại Trung tâm Chứng khoán TP.HCM với giá khớp lệnh trong phiên giao dịch đầu tiên là 53.000 đồng/cổ phiếu.

Theo báo cáo trên, đến nay, hơn 8 năm kể từ sau khi Vinamilk bán vốn ra bên ngoài lần đầu vào tháng 11/2005, giá trị vốn Nhà nước đã là 45.839.304 tỷ đồng, tương đương 2.158 tỷ USD. Vinamilk là một trong những đơn vị cổ phần hóa thành công nhất hiện nay.

bieu do sua vinamilk 2

Sau một thời gian thử nghiệm với mặt hàng cà phê, tháng 2/2010, Vinamilk đã chuyển nhượng Nhà máy Café Sài Gòn cho Công ty CP Trung Nguyên với giá gần 40 triệu đô la Mỹ; toàn công ty tập trung nguồn lực cho một ngành hàng sữa.

Biểu đồ trên cho thấy, kết quả doanh thu các năm sau tăng vượt lên, lợi nhuận tăng lên, nhất là sau quyết định tập trung cho năng lực cốt lõi là sữa, trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước kéo dài.

Kinh nghiệm thành công

1. Lựa chọn người đứng đầu (CEO) là bà Mai Kiều Liên với đầy đủ phẩm chất của người CEO. Yếu tố số một quyết định thành công cho đơn vị.

2. Xác định chọn ngành sản xuất và kinh doanh sữa - loại sản phẩm có nhu cầu rất lớn, thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của thị trường.

3. Công khai, minh bạch thông tin ngay từ đầu với việc tổ chức kiểm toán hàng năm tốt, niêm yết sớm. Việc sớm niêm yết còn giúp công ty kịp thời huy động vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, đồng thời giảm hẳn nguồn vốn vay ngân hàng.

4. Tập trung toàn lực cho phát triển giá trị cốt lõi của công ty là ngành hàng sữa.

5. Thực hiện chiến lược kinh doanh phát triển bền vững thông qua thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) xuyên suốt trong toàn bộ chiến lược kinh doanh của mình.

Vinamilk đã phát động và tổ chức chương trình trồng một triệu cây xanh trên các vùng miền của Việt Nam, nhận được sự tham gia đông đảo của nhiều người, nhiều địa phương. Chi phí trồng cây chỉ chiếm một phần nhỏ trong kinh phí marketing của đơn vị.

Với chương trình "6 triệu ly sữa cho trẻ em Việt Nam", thực chất Vinamilk đã đưa CSR vào chiến lược kinh doanh của mình. Vinamil còn thực hiện nhiều chương trình xã hội khác nữa, cùng với ý nghĩa này.

Chính thông qua các chương trình thực hiện trách nhiệm xã hội, thương hiệu Vinamilk phát triển mạnh, doanh số bán hàng, lợi nhuận hàng năm tăng lên nhanh chóng.

Theo Vietq.vn

Comments powered by CComment